“Gánh nợ” cho thanh niên
Con đường từ quốc lộ 1A dẫn lên xã Lộc Hòa rợp một màu xanh của rừng. Đó là thành quả mà chàng bí thư đoàn xã này đã thu hoạch được chính từ sự mạnh dạn xen lẫn táo bạo của mình gần 7 năm qua.
"Thấy thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế, lại là phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, nên tôi đã quyết định liều một phen”, anh Đào Văn Quy chia sẻ lý do khiến anh đứng ra tín chấp với ngân hàng vay vốn giúp thanh niên địa phương làm ăn.
|
Nhận thấy thế mạnh về điều kiện để phát triển trồng rừng, xen lẫn với chăn nuôi của xã nhà, nhưng rất nhiều thanh niên trên địa bàn lại không có vốn để đầu tư, lập nghiệp. Năm 2004, sau khi tiếp nhận chức vụ Bí thư Đoàn xã Lộc Hòa, điều đầu tiên anh Quy nghĩ đến là làm thế nào để giúp các thanh niên ở địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Sau khi bàn bạc với thanh niên địa phương và tìm ra mô hình kinh tế thuận lợi thì các anh lại gặp phải một khó khăn khác, đó là nguồn vốn để đầu tư. Không ngần ngại, anh Quy mạnh dạn đứng ra tín chấp với ngân hàng để giúp thanh niên trong xã vay vốn phát triển trồng rừng, chăn nuôi.
"Mình không có tiền để trực tiếp giúp họ, nên chỉ có thể giúp như thế thôi. Thực ra, mình "thế chấp" uy tín của mình, chứ thanh niên vay thì họ trả chứ mình có trả đâu", anh Quy cho biết.
Để rồi, chính sự “táo bạo” của anh mà những thanh niên trong xã có điều kiện để khẳng định sức trẻ của mình. Gần 7 năm làm người "gánh nợ" cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, hiện tại, dư nợ cho thanh niên vay đã lên tới con số hơn 1,2 tỉ đồng với các chương trình như trồng rừng sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ mua xe ben thay thế cho xe công nông...
Đưa thanh niên vào... hợp tác xã
Chính nhờ sự mạnh dạn, táo bạo của Bí thư đoàn Đào Văn Quy mà những thanh niên như anh Bình, anh Phi, Hiền, Trọng, Phong... đã vươn lên làm giàu, có của ăn của để và giải quyết việc làm thời vụ cho khá nhiều lao động khác tại địa phương.
|
Sau nhiều năm bôn ba ở Sài Gòn với nghề may, năm 1998, anh Nguyễn Thanh Bình (ở thôn 1) trở về quê lập nghiệp với số vốn cũng rất khiêm tốn khiến anh chỉ đầu tư được vào việc chăn nuôi nhỏ lẻ.
"Nhận thấy tiềm năng sẵn có của vùng đất gò đồi, cộng với sự động viên của anh Quy trong việc tín chấp vay vốn cho thanh niên lập thân, lập nghiệp, tôi đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng rồi đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu giấy, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, rồi phát triển thêm diện tích rừng trồng theo mô hình sản xuất VACR (vườn - ao - chuồng - rừng)", anh Bình cho biết.
Hiện tại, anh Bình quản lý 45 ha rừng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6 ha với thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Tổng đàn trâu bò 25 con, 1 hồ cá, rồi trang trại gà, xe đào (xe múc)... cũng đem lại thu nhập cho gia đình anh thêm mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Không dừng lại ở việc thu nhập cao về kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, anh Bình còn giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động, với mức lương từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng.
"Nếu không có sự động viên và hỗ trợ kịp thời, cùng xắn một tay vào công việc của thanh niên địa phương như anh Quy thì chúng tôi cũng không thể có được một cơ ngơi vững chắc như hôm nay", anh Bình cho hay.
Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế của mỗi cá nhân, anh Quy còn đứng ra thành lập một hợp tác xã thanh niên với tên gọi Hợp tác xã Du lịch - Thương mại Thanh niên Lộc Hòa (thường gọi là HTX Thanh niên Lộc Hòa) để tập hợp những thanh niên có cùng chí hướng làm giàu.
Hiện tại, HTX đã huy động được hơn 170 triệu đồng từ các xã viên. Với số vốn này, 20 trai làng đã dốc vào đầu tư 12 chiếc thuyền phục vụ cho khách du lịch trên hồ Truồi, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã.
Việc tập hợp này, một phần sẽ gắn kết các thanh niên lại với nhau, cùng giúp nhau đề xuất ra các kế hoạch kinh tế. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để thanh niên đã có vốn giúp đỡ, hỗ trợ cho các thanh niên chưa có vốn cùng làm kinh tế.
"Với việc thành lập HTX Thanh niên Lộc Hòa, chúng tôi mong muốn các thanh niên ở địa phương mình đều có việc làm để ổn định đời sống, lập thân lập nghiệp tại quê nhà mà không phải bôn ba kiếm sống ở các thành phố lớn. Bởi khi đi làm ăn xa như vậy, các thanh niên cũng chịu nhiều thiệt thòi lắm", anh Quy tâm sự.
Minh Phương
Bình luận (0)