Anh đối phó âm mưu thâu tóm doanh nghiệp

09/06/2020 08:00 GMT+7

Trước quan ngại về ảnh hưởng lớn dần của Trung Quốc đối với các công ty Anh, London muốn ngăn chặn nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị công bố những dự luật mới nhằm đối phó nguy cơ nước ngoài kiểm soát các công ty có quan hệ với an ninh quốc gia, theo nhật báo The Times hôm 8.6. Trong một động thái chắc chắn nhận được sự ủng hộ của phe chỉ trích Trung Quốc, nhà lãnh đạo Anh đang cân nhắc bắt buộc các doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành công nghiệp “nhạy cảm”, như công nghệ và lĩnh vực nghiên cứu, phải công khai những thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài. Thông tin trên xuất hiện sau khi chính quyền London muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh tình báo “Ngũ Nhãn”, bao gồm Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc.

Nguy cơ bị thâu tóm

Dưới thời Thủ tướng Theresa May, các công ty có quyền khai báo hoặc không những thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho phía nước ngoài, theo Reuters. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ đối mặt với trừng phạt nếu có ý đồ giấu giếm kế hoạch chuyển nhượng cổ phần cho các thế lực bên ngoài. Dự luật mới, theo báo The Times, nhận được sự ủng hộ của cố vấn thủ tướng Anh là ông Dominic Cummings và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, được soạn thảo trong bối cảnh giới lãnh đạo lo ngại các doanh nghiệp Anh có thể bị đẩy vào tình trạng phải bán bớt cổ phần vì khủng khoảng kinh tế do dịch Covid-19.
Nghị sĩ Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về đối ngoại của hạ viện Anh, cảnh báo cộng đồng doanh nghiệp nước này, nhất là doanh nghiệp nhà nước, đang đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm ở mức chưa từng có vì tình trạng suy thoái kinh tế theo sau đại dịch. “So với các nước khác, Anh đang trong tình trạng ít được bảo vệ trước nguy cơ nước ngoài tiến hành thâu tóm các doanh nghiệp trong nước”, nghị sĩ Tugendhat lên tiếng. Theo báo The Times dẫn dự thảo đạo luật mới, doanh nghiệp buộc phải báo cáo với chính phủ trong trường hợp một công ty nước ngoài muốn mua hơn 25% số cổ phần, hoặc thu mua tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, hoặc bất kỳ động thái nào cho phép “gây ảnh hưởng đáng kể” đến hoạt động kinh doanh.
Bất kỳ lãnh đạo công ty nào không báo cáo hoặc phớt lờ các điều khoản yêu cầu phải thực thi sau khi mua lại doanh nghiệp sẽ đối mặt với các chế tài, từ bị giam, mất chức hoặc bị phạt.

Hàng rào kinh tế chống Trung Quốc

Chính quyền Thủ tướng Johnson đã có động thái mới sau nhiều tháng hứng chịu chỉ trích vì đã cho phép Tập đoàn Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng 5G trong nước. Tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đã mua lại số cổ phần của một công ty chịu trách nhiệm mảng thương mại hóa nghiên cứu của Đại học Oxford. Huawei cũng đạt được thỏa thuận trị giá 5 triệu bảng Anh (147,7 tỉ đồng) với Đại học Hoàng gia London, theo đó cung cấp 5G cho đại học này, trong khi tài trợ hoạt động và cơ sở nghiên cứu cho trường trong 5 năm tới.
Hồi cuối tuần qua, có thông tin các thành viên cấp cao của nội các Anh, trong đó có Bộ trưởng Sunak, cảnh báo thủ tướng không nên dựng lên “hàng rào kinh tế” đối với cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, ông Johnson kiên quyết “điều chỉnh và cải tổ” các mối quan hệ đối ngoại, bằng cách xích gần Úc, New Zealand, Mỹ và Canada, nhóm đồng minh tình báo “Ngũ Nhãn”. Sự thay đổi trên diễn ra theo sau quan ngại của phương Tây trước cách thức Trung Quốc xử lý dịch Covid-19.
Báo Daily Mail dẫn một số nguồn tin cho hay trong phiên họp vào cuối tuần qua, Hội đồng An ninh quốc gia Anh đã thảo luận nhiều phương án, bao gồm kế hoạch nhanh chóng tìm ra giải pháp nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ 5G của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các bộ trưởng đang đối mặt với áp lực phải ngăn cản sự can dự của Trung Quốc trong các dự án nhà máy điện hạt nhân. Trước diễn biến mới, Đại sứ Trung Quốc tại London Lưu Hiểu Minh trong các cuộc họp riêng với các bộ trưởng Anh đã cảnh báo Bắc Kinh có thể rút lại các dự án đầu tư vào nước này, chẳng hạn như dự án xây đường sắt cao tốc, nếu Huawei bị gạt khỏi kế hoạch 5G của Anh.
Trang tin Asia Times dẫn nguồn tin cho hay chính phủ Anh đang nỗ lực tập hợp một nhóm gồm G7 và Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ để cung cấp công nghệ 5G thay vì dựa vào Huawei như trước đây. Trong lúc áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, Thủ tướng Johnson đang cải tổ quan hệ đối ngoại theo hướng thân cận với các đồng minh phương Tây và tiếp tục xây dựng ảnh hưởng tại châu Á, trong đó có Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.