Ăn, ngủ cùng vàng - Bài 1: Lướt sóng

29/03/2009 23:27 GMT+7

Khác với chứng khoán, thị trường vàng biến động từng giây, từng phút như những cơn sóng từ nhỏ đến lớn. Nhà đầu tư (NĐT) lướt sóng tốt có thể kiếm vài chục triệu đồng mỗi ngày, nhưng cũng có người bị sóng dữ cuốn trôi tất cả... Mời nghe đọc bài

Thắng, thua trong khoảnh khắc

Giao dịch trên thị trường vàng diễn ra gần như liên tục trong ngày, từ 8 - 12 giờ và từ 13 - 23 giờ. Chính vì thế, rất khó khăn nếu muốn kéo NĐT ra ngoài sàn để trò chuyện bởi lúc nào mắt họ cũng dán chặt vào màn hình máy tính với những biểu đồ, dữ liệu, thông tin chằng chịt...

Sau phiên giao dịch buổi sáng, đúng 12 giờ trưa, anh Quang - NĐT vàng tại Trung tâm giao dịch vàng Việt Nam (thuộc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam VGB) - tranh thủ trao đổi với chúng tôi trong bữa ăn trưa để chuẩn bị vào phiên giao dịch chiều. Anh Quang kể: “Cách đây 2 năm, khi thị trường chứng khoán bắt đầu giảm điểm, tôi đã chuyển kênh đầu tư qua vàng với số vốn 5 tỉ đồng. Kênh đầu tư này dùng đòn bẩy tài chính khá cao. Bỏ ra 1 tỉ đồng có thể đặt lệnh mua bán tương đương khoảng 700 lượng vàng (nếu là vàng vật chất, mua 700 lượng vàng cần hơn 13,6 tỉ đồng - PV)”. Hiện tại, các sàn như VGB, ACB, Phương Nam, Sacombank - SBJ... thường yêu cầu NĐT ký quỹ 7%, 93% còn lại ngân hàng sẽ cho vay.

Theo thống kê của ông Lâm Minh Chánh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Dương, khi giá vàng thay đổi 1%, NĐT vàng thu lời hoặc lỗ 14%. Giá vàng thay đổi 2%, mức lời hay lỗ khoảng 28,6%. Giá vàng thay đổi 3%, NĐT lời hay lỗ 42,9%. Giá vàng thay đổi 4%, mức lời hay lỗ là 57%...

“Những ngày đầu tham gia thị trường, tôi đánh lệnh nào cũng với khối lượng khá lớn. Có lần tôi đánh lệnh 600 lượng và lời được 480 triệu đồng, nhưng cũng có lệnh đánh 3.000 lượng và lỗ 1 tỉ đồng. Lúc đó tôi mất bình tĩnh kinh khủng khi chỉ trong vài giờ đã mất 1 tỉ đồng. Càng mất bình tĩnh càng thua và chỉ trong 2 tháng, tôi lỗ 1,5 tỉ đồng” - anh Quang nói. Một NĐT trung niên tại Công ty chứng khoán Đông Dương (DDS) cũng cho chúng tôi biết, ông đã mất vài trăm triệu khi đầu tư vàng, còn bạn của ông trước Tết thắng được 20 tỉ đồng nhưng chưa đầy 1 tháng trở lại đây đã thua đến 30 tỉ đồng.

Gặp “sóng thần”

Mở cửa thị trường ngày 17.3, giá vàng SJC giao dịch tại VGB ở mức 19,452 triệu đồng/lượng. Anh Nam (một NĐT tại VGB) dự báo giá sẽ tăng nên đặt lệnh mua 50 lượng vàng. 10 phút sau giá vàng tăng lên 19,473 triệu đồng/lượng, anh Nam đặt lệnh bán 50 lượng vàng và thu lời 1,05 triệu đồng (chưa kể phí). Với số vốn bỏ ra khoảng 70 triệu đồng, chỉ trong 10 phút anh Nam lời 1,05 triệu đồng.

Không dừng lại, anh Nam tiếp tục đặt lệnh mua 50 lượng vàng với giá 19,475 triệu đồng/lượng nhưng chỉ 20 phút sau giá vàng quay đầu đi xuống, anh Nam lại bán ra với giá 19,461 triệu đồng/lượng, lỗ 650.000 đồng.

