Áp lực điểm 10: Ám ảnh điệp khúc “Con nhà người ta”

Bích Thanh
Bích Thanh
21/04/2019 14:14 GMT+7

“Tôi không thể hiểu mong muốn của cha mẹ thế nào mới đủ” là câu cảm thán của một giáo viên tiểu học tại Q.Tân Bình (TP.HCM), khi đề cập đến áp lực “con mình phải giỏi, phải như con người ta” của phụ huynh.

Nữ giáo viên này kể lại với giọng khá xúc động: “Vào một buổi chiều tan học, tôi đã sốc khi tận mắt chứng kiến cảnh một phụ huynh lớp 4 đến đón con, sau khi hỏi, học trò đó nói được 9 điểm toán. Không nói một lời, phụ huynh đó xáng tay tát “bốp” vào mặt đứa trẻ. Đến lúc này, khi kể lại câu chuyện, tôi vẫn còn cảm giác lồng ngực thắt lại như đứa trẻ đó chính là con của mình”.
Còn một phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Dù bản thân tôi luôn ý thức việc không nên so sánh con mình với con người khác nhưng trong một lần trò chuyện với con gái lớp 4 về kết quả kiểm tra cuối kỳ, tôi vô tình hỏi: “Mấy bạn điểm thế nào vậy con?”. Ngay lập tức, con gái nói: “Mẹ lại muốn so sánh con với các bạn đúng không?”. Sau tình huống đó, tôi nghe bé kể lại rằng: “Các bạn trong lớp con đều rất sợ điệp khúc “con nhà người ta” vì ba mẹ rất nhiều bạn thường so sánh chúng con với bạn bè hoặc người quen xung quanh”. Từ đó, tôi hiểu rằng, sự so sánh đó dễ gây tổn thương trong tâm hồn của đứa trẻ.
Phụ huynh đừng nên so sánh với "con nhà người ta" Đào Ngọc Thạch
Phụ huynh Nguyễn Tố Trinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), không so sánh với “con người ta” mà luôn gây áp lực “chị con học thế mà sao con lại không làm được” với con gái thứ 2 của mình. Vị phụ huynh này kể lại: “Tôi luôn ép con gái thứ 2 đi theo đúng “con đường” học tập của con gái lớn. Tức là luôn bắt cháu phải làm những bài tập nâng cao như chị cháu đã từng làm, bắt cháu phải, học những kiến thức “ở trên trời”, trong khi đến lúc kiểm tra ở trường thì chỉ là những kiến thức trong chương trình, nhiều khi cháu không nắm hết và vẫn bị điểm thấp”. Chị Tố Trinh nói thêm, chỉ đến khi “con gái lớn gặp vấn đề về sức khỏe khiến tôi bị sốc và chợt nhận ra rằng hãy để con học bằng năng lực, học sao để có sức khỏe chứ không thể bắt cháu “quăng mình” như vậy”.

Giáo viên tâm lý Bùi Thị Kiều, Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nhìn nhận, việc học hành, thi cử, điểm số có thể trở thành ác mộng của bất kỳ học trò nào nếu phải đối diện với thất vọng, áp lực từ cha mẹ. Cô Bùi Thị Kiều cho hay, vào thời điểm sau khi nhận kết quả bài kiểm tra, khá nhiều học trò đến phòng tâm lý chia sẻ, tham vấn ý kiến của giáo viên. Các em băn khoăn, lo lắng không biết phải nói với người thân thế nào khi kết quả học tập thấp, không được như mong muốn của ba mẹ. Chứng kiến học trò của mình quá hoảng sợ bởi sự quản lý quá tiêu cực và có khi còn bị đánh đập, giáo viên này từng phải gặp phụ huynh để đưa ra cảnh báo: “Nếu cứ gây áp lực kiểu này, không cho trẻ một lối thoát, các con sẽ làm chuyện dại dột và anh chị sẽ mất con”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự kỳ vọng khiến trở thành áp lực đối với con thì, dù không nhiều, vẫn có phụ huynh cho con học theo năng lực. Cô Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho hay hơn 20 năm đi dạy mới gặp một trường hợp “tích cực”. Giáo viên Ý Nhi cho hay, từng năn nỉ phụ huynh động viên cho con đăng ký nguyện vọng vào trường THPT tốp đầu của TP vì thấy năng lực phù hợp. Nhưng phụ huynh nhất định tôn trọng ý kiến của học sinh và lựa chọn trường tốp thấp hơn để “cháu học nhẹ nhàng, thoải mái và có thời gian tham gia các hoạt động rèn luyện khác”. Đó là một phụ huynh đặc biệt mà “tôi đã từng gặp, khác hẳn với tâm trạng “căng như dây đàn” khi bước vào giai đoạn tư vấn cho học sinh lớp 9 chọn nguyện vọng lớp 10, bởi phần lớn phụ huynh có những lựa chọn trường cho con vượt lên hẳn so với năng lực”, cô Ý Nhi nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.