Anh thanh niên đánh liều 'đổ' tiền tỉ vào 2 giống nho 'quý tộc' và cái kết...

22/11/2022 06:00 GMT+7

Giống nho sữa của Hàn Quốc và kyoho của Nhật Bản được xem là những giống nho “quý tộc” lần đầu tiên xuất hiện trên vùng đất Thanh Hóa . Người đánh liều “đổ” tiền tỉ vào 2 giống nho này là anh Hoàng Văn Tuấn (36 tuổi), ở xã Xuân Du, H.Như Thanh, Thanh Hóa.

Giống nho sữa của Hàn Quốc và kyoho của Nhật Bản được xem là những giống nho “quý tộc” lần đầu tiên xuất hiện trên vùng đất Thanh Hóa. Giống nho sữa của Hàn Quốc và kyoho của Nhật Bản được xem là những giống nho “quý tộc” lần đầu tiên xuất hiện trên vùng đất Thanh Hóa. Người đánh liều “đổ” tiền tỉ vào 2 giống nho này là anh Hoàng Văn Tuấn (36 tuổi), ở xã Xuân Du, H.Như Thanh, Thanh Hóa.này là anh Hoàng Văn Tuấn (36 tuổi), ở xã Xuân Du, H.Như Thanh, Thanh Hóa.

Anh Hoàng Văn Tuấn vui mừng bên vườn nho đã sắp cho thu hoạch

MINH HẢI

Đưa nho về thủ phủ đào phai

Vùng đất Xuân Du xưa nay nổi tiếng là thủ phủ của cây đào phai. Ngoài những cánh đồng sâu, trũng người dân trồng lúa, thì đến Xuân Du hầu như nơi nào cũng thấy người dân trồng đào. Thiên nhiên ưu ái, đào phai Xuân Du bao đời nay đã giúp nhiều gia đình có của ăn của để, nhiều thanh niên lập nghiệp cũng khởi nghiệp từ cây đào, chẳng ai nghĩ có thứ cây gì hơn được cây đào trên đất Xuân Du.

Anh Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Xuân Du, luôn tiên phong trong khởi nghiệp và làm tốt công tác Đoàn tại địa phương

MINH HẢI

Nhưng, anh Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Xuân Du, đã “đi ngược lối mòn”, đầu tư gần 2 tỉ đồng để đưa cây nho sữa Hàn Quốc và nho kyoho của Nhật Bản về đứng chân trên đất đào. Sau gần 10 tháng trồng, vườn nho của anh bắt đầu cho quả, hứa hẹn cho thu nhập cao và ổn định.

“Mình sinh ra, lớn lên và khởi nghiệp trên quê hương. Cũng như nhiều gia đình, nhiều thanh niên, và thế hệ đàn anh, mình bắt đầu khởi nghiệp từ cây đào phai. Ban đầu, mình trồng 1.000 m2, đến nay đã thuê thêm đất mở rộng trồng 2 ha đào. Cây đào cho thu nhập ổn định, mỗi năm mình cũng thu về từ 150 - 200 triệu đồng trừ mọi chi phí. Nhưng mình luôn nghĩ phải tìm và đưa loại cây trồng nào đó năng suất hơn, hiệu quả hơn. Vì thế, sau khi tìm hiểu thông tin qua báo chí, đi thăm nhiều mô hình trồng nho ở Ninh Thuận, mình quyết định đưa giống nho sữa của Hàn Quốc và nho kyoho của Nhật Bản về trồng”, anh Tuấn chia sẻ.

Mình luôn đặt công việc của Đoàn lên trên hết, trước hết vì mình rất “say” Đoàn. Còn việc làm kinh tế, mình nghĩ do việc sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý thôi.

Anh Hoàng Văn Tuấn (ở xã Xuân Du, H.Như Thanh, Thanh Hóa)

Cuối năm 2021, sau khi vay mượn thêm tiền của ngân hàng cùng tiền tích góp được, anh Tuấn mua 1.500 cây nho giống về trồng trên diện tích 7.000 m2. Tổng chi phí hết gần 2 tỉ đồng, trong đó tiền mua nho giống hết gần 380 triệu đồng (250.000 đồng/cây nho giống), còn lại là tiền làm giàn, mái che, chuyển giao công nghệ, hệ thống tưới...

