Áp lực học tập đến mức tự tử: Chọn môi trường vừa sức với con

17/09/2017 13:40 GMT+7

Học sinh đang phải chịu áp lực nặng nề từ nhiều phía. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng môi trường là điều hết sức quan trọng vì nhiều lúc chính một trường học đã mang tính cạnh tranh và áp lực.

Nếu học sinh không chịu được áp lực và đuối sức sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, dẫn đến stress và trầm cảm.
 ĐỪNG ĐẨY CON VÀO TUYỆT VỌNG

Trong câu chuyện của nam sinh lớp 9 tự tử vừa qua, chính cha mẹ em cũng như thầy cô, bạn bè cũng cảm thấy bất ngờ. Thầy cô của em vẫn đánh giá trước đó em rất ngoan, hiếu động, hòa đồng, chơi thể dục thể thao thường xuyên. Khi nói chuyện với bạn, cha em cũng không hiểu trầm cảm của em có từ khi nào. Chỉ khi bị điểm kém, nó như “giọt nước tràn ly” khiến con anh chọn kết cục đau lòng.

Chị H.T, một phụ huynh cho biết: “Điều quan trọng là em đã vào một môi trường quá sức với mình. Nếu con cõng được 50 cân thì mình chỉ để con cõng 45 cân thì an toàn hơn mà cả con và cha mẹ sẽ thấy nhẹ nhõm hơn”.

T.A.K, HS một trường chuyên TP.HCM, chia sẻ: “Thi đậu vào lớp chuyên, em trở thành niềm tự hào cho cả gia đình. Bản thân em lúc đầu cũng rất hào hứng vì đã thi đậu được vào ngôi trường mơ ước. Tuy nhiên, khi vào học rồi em mới biết học ở lớp chuyên rất khổ. Thời gian học gần như kín mít. Kết thúc thời gian học chính khóa, chúng em phải lao vào các buổi học chuyên. Tại đây, bạn cùng lớp hầu hết đều giỏi. Vì vậy, mình không muốn học cũng phải học. Không muốn cố cũng phải cố. Không muốn mình bị bỏ lại sau lưng chúng em buộc phải dành toàn bộ thời gian để học. Thậm chí ngày thứ bảy và chủ nhật chúng em cũng không có thời gian để chơi. Chỉ cần lơ là một thời gian ngắn là chúng em có thể bị bỏ lại rất xa và không cách nào bắt kịp với các bạn cùng lớp. Vì vậy HS rất dễ rơi vào trạng thái bị trầm cảm. Bản thân em cũng từng bị như vậy và cảm thấy rất mệt mỏi”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Phó tổng GĐ Ernst & Young, cho biết hồi còn học ở trường chuyên, nỗi sợ lớn nhất của ông là nỗi sợ thất bại. Mặc dù trong nhóm đứng đầu ở lớp, nhưng bản thân ông cũng luôn cảm thấy áp lực phấn đấu. Khi mà kỳ vọng của rất nhiều người đặt lên vai mình, từ bạn bè, cha mẹ và chính mình, khi mà cuộc sống của đứa trẻ chỉ xoay quanh học mà không còn điều gì khác lớn hơn, điều này có thể làm sụp đổ một đứa trẻ.

Tiến sĩ Toàn cho rằng vấn đề quan trọng là việc "cảm thấy về mình" thế nào so với những người khác quyết định đáng kể đến động lực học tập và động lực phấn đấu trong cuộc sống của con người. Bạn sẽ cảm thấy nản lòng và chán nếu mình luôn cảm thấy thấp kém so với bạn cùng trang lứa ở môi trường mình học. Động lực học sẽ mất đi và nhường chỗ cho áp lực và căng thẳng. Nhiều khi chính những áp lực đấy sẽ giết chết sự sáng tạo, đam mê và niềm vui học tập của một đứa trẻ. Người ta ước tính rằng chỉ có khoảng 30% những HS đứng đầu khóa học sẽ thực sự thành công, số 30% cuối cùng thường sẽ cảm thấy mình yếu kém so với bạn cùng lớp và do đó có áp lực nặng nề lên chính mình. Việc tìm cách bằng mọi giá đẩy con mình vào một ngôi trường toàn những người xuất sắc, với hy vọng và niềm tự hào lớn lao, nhiều phụ huynh đã vô tình biến con mình trở thành “tầm thường” hay chậm chí “ngu ngốc” và tước đoạt đi của con ước mơ lớn. Đáng ra con có thể trở thành kỹ sư, nhà khoa học, chính trị gia... nhưng lại trở thành một người tuyệt vọng, mất niềm tin vào chính mình.

