Amazon, Google và Microsoft bị kiện vì công nghệ nhận diện khuôn mặt

16/07/2020 16:26 GMT+7

Amazon, Microsoft và công ty mẹ của Google - Alphabet đã bị cáo buộc sử dụng trái phép ảnh của một bộ phận người dân bang Illinois, Mỹ trong việc phát triển các công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Các đơn kiện tố cáo 3 gã khổng lồ này đã vi phạm đạo luật bảo mật sinh trắc học của tiểu bang Illinois. Bộ ba vụ kiện vừa được đệ trình lên tòa án bang California và Washington, nơi đặt trụ sở ba công ty hôm 14.7. Các bức ảnh được đề cập là một phần của cơ sở dữ liệu Diversity in Faces của IBM, được thiết kế để thúc đẩy nghiên cứu về tính công bằng và chính xác trong công nghệ nhận diện khuôn mặt mới thay vì chỉ nhắm vào màu da, độ tuổi và giới tính như trước đây. Dữ liệu bao gồm 1 triệu hình ảnh khuôn mặt người, được chú thích bằng các thẻ đặc trưng cho đặc điểm đối xứng hai bên mặt, chiều dài mũi và chiều cao trán.
Steven Vance và Tim Janecyk, cư dân của bang Illinois, là hai nguyên đơn của các vụ kiện. Họ cho rằng hình ảnh của mình đã được đưa vào tập dữ liệu đó mà không hề thông qua sự cho phép, bất chấp thân phận cư dân Illinois đã được xác nhận. Thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin sinh trắc học mà không có sự đồng ý bằng văn bản (theo đạo luật bảo mật thông tin sinh trắc học, thông qua bởi cơ quan lập pháp Illinois năm 2008) đều được xem là bất hợp pháp tại tiểu bang này.
Nhận diện khuôn mặt từng đối mặt với phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ quyền riêng tư và các nhà lập pháp. Thậm chí, một số thành phố đã cấm sử dụng công nghệ này. Năm ngoái, các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã đề xuất cấm các đơn vị nhà ở công cộng sử dụng loại công nghệ bảo mật như nhận diện khuôn mặt . Tuy nhiên, sự thật là hiện nay các hệ thống nhận diện khuôn mặt vẫn đang trở nên ngày càng phổ biến tại các sân bay, trung tâm mua sắm và sắp tới có thể là các sở cảnh sát.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận công nghệ này đang ngày càng trở nên phổ biến

Ảnh chụp màn hình

Các nhà phê bình trích dẫn nghiên cứu cho thấy công nghệ này có tỷ lệ chính xác thấp đối với phụ nữ và dân tộc thiểu số. Khi hoạt động, chúng có khả năng trở thành một hình thức giám sát vô hình dù không xâm phạm hay xâm lấn. Điển hình được nhắc đến là Clearview AI, một công ty có công nghệ cho phép nhận diện người dùng bằng cách so sánh khuôn mặt của họ với các bức ảnh được quét từ internet, làm dấy lên mối lo ngại về sức mạnh của công nghệ.
IBM, đơn vị trực tiếp tiến hành thu thập hình ảnh từ trang ảnh Flickr, đã đối mặt với hàng loạt chỉ trích hồi đầu năm nay từ một số nhiếp ảnh gia, chuyên gia và nhà hoạt động chính trị vì đã không thông báo cho mọi người rằng hình ảnh của họ đang được sử dụng để cải thiện công nghệ nhận diện khuôn mặt. Đáp lại, IBM cho biết họ rất coi trọng quyền riêng tư và người dùng có thể từ chối thiết lập dữ liệu.
IBM là công ty tập trung mạnh vào công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhưng vào tháng 6, họ tuyên bố rút khỏi thị trường này, đại diện công ty này nói rằng họ lo lắng công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được sử dụng để thúc đẩy phân biệt đối xử và bất bình đẳng chủng tộc.
Hiện tại, các đại diện của Amazon, Google và Microsoft vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức cho các vụ kiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.