Áp lực nhà ở, môi trường

15/05/2010 00:04 GMT+7

Sở Xây dựng TP.HCM tính toán, từ năm 2011 phải xây dựng được 7-8 triệu m2 nhà ở mới đáp ứng về chỗ ở cho cư dân đô thị. Tuy nhiên, hiện tại áp lực về nhà ở vẫn còn đè nặng bởi dân số tăng quá nhanh.

Đây cũng là nguyên nhân khiến môi trường ngày một suy thoái và chất lượng cuộc sống của người dân có chiều hướng đi xuống.

“Muối bỏ bể”

Khi xây dựng chương trình nhà ở xã hội, TP.HCM khá kỳ vọng vào việc có thể thông qua chương trình này, giảm được một phần về áp lực nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, đến nay chương trình nhà ở xã hội dường như vẫn chưa phát huy được hiệu quả tích cực của nó.

Theo Sở Xây dựng, hiện chỉ mới có 4 dự án thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư là dự án ở phường Thạnh Xuân (quận 12), dự án rộng 1 ha ở phường Bình Chiểu (Q.Thủ Đức), dự án ở huyện Hóc Môn của Công ty Minh Thành và dự án 3 ha ở phường Trường Thọ (Q.Thủ Đức). “Với số lượng nhà ở quá ít ỏi tại các dự án, việc giải quyết nhà ở cho các thành phần trong xã hội chỉ như “muối bỏ bể” mà thôi!”. Một vị lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phát biểu.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để đảm bảo phát triển nhà ở, trong năm 2010, diện tích nhà ở bình quân đầu người sẽ được nâng lên 14m2 (theo số liệu khảo sát vào tháng 4.2009 là 13,4m2/người). Thế nhưng, do số lượng dân nhập cư tăng nhanh, chiếm đến 30% dân số thành phố, tập trung tại các quận mới, quận ven và ngoại thành hoặc xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất nên đã dẫn đến tình trạng nhà ở xây dựng không tuân theo quy hoạch, các khu dân cư tự phát ngày càng phát triển, phá vỡ quy hoạch chung. Đây là một thực trạng đáng quan ngại bởi nếu càng phát triển tự phát, các yếu tố phục vụ cho dân sinh như hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp thoát nước, giao thông...) hoặc hệ thống hạ tầng xã hội (trường học, trạm y tế, công trình công cộng...) sẽ không đảm bảo.           

Ngoài ra, một vấn đề cần phải được lưu ý trong phát triển nhà ở hiện nay, đó là trong tổng số 130 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố được phê duyệt tại Sở Xây dựng TP.HCM trong các năm 2007-2008, có đến 63 dự án được xây dựng tại khu vực nội thành hiện hữu. Điều này cho thấy tính hấp dẫn của khu vực nội thành đối với nhu cầu ở của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển theo nhu cầu sẽ dẫn đến việc tăng dân số cục bộ của khu vực và cũng sẽ gây ra áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng chung của TP.

Theo khảo sát của Viện Khoa học công nghệ - Quản lý môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TP.HCM, các phương tiện giao thông vận tải lưu thông trong thành phố mỗi năm sử dụng đến 1,5 triệu tấn xăng và dầu diesel, thải ra không khí 6 triệu tấn CO2, 61 ngàn tấn CO, 35 ngàn tấn NO2, 12 ngàn tấn SO2... Tại một số nút giao thông chính, nồng độ SO2 phát thải ra môi trường thường lớn hơn tiêu chuẩn Việt Nam. Tác hại của ô nhiễm từ khói thải càng kinh khủng vào những giờ cao điểm, thời điểm thường xảy ra kẹt xe. Hàng ngàn xe gắn máy và xe tải tụ tập hàng giờ liền đã xả một lượng khói thải đáng kể trong đó có chứa nhiều hợp chất độc hại, những hạt bụi chì, các hợp chất benzen và dẫn xuất của benzen đều là tác nhân gây ung thư.
Theo Công ty chuyên nghiên cứu và phân tích thị trường VietRees, các dự án đang trong quá trình xây dựng trong năm 2010 sẽ cung cấp cho thị trường TP.HCM thêm khoảng 8.500 căn hộ, năm 2011 từ 10.000 - 15.000 và con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, nguồn cung căn hộ có giá trung bình và thấp trong năm 2010 có thể sẽ cao hơn gấp 4 lần so với năm 2008. Dù tỷ lệ căn hộ loại này có tăng lên nhưng nếu so sánh với bức tranh toàn cảnh về phát triển nhà ở thì vẫn còn thấp, chỉ chiếm hơn 37% so với tổng nguồn cung toàn thị trường. Và như thế, cần phải ít nhất 2-3 năm mới có thể tạo thêm nguồn cung đáng kể trong phân khúc nhà có giá trung bình hoặc thấp cho thị trường.

