Không gian mạng, tưởng chừng là rộng mênh mông, nhưng hóa ra chật chội hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Chẳng hạn, chỉ cần một người nào đó livestream xúc phạm một ai đó, thế là trước cửa nhà người bị chửi xuất hiện một đám đông chen chúc comment đến ngột ngạt. Muốn để lại một comment tử tế những khi ấy cũng không có chỗ.
Thậm chí khi một cơ quan báo chí lên tiếng về tính khách quan của sự việc thì website của cơ quan đó bị đánh sập bằng tấn công DDoS, một lực lượng đông đảo đầy khó hiểu nào đó đồng loạt rủ nhau report với Facebook để đóng băng fanpage của cơ quan này, rồi hè nhau vote 1 sao để phá hoại uy tín của tổ chức đó.
Những vụ việc như thế không đơn giản là phản ứng tự nhiên, là hành vi cảm xúc của cư dân mạng. Nó có dấu hiệu của việc ai đó đã điều hướng đám đông, và điều hướng bằng những thứ quyền lực trên trế giới ảo mà giới hạn của nó đã đến lúc cần phải được kiểm soát nếu không muốn nó trở thành một thứ quyền lực hắc ám và phì đại gây náo loạn trật tự xã hội.
Một trong những bài học lớn về phát triển văn minh mà nhân loại học được từ lịch sử là quyền lực phải đi đôi với sự giới hạn và kiểm soát quyền lực, bất kể là thứ quyền lực gì.
Quyền lực trên mạng là thứ quyền lực phi thể chế hóa (de-institutionalization). Đó là thứ quyền lực được đám đông trao tặng, và cũng vì thế, nó có thể được đám đông rút lại một cách rất dễ dàng. Vậy nên, người nào đó được công chúng trao tặng quyền lực trên mạng thì cũng phải hiểu rõ thử thách của việc nếu không tự nhận biết đâu là giới hạn thì sẽ rất dễ dàng đánh mất nó.
Kiểm soát quyền lực thì khó nhất vẫn là tự kiểm soát. Nếu không thì cụm từ đầy chất ẩn dụ mỉa mai như “ngáo quyền lực” sẽ được dán lên trán của kẻ không tự nhận thức về giới hạn quyền lực, tương đương với án tử mà công chúng sẽ xử.
Đừng vì hôm nay có được vài buổi livestream đông nghẹt công chúng theo dõi, vỗ tay cổ xúy mà lầm tưởng mình đang giữ quyền lực siêu việt, chỉ tay về phía ai đó rồi ra lệnh cho đám đông “hành hung”, “khủng bố” bằng những chiêu thức kiểu ném đá của thời trung cổ.
Công chúng có thể lạc hướng ở một thời điểm nào đó, nhưng sự thông thái của công chúng là một khắc tinh của kẻ ngáo quyền lực trên mạng. Trước sau gì công chúng cũng sẽ tự điều chỉnh để thiết lập lại sự công bằng và cân bằng mà công chúng luôn tôn thờ và theo đuổi.
Chưa kể, chẳng có chính quyền nào có lương tri và năng lực mà lại để những kẻ ngáo quyền lực tung hoành như chốn không người trên không gian mạng.
Bình luận (0)