Diện tích lúa thu đông tăng có nguyên nhân từ việc giá lúa đang ở mức cao, người trồng lúa có lãi nên họ tiếp tục gieo sạ sau khi kết thúc vụ hè thu. Mặt khác, năm nay ngành nông nghiệp còn phải chịu áp lực tăng sản lượng lúa thêm 1 triệu tấn. Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Bộ NN-TPNT Bùi Bá Bổng thì vụ sản xuất lúa thu đông phải tăng sản lượng ít nhất 500 ngàn tấn.
Diện tích trồng lúa vụ 3 ở ĐBSCL chủ yếu trồng ở những nơi mới đầu tư đê bao, trạm bơm (thoát nước) trong năm nay; kể cả ở những địa phương vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu - nơi mà trước đây vào thời điểm này người dân tập trung khai thác lợi ích kinh tế từ lũ. Theo một cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu (An Giang), gần như toàn bộ diện tích đất trồng lúa ở địa phương sau khi thu hoạch xong, nông dân đều xuống giống vụ 3; ngay cả đối với những khu vực năm nay đến lịch xả lũ, cho nước tràn đồng để vệ sinh đồng ruộng và đón nhận phù sa. Bên kia bờ sông Tiền, ông Nguyễn Văn Buôn, Phó phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết: Năm nay, diện tích lúa vụ 3 của địa phương đạt khoảng 4.000 ha, tăng gấp 3 lần so với năm trước.
Ông Đặng Văn Quận, ở xã Thường Phước 2 (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) tâm sự: “Năm nay làm lúa có lời và được sự cho phép của chính quyền địa phương nên bà con ở đây ai cũng xuống giống vụ 3, chứ trước đây mùa này nước đã tràn đồng. Mặc dù vậy, nhưng nghe báo năm nay có lũ lớn tôi cũng thấy lo dữ lắm”.
Hiện, mực nước lũ ở ĐBSCL đạt mức báo động 2 và dự báo sẽ còn tiếp tục lên. Đây cũng là một áp lực khác đối với hàng chục ngàn hecta lúa vụ 3 ở vùng đầu nguồn chưa có đê bao kiên cố, hệ thống bơm tưới chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, chuyện “chạy” theo giá lúa, xuống giống lúa ở cả những nơi đến chu kỳ xả lũ như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, gia tăng dịch bệnh… ảnh hưởng đến tính bền vững, sản lượng lúa trong tương lai.
Nguyễn Trực
Bình luận (0)