Một lúc sau, anh Nam chuyển hướng đầu tư vay vàng bán ra với giá 19,462 triệu đồng/lượng. Chưa đầy 10 phút, anh Nam mua vào với giá 19,44 triệu đồng/lượng, lời 22 giá (tức 22.000 đồng/lượng), thu về 1,1 triệu đồng... Cứ thế hoạt động mua bán vàng không những của anh Nam mà các NĐT khác liên tục diễn ra trong ngày.

Thời gian qua, nhiều NĐT đã tẩy chay các trung tâm vàng có giá biến động không theo sát hay trái chiều với giá thế giới, hoặc thường xuyên xảy ra những sự cố như sụp mạng, đường truyền chậm… Hiện cũng có một số công ty thành lập trung tâm giao dịch vàng nhưng NĐT phải chuyển tiền vào tài khoản của công ty thay vì là tài khoản riêng của NĐT. Đây là một rủi ro lớn đối với NĐT vàng.

Theo VGB, một NĐT vàngcó ngày từ 17 - 23 giờ đặt đến 140 lệnh. Tính ra chưa đầy 3 phút, NĐT này đặt 1 lệnh. Chỉ cần vàng biến động từ vài giá đến vài chục giá là đã có thể đặt lệnh mua, bán, hủy tùy trạng thái tài khoản. Những cơn sóng trên thị trường vàng ngày 17.3 là khá thấp so với “sóng thần” có hôm lên cao hoặc xuống thấp đến vài chục USD. Gần đây nhất, “sóng thần” đã xuất hiện trên thị trường vàng với mức tăng 60 USD/ounce trong đêm 18.3.

Tập bơi

Việc đầu tiên NĐT lướt sóng vàng phải làm là chọn trung tâm giao dịch để hoạt động. Đây là điều khá quan trọng đối với NĐT trước sự bùng nổ của các trung tâm giao dịch vàng hiện nay. NĐT thích lướt sóng thường chọn những trung tâm có giá vàng bám sát giá thế giới để có cơ sở dự báo giá.

Ngoài việc phải dự đoán được xu hướng giá vàng thế giới để từ đó quyết định “đánh lên” hay “đánh xuống” (tức mua vào hay bán ra), NĐT cần phải có vốn kha khá. Một bước lệnh thường là 10 lượng vàng, trung tâm giao dịch vàng yêu cầu ký quỹ 7%, với mức giá xấp xỉ 20 triệu đồng/lượng hiện nay, NĐT ký quỹ 14 triệu đồng là có thể đánh 1 lệnh 10 lượng.

Tuy nhiên, giá vàng thường xuyên biến động nên NĐT cần “thủ” thêm một ít vốn nữa. Một NĐT (xin giấu tên) tại Trung tâm giao dịch vàng ACB kể, đã đem toàn bộ số vốn khoảng 150 triệu đồng ra đánh vàng. Qua hôm sau, thị trường vàng gặp “bão cấp 10” đã cuốn phăng hơn 3% số tiền ký quỹ.

Do số vốn đã đánh toàn bộ nên NĐT không có tiền đóng thêm vào để duy trì tài khoản. Khi tỷ lệ tài khoản từ 7% giảm xuống 4%, hệ thống bắt đầu xử lý. Vậy mà chỉ 10 phút sau, giá vàng đảo chiều nhưng trạng thái tài khoản của NĐT đã không còn như trước. NĐT này rầu rĩ: “Nếu lúc đó có tiền đóng thêm vào để duy trì trạng thái tài khoản thì đã không bị xử lý!”. Bởi thế, nhiều NĐT đã để tỷ lệ ký quỹ lên 10%.

Để lướt theo những con sóng vàng tìm kiếm lợi nhuận, NĐT còn phải theo dõi các thông tin kinh tế, chính trị trên thế giới; đồng thời cũng phải biết nhìn đường đi của các con sóng mà đưa “ván” lướt theo hay chuyển hướng. Đặc biệt, để biết được nhanh nhất những thông tin này đòi hỏi NĐT phải có vốn liếng tiếng Anh.

Còn nếu không thì phải thuê hẳn một phiên dịch để có thể hiểu được những thông tin kinh tế thế giới, phát biểu của các quan chức có tác động đến giá vàng, như trường hợp một NĐT vàng ngụ ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Còn một NĐT vàng tại Đà Nẵng dành 1 tầng nhà để đặt 5 máy tính, mỗi máy phân tích diễn biến giá vàng thế giới 5 phút, 1 giờ, 2 giờ... từ đó ra các quyết định đánh ngắn, đánh dài. (Còn tiếp).

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.