Ấn tượng đội lân sư rồng đạt hàng trăm huy chương vàng

Đình Huy
Đình Huy
17/01/2024 07:00 GMT+7

Ngoài việc sản xuất những đơn hàng rồng khách đặt, dịp tết Nguyên đán cũng là lúc thầy trò võ sư Bùi Viết Tưởng (35 tuổi, trú xóm Dinh, xã Quảng Bị, H.Chương Mỹ, Hà Nội) gấp rút tập luyện những bài múa về rồng để chuẩn bị cho lễ hội xuân năm mới.

Đơn đặt hàng làm rồng tăng mạnh

Rồng là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với các truyền thuyết, văn hóa Việt Nam. Từ hàng trăm năm nay, biểu tượng này được nhiều thế hệ cha ông ta tìm tòi, phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

Chính vì vậy, ngay từ trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 hơn 1 tháng, đội lân sư rồng của võ sư Bùi Viết Tưởng vừa nhanh chóng tập luyện những bài múa cơ bản cho mùa lễ hội, vừa chế tác những đơn hàng rồng múa hội phục vụ khách hàng trong và ngoài nước.

Ấn tượng đội lân sư rồng đạt hàng trăm huy chương vàng- Ảnh 1.

Các thành viên trong đội lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường đang hoàn thành con rồng múa hội để gửi cho khách

ĐÌNH HUY

Anh Tưởng cho biết, năm nay là năm con rồng nên các đơn hàng khác với mọi năm. Những năm trước, rồng chỉ được đặt làm phục vụ biểu diễn ngày tết đến, những lễ hội xuân, năm nay đơn hàng không những tăng mạnh mà còn được làm ra để trưng bày tại một số triển lãm, khu công cộng...

Trong năm nay, anh Tưởng đã nhận được 50 đơn hàng đặt làm rồng, trong đó chỉ tính riêng dịp rằm tháng 8 đến nay là 30 đơn hàng. Theo anh Tưởng, để làm được một chiếc đầu rồng, một người thợ lành nghề phải mất 5 ngày, còn phần thân và các bộ phận khác của con rồng cũng mất tới 10 ngày. Một con rồng đẹp có phần thân dài 20 m với 9 người điều khiển phải rất cẩn thận, cầu kỳ, vì chỉ cần sai là phải tháo hết ra sửa lại.

"Trước tiên, người thợ phải tạo hình phần đầu rồng sao cho có độ dữ tợn, màu sắc được vẽ thủ công và có tông màu rực rỡ; phần thân được tạo nên từ hơn 2.000 chiếc vảy rồng, may thủ công sao cho phải thẳng tắp, khi lên khung tròn đều mới đạt tiêu chuẩn. Chất liệu làm nên một con rồng tuyệt đẹp có sự kết hợp giữa tre, nứa, giấy. Ngoài vật liệu truyền thống, những vật liệu hiện đại như nan sắt, vải chống nước... cũng được thêm vào giúp sản phẩm bền đẹp theo thời gian", anh Tưởng nói.

Với niềm đam mê nghệ thuật múa lân sư rồng và sản xuất đầu lân, đầu rồng để cung cấp cho thị trường, gần 10 năm nay anh Tưởng đã nghiên cứu, sáng tạo để cho ra thị trường những đầu lân, đầu rồng với số lượng lớn, kiểu loại phong phú.

Anh chia sẻ: "Mỗi dịp tết Nguyên đán, công việc của tôi càng bận rộn, nhưng trong lòng rất vui và hồ hởi, làm việc có khi quên thời gian. Bởi những sản phẩm rồng, lân truyền thống ngày càng được phát triển giữa cuộc sống hiện đại. Không chỉ phục vụ cho mọi miền Tổ quốc, tới nay, sản phẩm rồng của chúng tôi còn được xuất sang nhiều nước khác nhau như Úc, Ấn Độ, Nga, Thái Lan..., chứng minh sự khéo tay của người thợ thủ công Việt Nam".

Góp phần làm sống dậy nét đẹp văn hóa truyền thống

Nhắc tới niềm đam mê về nghệ thuật múa rồng, anh Tưởng kể, do yêu thích võ thuật nên từ lúc 10 tuổi, anh đã xin phép bố mẹ theo học lớp võ cổ truyền tại địa phương. Trong lúc học võ, anh cũng xem được các động tác múa lân, múa rồng trên phim ảnh rồi bắt chước, học theo. Sau khi được đi thi đấu võ thuật, biểu diễn múa lân, múa rồng ở nhiều nơi, năm 2009, anh về xã Quảng Bị mở lớp võ thuật và lập ra đội lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường.

"Từ khi thành lập đến nay, lớp võ của tôi đã đào tạo ra hàng nghìn học viên. Ở thời điểm hiện tại đang có 500 học viên theo học. Trong vòng 15 năm hoạt động, chúng tôi đã giành được 358 tấm huy chương các loại ở trong và ngoài nước; trong đó có gần 200 tấm huy chương vàng. Cá nhân tôi đã nhận được giấy khen của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND H.Chương Mỹ và xã Quảng Bị về những đóng góp cho ngành thể thao và ngành giáo dục tại địa phương", anh Tưởng nói.

Tiết lộ về những điệu múa rồng, anh Tưởng cho rằng, nhiều nơi ở miền Bắc vẫn giữ được nét truyền thống, đó là những động tác đơn giản nhưng lại uyển chuyển, khơi gợi được màu sắc cổ kính.

"Để có một bài múa rồng đẹp, những người múa rồng đều phải có căn bản về võ thuật cổ truyền dân tộc vì trong đó có những bộ tấn, thân pháp, nhãn pháp giúp bản thân có thể hòa mình vào thân rồng. Sau khi tôi dạy các động tác múa rồng, các em sẽ tiếp thu rất nhanh. Ngoài ra, một điểm chú ý là múa rồng cần sự đoàn kết, một đoàn múa thường có 9 người nên cả 9 người phải hiểu nhau, thuộc bài mới tạo ra những động tác rồng bay, rồng lượn…", anh Tưởng chia sẻ thêm.

Ngày nay, sức cạnh tranh của thị trường ngày càng nhiều nhưng thầy trò võ sư Bùi Viết Tưởng vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển hơn nữa nghề sản xuất cũng như nghệ thuật múa lân sư rồng, qua đó góp phần làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.