Ánh Viên: Xuống nước là có vàng

08/06/2015 07:49 GMT+7

Chỉ mới 2 ngày thi đấu, nàng tiên cá VN Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành 4 HCV, 5 lần phá kỷ lục SEA Games. Trước mắt cô còn đến 8 nội dung thi đấu và có thể giành thêm ít nhất 4 HCV nữa để trở thành “mỏ vàng” ở Singapore lần này.

Chỉ mới 2 ngày thi đấu, nàng tiên cá VN Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành 4 HCV, 5 lần phá kỷ lục SEA Games. Trước mắt cô còn đến 8 nội dung thi đấu và có thể giành thêm ít nhất 4 HCV nữa để trở thành “mỏ vàng” ở Singapore lần này.

Ánh Viên thi đấu đến 13 nội dung và có thể giành 8 HCV - Ảnh: Khả HòaÁnh Viên thi đấu đến 13 nội dung và có thể giành 8 HCV - Ảnh: Khả Hòa
Ánh Viên đúng là điểm sáng lớn nhất của thể thao VN tại SEA Games 28 khi bước xuống nước là có vàng. Nếu ngày đầu, Ánh Viên giành 2 HCV và 3 lần phá kỷ lục SEA Games (KLSG) nội dung 800 m tự do và 400 m hỗn hợp thì tối qua cô gái 19 tuổi này lại mang về thêm 2 HCV nữa ở nội dung 200 m ngửa và 200 m hỗn hợp, đồng thời lập luôn 2 KLSG mới để trở thành cái tên “hot” nhất tại Singapore.
Tính ra chưa được nửa chặng đường thi đấu, nhưng cùng với HCV của Quý Phước thì Ánh Viên đã góp công lớn giúp bơi lội VN đã sớm đạt bằng thành tích 5 HCV của SEA Games 2013. Với 8 nội dung chưa thi đấu, trong đó có hàng loạt sở trường như 200 m bướm, 200 m ếch, 200 m tự do, 400 m tự do…, chắc chắn Ánh Viên còn làm bùng nổ đường đua xanh và bơi lội VN hoàn toàn có thể mơ đến con số 10 HCV. Ánh Viên cũng đang hy vọng đuổi kịp nữ hoàng Joscelyn Yeo (Singapore) với 8 lần phá KLSG.
Cho dù thất bại ở nội dung 50 m bướm vốn không phải sở trường (Viên chỉ về thứ tư) nhưng đó là ý đồ của BHL để cho Viên làm nóng trước ở nội dung 200 m ngửa. Bởi theo HLV Đặng Anh Tuấn thì do nội dung 200 m ngửa không thi loại buổi sáng nên được xuống nước “hít thở” bằng sự đua tranh ngắn ngay trước khi bơi chung kết sẽ giúp Ánh Viên có cảm giác thoải mái, tự tin. Và thực tế, nàng tiên cá VN đã chiến thắng rất ấn tượng với 2 phút 14 giây 12, phá luôn kỷ lục của chính mình lập ở Nay Pyi Taw 2 năm trước 68 phần trăm giây. Chưa hết, ở nội dung quen thuộc 200 m hỗn hợp chỉ vài phút sau, Ánh Viên lại làm bùng nổ đường đua xanh khi chiến thắng với 2 phút 13 giây 53, phá KLSG của Siow Yi Ting (Malaysia) đến 1 giây 04.
Một mình Ánh Viên đăng ký 13 nội dung thi đấu, đúng là chuyện chưa từng có ở SEA Games, dễ bị coi là sự khai thác quá đà hay vắt sức cô gái vàng VN. Nhưng thực tế khả năng của Viên mỗi ngày có thể thi 3 nội dung và thi liên tiếp nhiều ngày như vậy mà vẫn bảo đảm sức lực thì cũng nên tạo cơ hội cho cô nâng cao hơn nữa bản lĩnh trận mạc và thành tích của mình. Bởi với Ánh Viên sân chơi này chỉ là bước đệm để cô tấn công vào Olympic sang năm và nhất là ASIAD 2018, đó mới chính là cái đích ngắm then chốt của bơi lội VN.
