Anh Phan 'đồ điên' mê làm từ thiện

11/09/2021 08:00 GMT+7

Toàn lo chuyện thiên hạ nên người ta hay gọi anh Phan Kim Điền là Phan "đồ điên"...

Tôi gặp anh tình cờ trong một lần đi siêu thị. Anh mua rất nhiều thớt. Tại quầy tính tiền tôi thấy lạ bắt chuyện. Anh vui vẻ làm quen: “Anh là Phan Kim Điền, nhân viên tổ Công tác xã hội Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, trưởng nhóm thiện nguyện Thành Tâm Biên Hòa. Số thớt là để chuẩn bị để sáng mai lên Kon Tum nấu bún riêu cho trẻ em nghèo. Cần nhiều thớt để chia thịt cho 2.000 tô bún. Anh đi riết ít khi ở nhà. Toàn lo chuyện thiên hạ nên người ta hay gọi anh là Phan "đồ điên" ”.
Tôi rất ngạc nhiên và cũng sẵn “máu từ thiện" trong người nên cũng tò mò xin anh số điện thoại, hứa sẽ tham gia chuyến đi tới. Cứ khoảng 2 - 3 tháng, anh lại báo cho tôi lịch trình của nhóm. Mỗi chuyến đi đến ngôi làng rất xa, xe chạy hơn một ngày trời ròng rã. Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi cũng có dịp tham gia với nhóm. Chuyến này đi Kon Tum.
Bốn giờ sáng xe đón tôi tại điểm hẹn. Tôi rất ngạc nhiên. Hai chiếc xe 50 chỗ ngồi chất đầy hàng hóa, kín hết lối đi. Công tác tổ chức xem ra rất quy mô và chuyên nghiệp. Mọi người đều được chuẩn bị ghế ngồi, phần ăn, nước uống chu đáo. Tuy xa lạ nhưng hầu như ai cũng quen nhau rất nhanh vì tất cả đều có điểm chung là "tình yêu thiện nguyện". Chưa đến nơi nhưng tôi đã thấy được ý nghĩa, giá trị của chuyến đi và thấy được tình cảm mọi người hướng đến đồng bào nghèo khó. Ngồi một ngày trên xe, tôi được làm quen và nghe các cô chú lớn tuổi kể về những chuyến đi trước.

Nhóm thiện nguyện thăm khám cho đồng bào

Ảnh: TGCC

Nhóm thiện nguyện Thành Tâm Biên Hòa gồm nhiều y bác sĩ đã về hưu và cả đang công tác, hoạt động khoảng hơn 10 năm nay. Nhóm đã đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo ở nhiều nơi như: Cần Thơ, Kiền Giang, Đà Nẵng, Quảng Bình, Kon Tum…; thậm chí có những chuyến đi qua tới tỉnh Kandan (Campuchia) để thăm khám cho đồng bào Việt Nam và cả người bản địa. Trong những chuyến đi cũng có rất nhiều nhà hảo tâm, y bác sĩ, giáo viên tham gia.
Tôi được các cô chú lớn tuổi kể nhiều kỷ niệm về những chuyến đi trước. Ấn tượng nhất là những khi phải vào vùng sâu, vùng xa thì cả đoàn chấp nhận những điều kiện khó khăn “ngủ bờ ngủ bụi” để tiện gần đồng bào. Một lần đi Komtum khám bệnh gặp một cháu bé bị bỏng nặng, bàn chân đang hoại tử, cả đoàn phải vận động đưa theo về thành phố chạy chữa 3 tuần lễ rồi đón xe cho về. Một lần khác gặp hai em học sinh đồng bào khó khăn, đoàn lên kế hoạch tài trợ cho hai em theo học nha khoa 3 năm và sau đó cả hai đã trở về phục vụ cho đồng bào. Rồi những kỷ niệm được đồng bào chào đón bằng những quả mít, quầy chuối, bó rau… đậm nghĩa tình.

