Ẩn ý sau biểu tượng

15/10/2014 07:00 GMT+7

Tuy chỉ có ý nghĩa biểu tượng và không có tính ràng buộc nhưng quyết định của quốc hội Anh công nhận nhà nước Palestine vẫn có ý nghĩa chính trị với tác động không nhỏ tới chính sách của chính phủ Anh và EU đối với Palestine cùng tiến trình hòa bình Trung Đông.

 
Người Palestine với quốc kỳ - Ảnh: AFP

Trước đây đã có một số nước EU công nhận nhà nước Palestine nhưng tất cả đều làm điều đó trước khi gia nhập khối. Vừa qua, chính phủ mới ở Thụy Điển là thành viên cựu trào đầu tiên của EU tuyên bố sẽ công nhận nhà nước Palestine. Với nghị quyết nói trên, quốc hội Anh là nghị viện quốc gia đầu tiên trong số những thành viên cựu trào của EU có bước đi chính trị ấy.

Do có mối quan hệ với Mỹ và Israel đặc biệt hơn Thụy Điển nên chính phủ hiện tại ở Anh không thể điều chỉnh chính sách như chính phủ mới ở Thụy Điển. Nhưng điều này không có nghĩa là chính phủ và quốc hội ở Anh đối lập quan điểm. Quốc hội Anh đang làm thay cho chính phủ những gì mà chính phủ không thể làm được bởi sự ràng buộc lợi ích của Anh vào quan hệ với Mỹ, EU và Israel, nhưng lại rất cần thiết để giúp London không bị chậm chân ở Trung Đông.

Quốc hội Anh không chỉ chuẩn bị và định hướng dư luận trong nước mà trên thực tế còn tạo tiền đề pháp lý thuận lợi cần thiết để chính phủ từ nay có thể tự chủ động quyết định công nhận nhà nước Palestine bất kỳ lúc nào. Giống như quyết định của chính phủ mới ở Thụy Điển, bước đi nói trên của quốc hội Anh làm nội bộ EU thêm phân hóa trong chính sách đối với Palestine và tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Thêm một hiện tượng mới góp phần định hình xu hướng mới trong EU.

La Phù

>> Anh lập căn cứ quân sự mới ở Trung Đông đối phó IS
>> Quân đội Israel bị tố trói tay và giam giữ trẻ em Palestine
>> Israel đồng ý thả tù nhân Palestine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.