TNO

Ăn quà ở chợ Đồng Văn

03/02/2015 12:00 GMT+7

(iHay) Đi chơi chợ Đồng Văn, tôi ái ngại vô cùng cho những ai chẳng dám thử những món ăn độc đáo nơi đây.

(iHay) Là phụ nữ, lê la ăn quà chợ chẳng đẹp chút nào. Nhưng lạc vào phiên chợ vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) một sớm thu lành lạnh, tôi chỉ muốn tạm gác lại ngại ngần ấy để sà vào những hàng quà bánh thơm nức và rực rỡ, nếm cho thỏa thích những hương vị nhung nhớ suốt một năm trời.

>> Đi chợ Đồng Văn ăn phở


Xôi ngũ sắc 

Đi chơi chợ Đồng Văn, tôi ái ngại vô cùng cho những ai chẳng dám thử những món ăn độc đáo nơi đây. Ngắm nhìn, lắng nghe chưa đủ, còn phải ngửi những mùi thơm ngào ngạt bay lên từ chảo bánh vàng ươm, gùi xôi rực rỡ nghi ngút khói, những nồi thắng cố sôi lục bục, nếm chúng với tất cả vị béo, bùi, mặn, ngọt… Cứ thế, tôi lân la từ hàng này đến hàng khác, khi “chiến lợi phẩm” ngon lành đầy lên trong tay. Đi chơi chợ, như thế mới “đã”.

Chẳng còn lạ lẫm với chợ Đồng Văn nên lần này tôi thẳng tiến đến khu ẩm thực. Hàng bánh rán các loại, hàng xôi ngũ sắc, hàng thắng cố, hàng bún phở, dãy nướng bánh ngô... Mùi thơm ngào ngạt, mỡ cháy xèo xèo, tiếng dao thớt luôn tay, xui dạ dày cồn cào và đôi chân bước đến. Tôi ghé vào hàng bánh ngô, bánh tam giác mạch đầu tiên. Còn sớm quá, mấy chị người Mông mới bắt đầu quạt than, xếp những tấm bánh ngô tẻ vàng ươm, ngô nếp trắng tinh, tam giác mạch tím nhạt từ gùi ra hai thanh sắt. Than hồng, hơi nóng liếm vào tấm bánh, lớp “áo” bên ngoài bắt đầu nở phồng lên. Thơm quá, mùi bột lên men cũng như được “nướng” lên trên lửa than hồng, lan tỏa ấm áp một góc chợ cuối thu.

Dặn chị bán hàng nướng hơi quá lửa cho bánh xém vàng, tôi mua mỗi loại một chiếc rồi nhanh tay bẻ miếng bánh còn bốc khói. Xôm xốp, thơm thơm, thoảng vị chua của bột lên men. Không hiểu vì mê hương vị ấy hay mê cảnh tượng các bà, các chị xòe chiếc váy hoa sặc sỡ, mải miết quạt than nướng bánh đã lưu lại trong bao bức ảnh mà tôi cứ luôn phải tìm đến đây, mua bánh, ăn bánh như một người bản xứ thứ thiệt. Cảnh tượng sống động ấy sáng nay cũng vừa được tôi lưu lại trong bức ảnh, trước khi bước tiếp đến hàng bánh rán.

Hai, ba hàng bánh sát cạnh nhau, bánh rán đường, bánh quẩy, cả khối bánh mỳ to được xắt miếng, bánh tam giác mạch đang vàng trong chảo mỡ… đồng giá 2.000 đồng/chiếc. Chẳng ăn nổi mỗi thứ một chiếc, tôi chọn mua một chiếc bánh tam giác mạch vừa được vớt ra khỏi chảo. Cao nguyên đá đang mùa tam giác mạch, “thiên vị” cho nó một chút có lẽ cũng chẳng hề gì. Bánh rán tam giác mạch nho nhỏ như chiếc bánh rán ta vẫn thường ăn dưới xuôi, tròn xoe, bột tam giác mạch chưa nghiền kỹ nổi lên thành những vệt sậm màu trên vỏ bánh vàng ươm. Tôi cắn thử một miếng, thơm ngậy và dẻo quẹo, nhưng có lẽ sẽ dễ ngấy hơn miếng bánh tam giác mạch nướng than tôi vừa mua khi nãy.