CẦN "PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ" PHÙ HỢP

Theo một chuyên viên Phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu tổ chức bài kiểm tra khảo sát đầu năm thì kết quả điểm số là cơ sở để giáo viên xây dựng kế hoạch giảng dạy HS. Đây là điều cần thiết. Nhưng không nên “hồn nhiên” công bố khiến phụ huynh và HS cảm thấy nặng nề. Vị chuyên viên này nói tiếp, mới đầu năm học, HS chưa bắt nhịp lại với việc học, khi bị điểm kém sẽ rất hoảng, còn cha mẹ thì cũng bị áp lực.

Bà Nguyễn Thị Oanh, hiệu trưởng một trường quốc tế, cho biết: “Giáo dục ở bất kỳ nơi đâu cũng thực hiện việc đánh giá HS chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Nhưng một khi cha mẹ và nhà trường hiểu sai mục tiêu của yêu cầu đánh giá HS sẽ dẫn đến những lệch lạc đáng lo ngại. Việc coi trọng điểm số, suy cho cùng, đó là hậu quả chung của một xã hội mà mục tiêu và phương pháp giáo dục đã bị định hướng méo mó ngay từ đầu. Vấn đề của chúng ta là phải chữa căn bệnh đó cho cha mẹ và nhà trường bằng các "phác đồ điều trị" phù hợp chứ không phải là tẩy chay việc sử dụng công cụ đánh giá HS. Vì thế, hãy dạy cho con biết chấp nhận cả điểm cao cũng như điểm thấp ở trường bởi đó chính là thể hiện sự đánh giá cần thiết về khả năng và nỗ lực của con. Thái độ ứng xử và cách cha mẹ đồng hành cùng con trong việc tiếp nhận kết quả điểm số ở bất kỳ mức độ nào mới là tác nhân quan trọng giúp con thành công, không chỉ trong việc học tập ngày hôm nay mà còn trong cả tương lai mai sau!”.

Ông Phạm Phúc Thịnh, giáo viên một trường quốc tế, cũng cho rằng: “Thật ra, với trẻ em, cũng cần phải cho các bé được tiếp xúc với cảm giác hụt hẫng khi thất bại, cảm giác chới với khi thấy đột nhiên hào quang quanh mình biến mất... 

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), chia sẻ: “Không một người nào thành công mà không trải qua thất bại. Vậy nên việc điểm xấu là chuyện tất yếu của đời HS. Một HS tệ không phải là một HS có điểm thấp, mà tệ khi chỉ vì có điểm thấp mà buông xuôi. Chỉ cần cố gắng, nỗ lực qua mỗi ngày. Đừng nghĩ đến cái chết, vì nó không giải quyết được việc gì cả, nó chỉ là một hành vi của người yếu đuối và để lại những thương tổn sâu sắc cho những người thân của mình mà thôi”.

Ông Duy cũng đồng cảm với các bậc phụ huynh khi luôn mong muốn con em học tốt. Nhưng đừng lấy suy nghĩ và mục tiêu của người lớn áp đặt cho con cái. Việc làm này vô tình cướp đi sự định hướng trong con, cướp đi sự thỏa mái nơi con với việc học và thay vào đó tròng một cái còng vào cổ con. Nếu thương con, muốn con phát triển thì phụ huynh cần đặt mình vào vị thế của con để hiểu xem con cần gì, muốn gì qua đó giúp con tự xác định mục tiêu và động cơ học tập. Không so sánh con với người này người kia, không đặt kỳ vọng quá cao, không la mắng nặng lời khi con điểm thấp mà thay vào đó là khích lệ động viên con nhận thấy năng lực thực sự của mình để cố gắng vượt lên chính mình mỗi ngày.

Chuyên viên tâm lý Lư Kim Khánh (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nhận định: “Khi nảy sinh ý định tìm đến cái chết, đồng nghĩa với việc các em đã rơi vào tâm trạng cùng cực vì không tìm ra lối thoát. Điều duy nhất chúng ta có thể làm vào thời điểm này chính là giúp các em gỡ bỏ khúc mắc, giúp các em nhìn nhận được rằng việc bị điểm xấu hoặc thành tích chung không tốt không phải là một việc tệ hại đến mức phải hủy hoại bản thân. Thay vì gò ép con em mình vào con đường học tập để tạo ra thành tích, phụ huynh nên tìm hiểu và chia sẻ nguyện vọng của các em một cách cởi mở. Ngoài hoạt động học tập, phụ huynh nên khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động xã hội, chơi thể thao… giúp các em có một hành trang sống và tinh thần vững chắc, đồng thời giúp các em tìm hiểu sở thích và phát triển năng lực bản thân một cách tự nguyện. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.