Tất bật xin quà từ thiện

Trực tiếp gặp gỡ tiếp xúc với các em mới thấy thấm thía những khổ cực vất vả trong cuộc sống của đồng bào. Có những em nhỏ tóc tai rối bù, đen nhẻm, nhiều em chân trần lạnh lẽo cùng đôi mắt ngô nghê chờ đợi được nhận quà... Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc trên những gương mặt khắc khổ làm cả đoàn quên đi mọi mệt mỏi của chuyến đi dài.

Trẻ em được nhận quà từ nhóm thiện nguyện Thành Tâm Biên Hòa

Ảnh: TGCC

Có lẽ cũng vì vậy mà anh Phan "đồ điên" mới có động lực để tiếp tục thực hiện các chuyến đi tiếp theo, càng đi càng thấy bao nhiêu cơ cực của đồng bào và các em nhỏ. Sau mỗi chuyến đi, anh lại tất bật kêu gọi thu gom quà từ thiện của các nhà hảo tâm. Anh chia sẻ: “Anh xin tất cả quần áo cũ, đồ dùng học tập, sách giáo khoa cũ, gạo, sữa, bánh kẹo… rồi về lựa chọn, sắp xếp tổ chức xe chở lên Tây Nguyên chia cho các vùng khó khăn”. Anh làm công tác này bao năm nay cũng xuất phát từ tình cảm với đồng bào. Khi hiểu được việc làm của anh và nhóm thiện nguyện, xóm làng và đồng nghiệp rất cảm phục và đã rộng tay góp công, góp sức giúp anh thực hiện chương trình. Nhiều y bác sĩ còn công tác và cả nghỉ hưu đều tham gia các chuyến đi khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào, đến các trung tâm mồ côi, các mái ấm chăm sóc trẻ khuyết tật… khắp các vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Những nồi bún riêu "siêu to"

Trong một chuyến đi thăm khám, phát quà từ thiện của nhóm, rất nhiều đồng bào đã đến từ sáng sớm, xếp hàng chờ đợi. Xúc động hơn khi được biết có những đồng bào đã trèo đèo lội suối đi bộ cả chục cây số đến điểm tập kết với cái bụng đói. Đoàn quyết định mua bánh mì cho đồng bào trước khi họ về. Và một kế hoạch cho đồng bào ăn trưa trong các chuyến từ thiện sau được vạch ra. Nhờ sự trợ giúp của những nhà hảo tâm, nhất là các dịp lễ tết như trung thu, tết dương lịch, tết Nguyên đán, những nồi bún riêu "siêu to" ra đời. Chính anh Điền là người lên kế hoạch để nấu bún cho đồng bào. Có nhiều chuyến, anh phải đi tiền trạm để liên hệ mượn nồi, đặt bún, thịt, rau… và thêm một số công việc nữa là sẽ có một đội nấu bún ra đời.

Nhóm thiện nguyện nấu bún riêu tặng đồng bào

Ảnh: TGCC

Nhìn những đứa trẻ hào hứng, vui sướng húp cạn cả tô bún mà nhiều người lớn không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc. Những niềm vui tuy nhỏ nhưng thật ý nghĩa và lan tỏa. Sau chuyến đi đầu tiên cùng đoàn để lại quá nhiều ấn tượng trong lòng, tôi gặp anh Phan Kim Điền xin đăng ký chỗ cho chuyến đi sau.
Trong những ngày Biên Hòa (Đồng Nai) thực hiện giãn cách xã hội, tôi vẫn thấy anh Phan “đồ điên” đi làm việc đều đặn. Anh tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan. Và tôi vẫn biết anh đang có kế hoạch đến một ngôi làng xa xôi nào đó. Chỉ mong qua đợt dịch, những đôi chân lại lên đường đến với các em nhỏ và đồng bào nghèo khó. Dịch bệnh hẳn đẩy họ vào hoàn cảnh càng khó khăn hơn và có lẽ họ đang rất mong chờ những trái tim rộng mở sẻ chia như anh Phan Kim Điền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.