Bánh rán đường, bánh mì, bánh quẩy…


Bánh tam giác mạch rán

Bên cạnh hàng bánh rán, “lạc” chân một tí thôi là sang dãy bán xôi ngũ sắc. Cứ trông mấy chiếc gùi to cũ kỹ được ủ cẩn thận bằng vải, ai ngờ được bên trong lại sặc sỡ đủ mọi sắc màu. Xôi cứ được ủ kín cho nóng, có người đến mua thì bà cụ bán xôi mới thủng thẳng dỡ từng lần vải, dùng đũa cả đong xôi vào cái bát cũ trước khi trút vào túi cho khách mang đi.

Mua 5.000 đồng xôi là đã được một bữa no. Tôi thích đẹp nên dặn bà cụ bán hàng nhớ xới xôi sao cho đủ màu, nào đỏ, nào trắng, nào tím, nào vàng. Nào cần ăn, nhìn đã thích mắt. Người vùng cao không có thói quen nêm thêm muối hay đường khi thổi xôi, nhưng những hạt xôi trắng, đỏ, tím, vàng dù hơi nhạt vẫn dẻo thơm vô cùng. Tôi từng để quên gói xôi từ sáng đến tối trên đường đi Lũng Cú, nhưng mở ra vẫn dẻo quẹo như mới thổi.

Mua được xôi, tôi lại bước đến hàng thắng cố như một thói quen. Mua một bát thắng cố 20.000 đồng, rồi lại san một phần nhỏ ra chiếc bát khác, tôi bắt chước người Mông ở chợ ăn thắng cố cùng với xôi ngũ sắc cho đúng kiểu. Thắng cố ngon hay không, thật là khó nói, bởi lần nào tôi cũng nhường lại cả bát to cho một gia đình người Mông ngồi cùng bàn, phần mình chỉ ăn vài miếng. Nhưng đừng bảo tôi đi chợ phiên mà không ăn thắng cố. Ngồi đây, nhìn nồi thắng cố sôi sùng sục trên bếp lửa, những làn khói mỏng luồn lách qua từng khoảng trống để ánh lên dưới làn nắng ửng, nhìn người Mông lẫn khách thập phương ăn thắng cố và khề khà dăm chén rượu ngô, cũng là một cái thú khó bỏ. Ngẫm lại, hình như mình đang ăn cái cảm giác được hòa vào không khí chợ phiên, được sống trong sự rộn rã hồn nhiên của nơi đây thì mới phải.

Kết thúc buổi ăn quà chợ bằng bát thắng cố là đã no căng, nhưng tôi vẫn cố nếm thêm một miếng phở thịt quay cho đỡ tiếc nuối. Hóa ra hàng phở ở đây lại đông nghịt khách. Những tảng thịt luộc vàng ươm, tảng thịt quay bóng mỡ đặt bên cạnh chồng mì ăn liền. Người dân ở đây thường ăn phở trộn lẫn mì tôm hoặc đôi khi là cơm nguội mang theo. Bát phở có thịt quay, thịt luộc bán với giá từ 15.000 -20.000 đồng một bát là phần thưởng cho mỗi đứa trẻ trước khi theo bố mẹ hòa vào dòng người tấp nập bán mua.


Nồi thắng cố bốc khói trên bếp lửa hồng


Trẻ con theo bố mẹ đi chơi chợ và ăn phở sáng


Bát phở có đầy đủ thịt quay, thịt luộc có giá 20.000 đồng

Trở ra, tôi còn bắt gặp một hàng bánh cuốn nóng với vài vị khách du lịch đang ngồi đợi. Có lẽ, với họ đây là lựa chọn “an toàn” để nạp năng lượng cho buổi chơi chợ khi chẳng dám ăn đồ lạ.

Chợ Đồng Văn với tôi chẳng phải chỉ để chơi mà còn để ăn. Mỗi mùi, mỗi vị ghim vào tâm trí thêm nhiều nỗi nhớ. Nhớ Đồng Văn, nhớ chợ…

Tịnh Tâm

>> Ăn bánh bìa đêm phố cổ Đồng Văn
>> Những món ngon 'ăn là nhớ' ở chợ phiên Đồng Văn
>> Say' thắng cố chợ phiên Đồng Văn
>> Theo chân phượt thủ đi chợ Đồng Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.