Án hành chính 'chậm' vì tòa, viện e ngại cơ quan quản lý địa phương

26/03/2021 06:48 GMT+7

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng cả thẩm phán lẫn các kiểm sát viên đều 'có sự e ngại, nể nang' đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi xử lý các vụ án hành chính.

Thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ của TAND tối cao và Viện KSND tối cao, sáng 25.3, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng các báo cáo đánh giá chưa thật sự đầy đủ, kỹ lưỡng về một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến việc phân tích một số nguyên nhân chủ quan chưa thật sự sâu sắc.

Cần nhìn thẳng vào hạn chế

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nói: “Báo cáo tổng kết của TAND và Viện KSND, thành tích nêu thì dài nhưng hạn chế khuyết điểm thì rất ngắn. Vấn đề này cần phải tập trung thêm. Mình ghi nhận thành tích đạt được nhưng cũng nhìn nhận hạn chế. Nếu thành tích nhiều mà hạn chế ngắn thì không phù hợp thực tế đã diễn ra”. Tương tự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng “trân trọng thành tích nhưng cũng phải nhìn thấy hạn chế để có hướng sửa đổi trong thời gian tới”.
Cũng với tinh thần “phải chịu trách nhiệm một phần của những hạn chế” dù kết quả đạt được rất nhiều, theo Phó trưởng ban Dân nguyện QH Lưu Bình Nhưỡng, trong công tác nhiệm kỳ vừa qua của TAND và Viện KSND “còn rất nhiều vụ việc chưa được giải quyết mà cử tri rất băn khoăn, rất bức xúc”. “Cái này chúng ta không được phép nói dối. Như vụ Hồ Duy Hải hiện nay rất bức xúc. Người ta đặt rất nhiều câu hỏi mà chúng ta chỉ nói đến một mức độ thôi vì mình là người của tổ chức, chứ còn nói toạc ra thì nhiều vấn đề quá. Căn cứ sao, chứng cứ sao? Hiện nay phát hiện thêm vấn đề mới rất nhiều. Những vấn đề này giải quyết thế nào và QH khóa 15 có tiếp tục làm việc không?”, ông Nhưỡng nêu.

Nhiều vụ án hành chính được tuyên nhưng không thi hành án

Một trong những hạn chế của ngành tư pháp được cả Ủy ban Tư pháp QH lẫn nhiều ĐB chỉ rõ là việc giải quyết các vụ án hành chính, thường được gọi là “dân kiện quan”. Báo cáo của Ủy ban Tư pháp QH cho rằng cả thẩm phán lẫn các kiểm sát viên đều “có sự e ngại, nể nang” đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi xử lý các vụ án hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cho rằng việc nể nang của TAND và Viện KSND với các UBND, chủ tịch UBND các địa phương cần có giải pháp để khắc phục tình trạng tỷ lệ giải quyết các vụ án này còn thấp. “Nếu người dân khiếu nại ra tòa nhưng tòa xử chậm thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội”, ông Thanh nêu.
Còn theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, việc xử lý các vụ án hành chính “ách tắc” ngoài chuyện nể nang của TAND và Viện KSND thì có trường hợp người đứng đầu UBND không tham dự phiên tòa, không tham gia hòa giải, dẫn đến việc giải quyết kéo dài. “Nhiều vụ án được tuyên nhưng không thi hành án. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm khi các UBND và chủ tịch UBND không thi hành hiện nay chưa nghiêm”, ông Cường nói.
Cũng theo ĐB Cường, trong thi hành án hành chính hiện nay không có cơ quan đứng ra tổ chức mà do đương sự, tức các UBND, chủ tịch UBND thi hành. “Trong trường hợp UBND, chủ tịch UBND không tổ chức thi hành thì cơ quan cấp trên phải chỉ đạo, kỷ luật. Song thực tế không có trường hợp nào UBND cấp trên kỷ luật UBND cấp dưới vì không thi hành án hành chính”, ông Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.