“Cho đến giờ, cây nho đã cho quả và sắp thu hoạch. Các chuyên gia đánh giá là cây phát triển tốt và quả đạt tiêu chuẩn, nhưng nhiều người ở đây vẫn còn nghi ngại. Trước khi đưa nho về, có người góp ý với mình rằng cây nho bình thường mua về nhà trồng làm cảnh, chăm sóc cẩn thận cũng có cây cho quả, cây không, đằng này trồng giống nho hoàn toàn xa lạ, yêu cầu kỹ thuật cao, liệu có phù hợp thổ nhưỡng, không khí, đã thế còn bỏ ra gần 2 tỉ đồng thì có liều quá không. Mình nghe thế cũng suy nghĩ, nhưng tính mình đã quyết làm gì thì sẽ làm đến cùng. Trước khi đưa nho về, mình đã lấy mẫu đất, mẫu nước gửi đi phân tích. Có kết quả, các kỹ thuật viên của bên chuyển giao kỹ thuật đánh giá là phù hợp thì mình mới làm. Đến giờ, nho đã cho quả rất đạt, cả về kích thước và năng suất. Một số đơn vị cũng đã đặt mua nho khi chín”, anh Tuấn nói.

Vườn nho tiền tỉ của Bí thư Đoàn xã Xuân Du

MINH HẢI

Do nho cho quả lứa đầu nên anh Tuấn đã thực hiện theo kỹ thuật chăm sóc vụ đầu, là cắt bớt, chỉ để lại ít chùm quả trên mỗi cây. Với giá thị trường của 2 giống nho này, khoảng 1 tháng nữa, vụ nho đầu tiên của anh cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng, và từ vụ nho thứ 2 trở đi thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Anh Hoàng Văn Tuấn bên vườn nho sắp cho thu hoạch

Tạo việc làm thời vụ cho nhiều thanh niên

Chia sẻ về tương lai, anh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho khi loài cây này cho thu nhập ổn định, và sẽ cải tạo vườn nho thành điểm tham quan, kết nối hoạt động trải nghiệm khi du khách về thăm di tích lịch sử, thắng cảnh Phủ Na (trên địa bàn xã Xuân Du) sẽ ghé thăm vườn nho có một không hai này.

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp cho bản thân, 12 năm làm Bí thư Đoàn xã, anh Hoàng Văn Tuấn luôn dẫn dắt tuổi trẻ xã nhà hoàn thành tốt các nhiệm vụ, hoạt động của thanh niên, khi liên tục trong 12 năm qua, Đoàn xã Xuân Du được T.Ư Đoàn tặng bằng khen trong công tác Đoàn. Cá nhân anh Tuấn cũng đã nhiều lần được nhận bằng khen. Năm 2021, anh Tuấn là một trong 57 thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc được T.Ư Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của.

Nho đã cho quả và hứa hẹn sẽ cho thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng/năm

MINH HẢI

“Nhiều người hỏi mình vì sao làm kinh tế nhiều như thế mà vẫn làm tốt được công tác Đoàn. Thực ra, mình luôn đặt công việc của Đoàn lên trên hết, trước hết vì mình rất “say” Đoàn. Còn việc làm kinh tế, mình nghĩ do việc sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý thôi. Mình có thói quen nhiều năm qua là cứ 4 giờ sáng dậy, ra vườn làm việc đến hơn 6 giờ, trở về nhà tắm rửa rồi đến cơ quan làm việc. Thói quen đó đã giúp mình có quỹ thời gian cho cả công việc chung của Đoàn, cả việc làm kinh tế cho bản thân”, anh Tuấn chia sẻ.

Hiện nay, các mô hình trồng đào, rau má và nho của anh Tuấn tạo ra công ăn, việc làm thời vụ cho nhiều thanh niên tại địa phương. Anh Tuấn cũng cho biết tương lai khi mở rộng vườn nho sẽ cần nhiều lao động lứa tuổi thanh niên hơn để vừa đảm bảo công việc chăm sóc cây, vừa tạo công ăn việc làm cho người trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.