(iHay) Những ngày trời trở rét, nhút mít (mít non muối mặn) là thức ăn không thể thiếu của người miền Trung. Nhút mít trở thành đặc sản chất chứa bao nỗi niềm và tâm tư của người xa quê.
>> Nhớ món mít non trộn tôm thịt
|
Với nhiều người, tên gọi “nhút mít” sao mà quê mùa vậy. Món ăn vừa mặn nếu để lâu ngày mà không chạm tay tới lại còn bốc mùi khó chịu nữa. Ấy vậy mà với những đứa con sinh ra trên mảnh đất miền Trung cằn cỗi thì nhút mít “quý hơn vàng”.
Không ít người đã hỏi tôi về nguồn gốc của tên gọi “nhút”. Thế nhưng, tôi chỉ biết trả lời rằng đó là một món muối mặn mà không bữa ăn nào chúng tôi thiếu được. Từ lúc sinh ra, tôi đã quen với tên gọi ấy, quen với hình ảnh mẹ còng lưng ngồi băm nhỏ trái mít non. Một mẹt mít non được nhồi kỹ với muối trắng rồi đem nén trong chiếc vại, đậy kín. 5-7 ngày sau, vại nhút mít “chín” là nỗi lo đồ ăn cho cả nhà vào mùa đông được vơi đi.
Nhút mít thường lên ngôi vào mùa mưa rét. Hôm nào mà thiếu mất đĩa nhút thì bữa ăn đó mới nhạt nhẽo làm sao. Mà lạ thay, món ăn “quê mùa” này chẳng cần phải chế biến cầu kỳ, chỉ đơn giản là chấm một chút nước mắm pha ớt hay xào với chút mỡ lợn là ngon lắm rồi.
|
Hết nhút chấm, nhút xào rồi thì chuyển sang nấu canh với đậu phộng, thế là đủ món. Bát cơm nóng bốc khói nghi ngút, phả mùi thơm lẫn với mùi nhút mít mặn mà khiến chúng tôi ăn cho tới khi no... nứt rốn.
Người ta thường nhắc đến nhút mít là để nhớ tới những ngày kham khổ, ăn cơm với cà muối, nhút mít. Giờ đây, khi cuộc sống đã no đủ thì vại nhút mít trở thành “đặc sản” vô giá bởi ở thành phố gì cũng có nhưng nhút mít lại quá khó tìm.
Tuệ Minh
>> Trời lạnh nhớ nồi chạch kho nghệ quê hương
>> Gió lạnh về, nhớ cá hố muối sươi
>> Nhớ bánh xèo lá nghệ
>> Sài Gòn lạnh nhớ bánh căn, bánh xèo Phan Rang
Bình luận (0)