Cũng trong hôm qua, Hoàng Quý Phước lại thụt lùi ở nội dung 100 m tự do mà 4 năm trước anh từng giành HCV ở Palembang và sau đó HCB ở SEA Games Nay Pyi Taw. Lần này Phước chỉ giành HCĐ, đành phải nhìn Schooling và Quah Zhang (Singapore) chiến thắng.
Lịch thi đấu ngày 8.6: Bơi lội và TDDC tiếp tục hái vàng
Bơi lội và thể dục dụng cụ vẫn là tâm điểm có thể mang về thêm 4 - 5 HCV vào hôm nay. Ngoài ra bi sắt, tán thủ và canoeing có thể giành 3 - 4 HCV nữa.
Nhảy cầu nữ: Đôi Hoàng Thị Thanh Trà - Ngô Phương Mai (3 m).
Bơi lội: Ánh Viên thi đấu 2 nội dung (50 m ngửa và 100 m tự do), Quý Phước (50 m tự do, 200 m bướm).
Billiards: Carom 1 băng (bán kết Mã Minh Cẩm và Trần Phi Hùng cùng đấu), 9 banh đơn (Đỗ Hoàng Quân - Lê Quang Trung).
Thể dục dụng cụ: Toàn năng nam chung kết (Đinh Phương Thành, Phạm Phước Hưng), toàn năng nữ (Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Vân Anh).
Quyền anh: Bán kết nữ: Lê Thị Ngọc Anh gặp võ sĩ (VS) Thái Lan (48 kg), Nguyễn Thị Yến gặp VS Singapore (51 kg), Lê Thị Bằng gặp VS Myanmar (54 kg), bán kết nam: Huỳnh Ngọc Tân gặp VS Indonesia (49 kg), Nguyễn Văn Hải gặp VS Indonesia (60 kg), Trương Đình Hoàng gặp VS Philippines (75 kg).
Judo: Đấu loại và chung kết các hạng cân nam trên 100 kg, nữ trên 78 kg.
Wushu: Đao thuật (Trần Xuân Hiệp, Nguyễn Mạnh Quyền), thái cực kiếm (Trần Thị Minh Huyền), thương thuật (Nguyễn Thanh Tùng), kiếm thuật (Dương Thúy Vi, Hoàng Thị Phương), chung kết tán thủ 60 kg (Hoàng Văn Cao gặp VS Philippines), 65 kg nam (Nguyễn Văn Tài gặp VS Myanmar).
Bi sắt: Bán kết đơn nam (Ngô Ron), đôi nam nữ VN thi đấu.
Canoeing: Vũ Thị Linh (K1 500 m), Hải Yến, Thanh Thảo, Mai Tuyết, Dương Thị Bích (K4, 500 m), Thanh Thảo, Vũ Thị Linh (K2, 500 m).
Bóng bàn: Bán kết nữ VN gặp Thái Lan (12 giờ), nam VN gặp Malaysia (13 giờ).
T.K
Tin SEA Games
Theo thông báo của Ban tổ chức SEA Games, vé xem trận cầu đinh của bảng B giữa U.23 VN gặp U.23 Thái Lan trên sân Bishan vào ngày 10.6 tới, đã bán hết sạch 4.500 vé chỉ sau vài ngày mở bán.
Tương lai HLV Ong Kim Swee được định đoạt sau SEA Games. U.23 Malaysia sau các thất bại liên tiếp đã hết cơ hội vào bán kết. Quá thất vọng, LĐBĐ Malaysia cho biết sẽ xem xét khả năng sa thải ông Ong Kim Swee ngay sau khi đội U.23 Malaysia hoàn tất các trận đấu ở vòng bảng.
G.Lao
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.