Theo đơn kiện của bà Trương Thị Cang, ngụ P.24, Q.Bình Thạnh, năm 1966 bà cất một căn nhà tôn trên phần đất nay thuộc đường Huỳnh Đình Hai (P.24, Q. Bình Thạnh) do mẹ ruột là bà Nh. cho. Diện tích xây dựng 32m2, diện tích đất 55m2. Sau đó, bà dọn sang ở cùng mẹ để chăm sóc mẹ lúc tuổi già nên giao nhà cho chị gái là T.T.H trông nom. Tiếp đó, thấy ông H.N.A và bà Trần Thị Nở không có nhà nên bà cho ở nhờ. Sau này nhiều lần đòi nhà không được nên bà Cang khởi kiện bà Nở ra tòa.
Trong khi đó, bà Nở đưa ra câu chuyện hoàn toàn khác. Theo đó, năm 1972, vợ chồng bà mua căn nhà này từ chị gái bà Cang, tức bà H., với giá 100.000 đồng (tiền chế độ cũ) nhưng không làm hợp đồng. Tuy nhiên về sau, do hai bên tranh chấp về việc nợ tiền mua nhà nên có lập tờ “giấy trả nợ tiền nhà” và có chữ ký của hai bên. Khi mua, căn nhà có diện tích 21m2. Sau này, vợ chồng bà tự đổ đất, khai hoang, xây dựng thêm thành như hiện trạng là 59,40m2. Bà Nở cung cấp tờ khai nhà năm 1977 và 1999, trong đó ghi ông A. là chủ sở hữu. Do đã mua và sống ổn định gần 40 năm nên bà đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của bà Cang.
Trong quá trình tòa thụ lý, có lúc bà Cang khai bà là người cho bị đơn ở nhờ nhưng cũng có lúc bà khai bà H. mới là người cho ông A., bà Nở ở nhờ. Và trong quá trình giải quyết vụ án này, các cấp tòa án cũng bộc lộ lúng túng. Cụ thể 2 lần xét xử sơ và phúc thẩm lần 1 tòa xác định đây là vụ kiện “đòi nhà”. Còn 2 lần sơ và phúc thẩm lần 2 tòa lại xác định đây là vụ kiện “đòi nhà cho ở nhờ”.
|
Bốn bản án, bốn quyết định khác nhau
Ngày 30.7.2007, vụ án được TAND Q. Bình Thạnh đưa ra xét xử và tuyên buộc bà Nở trả lại căn nhà cho bà Cang với nhận định căn cứ vào lời khai các nhân chứng là người thân quen như con của bà H. (tức cháu gọi bà Cang bằng dì ruột), em của bà Cang là bà T.T.L; cùng một vài người dân trong tổ dân phố.
Sau đó, bà Nở kháng cáo, ngày 5.12.2007, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm, ra một phán quyết hoàn toàn ngược lại. HĐXX tuyên sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu đòi nhà của bà Cang vì nhận định Công văn 2812/TS-TTĐK ngày 24.10.2007 của Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất đã cho thấy ông P.V.H và vợ là bà N.T.T đứng bộ khu đất chứ không phải bà Nh. như bà Cang khai. Cấp phúc thẩm cũng cho rằng án sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của những người thân quen của bà Cang để buộc trả nhà là không có căn cứ.
Ngày 19.9.2008, Chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị và ngày 26.11.2008, Tòa dân sự TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy cả hai bản án vì cho rằng cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh và làm rõ nhiều vấn đề của vụ án.
Hai năm sau, ngày 25.10.2010, TAND Q.Bình Thạnh mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 2, các chứng cứ không có gì mới. Lần này, HĐXX tuyên buộc bà Nở trả lại nhà cho bà Cang và buộc bà Cang phải trả cho bà Nở hơn 500 triệu đồng tiền công sức tôn tạo trong quá trình sử dụng đất.
Bà Nở kháng cáo. Ngày 14.9.2011 vừa qua, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lại. Lần này, HĐXX buộc bà Nở giao nhà cho bà Cang còn bà Cang chỉ thanh toán lại cho bà Nở 3 triệu đồng và ghi nhận việc bà Cang tự nguyện hỗ trợ bà Nở 30 triệu đồng chi phí di dời.
34 năm vẫn còn thời hiệu khởi kiện? Vấn đề của bản án nằm ở chỗ, các chứng cứ pháp lý quan trọng đã bị bỏ quên. Bản án chỉ dựa vào lời khai của các nhân chứng trong khi bỏ quên các chứng cứ khách quan khác. Chẳng hạn như trích sao điền thổ căn nhà không thuộc quyền sở hữu của bà Nh.; kê khai năm 1977, ông A. là người sở hữu. Thêm vào đó, căn nhà có hai bản kê khai năm 1999 (cùng ngày, cùng số) nhưng tòa chưa xác minh bản kê khai nào là thật. Quan trọng hơn, thời hiệu khởi kiện đòi nhà này đã hết ngay cả trong trường hợp đây là nhà của bà Cang mà bà H. bán thì bà Nở cũng chỉ là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Theo điều 247, Bộ luật Dân sự, người chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình trên ba mươi năm (đối với bất động sản) thì trở thành chủ sở hữu của tài sản đó. Thời điểm bà Cang khởi kiện đã là 34 năm. |
Lê Nga
Bình luận (0)