Án oan và xin lỗi

11/04/2014 02:38 GMT+7

Vừa qua, trong chưa đầy tuần lễ, các cơ quan tư pháp tổ chức một loạt cuộc xin lỗi công khai đối với những người bị kết án oan. Cụ thể, ngày 28.3, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hải Phòng xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu (ở H.Tiên Lãng) vì đã kết án oan ông 3 tháng tù từ... hơn 17 năm trước.

Vừa qua, trong chưa đầy tuần lễ, các cơ quan tư pháp tổ chức một loạt cuộc xin lỗi công khai đối với những người bị kết án oan. Cụ thể, ngày 28.3, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hải Phòng xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu (ở H.Tiên Lãng) vì đã kết án oan ông 3 tháng tù từ... hơn 17 năm trước.

Cùng ngày, TAND TP.Cà Mau tuyên buộc cấp cao hơn là TAND tỉnh Cà Mau phải bồi thường và tổ chức xin lỗi công khai bà Nguyễn Ánh Minh (P.5, TP.Cà Mau) do đã kết án oan, giam giữ oan sai 562 ngày. Sau đó, ngày 4.4 TAND TP.Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ông Phạm Đức Bình (P.Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm) bởi từng kết án oan 30 tháng tù với ông cách nay… 14 năm. Không thể nói những vụ xin lỗi là những điểm son của ngành tư pháp bởi đã để xảy ra oan sai thì có gì đáng khen nhưng dẫu sao thốt ra được lời xin lỗi người trước kia từng bị đưa ra vành móng ngựa thì kể ra cũng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có những điều cần xem lại.

Khi hứng chịu án oan, đâu chỉ một cá nhân đau khổ mà còn có khi còn kéo theo gia đình, dòng họ bị chê cười; vợ (chồng) con cái bị hắt hủi, thậm chí gia đình tan nát, tài sản khánh kiệt, danh dự bị chà đạp. Không ai có thể đo đếm, tính toán được những thiệt hại về vật chất và tinh thần của người và gia đình họ bị oan sai. Bởi thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hẳn Nghị quyết 388/2003 về bồi thường oan sai, trong đó nêu rõ “Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp bị oan phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: Kịp thời, công khai và đúng pháp luật (điều 3); Người bị oan được khôi phục danh dự. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan (điều 4); được bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần (điều 5)...

Giá như các cơ quan gây oan sai cứ căn đúng đó mà thực hiện thì người bị oan sai cũng nhẹ lòng phần nào, đằng này nhiều nơi nhiều cấp không những không làm thế mà còn cố tình dây dưa, kéo dài, đồng nghĩa với việc kéo dài chuỗi tủi nhục, chỉ biết kêu trời của những người bất hạnh. Ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Hồng Cầu (Hải Phòng) được TAND tối cao xử giám đốc thẩm tuyên vô tội từ tháng 10.1998 nhưng mãi 17 năm sau mới chính thức được xin lỗi, thế gì khác gì chịu tù thêm 17 năm. Ông Phạm Đức Bình (Hà Nội) thì oan ức khổ sở đằng đẵng chờ suốt 14 năm mới có buổi xin lỗi công khai. Không những thế, có cơ quan công quyền dường như chỉ cốt làm cho xong chứ chẳng thành tâm nhận lỗi. Người bạn tôi tham dự buổi xin lỗi “công khai” do TAND TP.Hải Phòng tổ chức ngày 28.3 đã bực bội rằng họ nói công khai nhưng tổ chức rất kín đáo, trong phòng nhỏ, rất chóng vánh, không cho dân vào chứng kiến, thậm chí phóng viên báo chí đến đưa tin cũng bị đuổi ra ngoài. Xin lỗi kiểu đó, không xuất phát từ tấm lòng thành, đến mức người được xin lỗi cũng bất bình, than thở “đây là buổi xin lỗi công khai... trong buồng”.

Nếu làm sai mà nói một lời xin lỗi kịp thời, chân thành cũng khó đến thế thì khó đạt hiệu quả trong cải cách tư pháp.

Nguyễn Thông

>> Xin lỗi công khai người dân bị kết án oan 70 ngày tù
>> Xin lỗi công khai người hai lần bị tuyên án tử hình
>> TAND TP.Hà Nội xin lỗi công dân bị kết án oan
>> Một người bị tù oan đang chờ được xin lỗi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.