Ăn xin - vấn nạn cần dứt điểm

28/12/2014 13:58 GMT+7

Người Việt giàu lòng nhân ái và cả tin nên dễ bị lừa. Lại thêm tâm lý đám đông nên lắm lúc việc làm tốt nhưng gây hậu quả xấu.

Người Việt giàu lòng nhân ái và cả tin nên dễ bị lừa. Lại thêm tâm lý đám đông nên lắm lúc việc làm tốt nhưng gây hậu quả xấu.

Ăn xin là một vấn nạn cần được giải quyết thỏa đáng, dứt điểm để mang tại bộ mặt văn minh cho xã hội - Ảnh: Giang Phương 

>> Không cho tiền người xin ăn chưa phải là giải pháp

Ăn xin, nước nào chẳng có và tồn tại như một tất yếu cá biệt của văn hóa bản địa. Việt Nam thì phổ cập thành vấn nạn nhức nhối với đủ mánh khóe. Có nơi còn xem đó là sinh kế, là nghề của cả làng mà Sài Gòn là mảnh đất béo bở. “Cái bang” phía Bắc từng kháo nhau “Sài Gòn là đất ăn chơi. Một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”. Cái bang bây giờ không cần gậy, cũng chẳng cần bị mà cần những chiêu trò để dụ người khác thương hại.

Ăn xin Sài Gòn không còn cá biệt mà có cả nhóm, cả gia đình, cả dòng họ, cả người nước ngoài; có kẻ chăn dắt hoặc thủ lĩnh. Có ăn xin trực tiếp, ăn xin gián tiếp và ăn xin trấn lột. Lạ là người Campuchia rất ít ăn xin ở xứ họ nhưng lại lũ lượt qua Việt Nam làm cái bang, nhất là những dịp tết lễ. Có lẽ ở xứ họ, người dân không có thói quen cho tiền người ăn xin? Tại chợ đêm Siem Reap và đền Ta Promh, có các nhóm nạn nhân của bom mìn ngồi đàn hát rất lịch sự. Họ không xin nhưng du khách nào đi ngang cũng dừng lại cho tiền hoặc mua giúp mấy đĩa CD ca nhạc. Ở các nước, nhiều người kiếm tiền bằng cách bày trò mua vui, giúp khách giảm tress để khách tùy tâm. Số ít, không thể bày trò thì đeo bảng nói hoàn cảnh nhờ mọi người giúp đỡ. Họ ngồi tại chỗ chứ không bu quanh chèo kéo.

Nhiều người từng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trước những hoàn cảnh rất thương tâm nhưng cứ băn khoăn chẳng hiểu thật hay giả. Nếu giả, cho tiền là tiếp tay cho cái xấu. Nếu thật mà quay lưng thì thất nhân. Có người còn tự an ủi “cho lầm hơn bỏ sót?”. Cách đây gần 20 năm, dọc đường lên núi Bà Đen (Tây Ninh) la liệt ăn xin. Tất cả mặc quần dài, đa phần là người cụt giò đến đầu gối, lủng lẳng ống quần; có rất nhiều trẻ em. Cứ nghĩ nạn nhân của bom mìn đâu mà nhiều thế. Tới lúc bảo vệ thổi còi thu gom, họ bật dậy chạy tán loạn. Rồi đâu lại vào đấy, như bắt cóc bỏ dĩa. Thì ra, họ bó chân cực khéo. Dân cái bang dùng đủ cách ngụy tạo vết thương cực giỏi, đóng kịch hấp hối như thật; kể cả việc hành hạ trẻ em, người già, người khuyết tật để xin ăn theo kịch bản chi tiết và kế hoạch cụ thể.

Dẹp vấn nạn này đâu chỉ là việc không cho tiền người ăn xin. Đó là chuyện nhỏ. Cái chính là chính quyền phải làm kiên quyết và triệt để. Thuyết phục, giải thích kèm những biện pháp hành chính nghiêm khắc. Kinh nghiệm dẹp nạn ăn xin đeo bám và cả bán hàng rong chèo kéo ở núi Bà Đen của chị Trịnh Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Du lịch Tây Ninh mười mấy năm trước vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Lần lượt, phố cổ Hội An và thành phố Đà Nẵng đều nỗ lực xóa sổ và đã làm được. Phải mạnh tay thu gom các đối tượng ăn xin vào trường trại, tạo việc làm cho họ tùy khả năng. Bỏ tù và xử phạt thật nặng những tên chăn dắt, cho thuê, hành hạ người ăn xin vì đó là tội ác. Có người cho rằng làm vậy là thất đức vì “Ăn mày nào phải đâu xa. Đói cơm rách áo mới ra ăn mày”. Với lại, luật pháp không cho phép.
Xin thưa, rất nhiều ăn xin là do lười lao động và kiếm tiền quá dễ. Những người nghèo tự trọng không bao giờ kêu gọi và cả bắt người khác thương hại. Luật pháp không cho phép nhưng cũng không cấm. Nếu cho rằng thu gom ăn xin là thất đức thì nói xem có cách nào tốt hơn để thay thế? Hay là cứ chấp nhận hiện trạng đang góp phần làm xấu bộ mặt thành phố? Các nước họ đều làm như thế, chỉ có Việt Nam là chần chừ, tranh cãi. Trước Văn phòng Đại học Quốc gia, gần hồ Con Rùa (TP.HCM), có một bé gái bán báo đầy nghị lực. Em trạc 15 - 17 tuổi, đi đứng rất khó khăn vì tay chân co quắp. Nói chỉ được bập bẹ vài tiếng mà không thành lời nhưng sáng nào cũng ôm xấp báo vất vả, tự tin và tươi cười kiếm sống. Mỗi lần gặp việc khó, tôi lại nhớ câu chuyện “Bà chủ trang viên và gã ăn mày cụt tay”. Câu chuyện thực tế, cảm động và đầy tính nhân văn về cuộc sống.
Nhân đây, cũng phải nói không với việc ăn xin gián tiếp. Đó là việc dùng trẻ em, người già, người khuyết tật để ép khách mua lòng thương hại, cống nộp tiền cho người chăn dắt mạnh khỏe. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương, công an khu vực và các đoàn thể. Nếu không, nạn ăn xin trực tiếp sẽ biến tướng thành ăn xin gián tiếp, càng nguy hiểm cho xã hội. Lòng nhân ái phải đặt đúng chỗ, đúng nơi, giúp đúng người, đúng việc. Ngược lại, không chỉ uổng công mà còn tác hại, làm cho người được giúp ỷ lại, chây lười. “Ở cho có đức, có nhân. Mới mong đời trị, được ăn lộc trời” (Gia Huấn ca, Nguyễn Trãi) cần được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục công dân bậc phổ thông. Phẩm chất này được thể hiện xuyên suốt cuộc sống, chứ không chỉ khi đi đường hay đi chùa gặp mấy cảnh thương tâm giả tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.