An toàn trong xây dựng sau các vụ động đất

07/08/2005 22:43 GMT+7

Phải xem lại các công trình nhà cao tầng" Giáo sư - tiến sĩ Trần Kim Thạch - nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực địa chất, hiện đang công tác tại Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM - đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên. >> Xảy ra 2 cuộc động đất vào các ngày 5 và 6/8 >> Chưa có quy định về chống động đất trong xây dựng

* Thưa giáo sư, người dân TP.HCM hết sức ngạc nhiên về chuyện động đất lại có thể xảy ra ở phía Nam và ảnh hưởng đến TP.HCM cùng một số tỉnh ở miền Đông Nam Bộ. Vì sao lại có hiện tượng này?

- Chính tôi cũng hết sức ngạc nhiên. Đây là một chuyện tương đối hiếm xảy ra. Thứ nhất là vì Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng thuộc khu vực thái hòa về động đất và núi lửa, tức là hiếm khi xảy ra động đất và núi lửa. Núi lửa xảy ra lần cuối cùng vào năm 1926 ở Hòn Tro, ngoài khơi của Phan Thiết và chỉ là một thiên tai nhỏ ở dưới biển. Còn những trận động đất thì hầu như không được ghi lại trong lịch sử, vì nó dưới 4 độ Richter. Bây giờ nó xảy ra thì có lẽ cũng ở trong bối cảnh thái hòa thôi! Tôi mong đồng bào an tâm, không có gì đáng lo ngại và mặc dù nó xảy ra ở ngoài biển Đông, nhưng cũng không gây ra trận đại hồng thủy (sóng thần). Địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nằm trong đới động đất do một đứt gãy ở ngoài khơi biển Đông, chạy từ Ninh Thuận - Bình Thuận xuống tận dưới Bạc Liêu. Đó là một đường nứt sụp hay xảy ra trong vỏ trái đất cứng bằng đá mà ở trên nó được trải lên một thảm phù sa rất dày. Đứt gãy này gặp một đứt gãy khác ở chiều chéo lại là đứt gãy của sông Đồng Nai chạy thẳng ra Vũng Tàu. Trận động đất vào tối 5.8 vừa qua xảy ra trên đứt gãy thứ nhất. Nếu cả hai đứt gãy này cùng xảy ra động đất một lượt, tức là cộng hưởng, thì theo tôi biết, sức mạnh của động đất mới đáng lo ngại, có thể mạnh đến 6-7 độ Richter (nhà cửa có thể bị sập). Trận động đất vừa qua là trận động đất mạnh nhất từ xưa tới giờ ở Nam Bộ mà chúng ta đã nhận biết được.

"Ở Nhật Bản, động đất xảy ra như cơm bữa, do vậy khi xây nhà cao tầng, họ có những thiết bị chống động đất rất hiệu quả. Tôi mong cơ quan chức năng của thành phố hãy tham gia ngay việc điều tra cơ bản về động đất trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ. Tôi có đi dự một hội nghị điều tra về động đất ở TP.HCM, tôi hết sức ủng hộ việc xây dựng 10 trạm dự báo địa chấn. Nhưng không biết rằng, lãnh đạo thành phố có ủng hộ việc này hay không ?" - GSTS Trần Kim Thạch

Thực ra, tại Nam Bộ, động đất xảy ra nhiều nhất là ở đới sông Hậu (một đứt gãy chạy dọc theo sông Hậu từ Campuchia về tới Sóc Trăng). Lâu lâu, đồng bào ở ven đới này có thể nghe thấy có tiếng khua của chén dĩa trên sóng chén, nhưng ở mức độ nhẹ thôi, ít người để ý. Chỉ có một trận động đất lớn xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ 19, đã làm sập một ngọn núi ở An Giang, nên gọi là núi Sập. Cho nên ở Nam Bộ, đới sông Hậu quan trọng hơn.

* Như vậy, Nam Bộ chỉ có 3 đường đứt gãy?

- Có nhiều đường lắm. Ngoài 3 đường đã nói ở trên, còn có một đường đứt gãy dọc theo ven biển phía tây thuộc tỉnh Kiên Giang; một đường đứt gãy đi từ Rạch Giá đến Bạc Liêu; một đường đứt gãy chạy dọc theo con sông Hàm Luông và  một  đường  đứt  gãy  nữa  dọc  theo cửa  Đại (Bến Tre). Tính ra có cả chục đường đứt gãy cỡ nhỏ. Còn có một đường đứt gãy lớn nhất cách đây khoảng 10.000 năm đã tạo ra vịnh Thái Lan ngày nay.

* Trong tương lai, động đất còn có thể xảy ra ở Nam Bộ nữa không, thưa GS?

- Vẫn còn có thể xảy ra động đất trong tương lai. Để có những dự báo tốt hơn, TP.HCM cần phải có những trạm dự báo địa chấn. Đây là thiên tai thuộc loại "trời kêu đâu dạ đó", không có gì dự báo chính xác được. Như tôi đã nói, TP.HCM và Nam Bộ nói chung ở nơi thái hòa về động đất và núi lửa, nên chưa nghĩ đến việc xây dựng các trạm dự báo địa chấn. Tôi nghĩ bây giờ, nếu có kinh phí thì cũng nên đầu tư các trạm này, bởi vì dù nói thái hòa, nhưng có máy móc thì mới có thể biết thái hòa tới mức độ nào và đến bao giờ sẽ hết thái hòa? Nhà đầu tư nước ngoài đến TP.HCM đầu tư, họ luôn hỏi mức độ địa chấn ở TP tới đâu? Mình cũng nói áng chừng khoảng cấp 5. Nhưng TP sẽ làm tàu điện ngầm, đường hầm, rồi các công trình cao tầng thì cấp 5 là ngưỡng đáng lo ngại. Nếu lỡ TP.HCM  xảy ra động đất tới cấp 6 thì phải xem lại, phải xử lý lại các công trình nhà cao tầng này.

* Xin cám ơn GS.

Mai Vọng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.