Áp lực trật tự đô thị

04/12/2015 05:38 GMT+7

Hà Nội quản lý đô thị yếu kém, điều đó không có gì phải bàn cãi. Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND TP hôm 1.12, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh một lần nữa thừa nhận việc này.

Hà Nội quản lý đô thị yếu kém, điều đó không có gì phải bàn cãi. Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND TP hôm 1.12, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh một lần nữa thừa nhận việc này.

Nhưng điều không hiểu là tại phiên chất vấn hôm qua, các đại biểu HĐND Hà Nội lại có vẻ rất thờ ơ, khi không đưa vấn đề này ra chất vấn; chí ít là yêu cầu xem xét trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và chính quyền TP trong việc để kéo quá dài tình trạng yếu kém này. Có một vài câu hỏi được cho là “hóc búa” về quản lý bất cập ở một số khu chung cư và tình trạng nợ đọng thuế, nhưng rồi các câu trả lời kiểu “múa con số” cũng mau chóng khiến các đại biểu dân cử hài lòng.
Hà Nội với quy mô dân số đô thị đã vượt ngưỡng 7 triệu người đang chịu nhiều áp lực về giao thông, nhà ở, học hành, chữa bệnh, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường... Bất cứ ai từ xa đến Hà Nội đều có thể nhìn thấy những hình ảnh chưa đẹp mắt: nhiều khu vực, tuyến phố nhếch nhác, vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán; đặc biệt là tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nhà cao tầng, thấp tầng lộn xộn, không theo đúng quy hoạch được phê duyệt… Người dân sinh sống tại thủ đô thì kêu ca, phàn nàn về chất lượng sống khi mà ra đường thì thường xuyên gặp cảnh ùn tắc giao thông, ngập lụt còn về nhà thì thiếu nước sạch sinh hoạt.
Những bất cập trong quản lý đô thị của Hà Nội đang ngày càng hiển hiện, gây bức xúc cho nhân dân như quy hoạch hệ thống cấp thoát nước yếu kém, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch còn bị buông lỏng, quản lý đất đai không hiệu quả…
Công bằng mà nói, Hà Nội cũng có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính sách để cải thiện bộ mặt đô thị. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khiến sự chuyển biến trên thực tế không rõ nét, trong đó có 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, các nhà quản lý đô thị nhiều khi chú trọng đến lợi ích kinh tế (hoặc lợi ích nhóm) hơn các lợi ích xã hội; bằng chứng là nhiều công trình phá vỡ giới hạn độ cao ở khu vực hạn chế phát triển của Hà Nội. Thứ hai, tính hiệu lực của các quy định luật pháp không cao và thường bị méo mó trong quá trình thi hành thực tế.
HĐND TP với tư cách là cơ quan giám sát tại địa phương nên có những giám sát chuyên đề và chất vấn đến tận cùng những yếu kém, bất cập trong quản lý đô thị. Người dân mong muốn, các đại biểu dân cử phải thực sự lăn lộn với thực tế, sống cùng bức xúc của người dân, thì các phiên họp mới được nói tiếng nói của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.