Báo động từ chỉ số AQI

AQI (viết tắt từ Air Quality Index) là chỉ số đại diện cho nồng độ của một nhóm các chất gây ô nhiễm gồm CO, NO2, SO2, O3 và bụi, được sử dụng để đánh giá tình trạng chất lượng không khí ở khu vực ven đường hoặc khu dân cư trong thành phố. AQI được tính toán dựa trên kết quả đo đạc liên tục nồng độ các chất ô nhiễm bởi hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí. Một kết quả thống kê từ Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho thấy, lượng khí thải không đạt chuẩn ở TP.HCM chiếm tới 80% khối lượng không khí. Còn theo bảng đánh giá kết quả quan trắc liên tục mức độ ô nhiễm không khí (được chia thành 5 mức đánh giá gồm tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại) thì tại các trục giao thông chính của TP.HCM hầu như lúc nào chỉ số AQI cũng ở mức “kém” (101-200 điểm) hoặc “xấu” (từ 201-300 điểm). Trong khi đó, theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, hiện nồng độ NO2 trung bình ở TP.HCM cao gấp 2-3 lần cho phép và ở thời điểm kẹt xe, tiêu chuẩn này vượt từ 4-6 lần.

Theo đánh giá của GS-TS Lê Huy Bá, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ - quản lý môi trường cùng với cộng sự Hà Viết Cường, vấn nạn kẹt xe và việc các phương tiện giao thông thải ra một lượng lớn chất thải vào không khí đang là tác nhân quan trọng khiến cho sức khỏe người dân TP bị ảnh hưởng, nhất là đối với phụ nữ mang thai, trẻ em và người già, làm tăng nhanh sự lão hóa, giảm chức năng của phổi, tăng bệnh bụi phổi, viêm phế quản và có thể bị ung thư, giảm tuổi thọ.

Ông Nguyễn Thanh Huy - Phó trưởng phòng Quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho rằng: "Ô nhiễm không khí tại thành phố ngày càng tăng cao là do lượng xe máy tăng quá nhanh thời gian gần đây và khói thải tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được xử lý". Hiện nay toàn thành phố có khoảng 4 triệu xe gắn máy, trên 300 ngàn ô tô các loại. Đáng lo ngại là có đến gần 60% lượng xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải.

Ô nhiễm do chất thải, nước thải      

Theo Sở TN-MT TP.HCM, chỉ có khoảng 60% lượng nước thải của thành phố (mỗi ngày khoảng 600.000m3) được xử lý sơ bộ trước khi thải vào hệ thống chung nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng. Trong 7 hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước thải sinh hoạt của thành phố vẫn còn nhiều kênh hở và các cửa xả quá cũ, bị hư hại nặng và năng lực thoát nước của các cửa xả này chỉ đạt khoảng 50%. Tình trạng này đã gây ô nhiễm cho nguồn nước và tạo nên sự úng ngập trên 90 điểm dân cư.

TP.HCM hiện vẫn còn trên 31.100 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thuộc nhiều ngành nghề sản xuất như sản xuất thực phẩm, dệt, nhuộm, hóa chất, chế biến gỗ... mà trong số này, hầu hết chưa có hệ thống xử lý chất thải. Ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho biết, vẫn còn gần 200 trong tổng số gần 1.000 doanh nghiệp trong các KCN-KCX chưa đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom nước thải của các KCN-KCX. Hiện còn khoảng 170 doanh nghiệp phát sinh khí thải nguy hại chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Ngoài ra, hiện vẫn còn gần 70 cơ sở sản xuất di dời từ nội thành ra không có hệ thống xử lý nước thải nên gây ô nhiễm nguồn nước khu vực ngoại thành (kênh An Hạ - Thầy Cai ở huyện Củ Chi). Hệ thống sông ngòi ở huyện Nhà Bè cũng bị ô nhiễm nhanh chóng từ các khu công nghiệp Hiệp Phước... Chỉ riêng huyện Bình Chánh, hiện có 72 kênh rạch bị ô nhiễm trầm trọng, khiến cho nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của 10/13 xã bị ảnh hưởng và hiện tại người dân ở đây đang đối diện với rất nhiều hệ quả xấu từ việc nguồn nước bị ô nhiễm.

Đây chính là hậu quả từ áp lực dân số mà TP.HCM phải đối mặt giải quyết trong thời gian tới.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.