Áp thấp nhiệt đới gần bờ

25/09/2011 00:51 GMT+7

* Đã có ít nhất 6 người tử vong do mưa lũ * Sư, sãi cùng tham gia cứu đê Ngày 24.9, vùng áp thấp hình thành và hoạt động vài ngày qua đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

 

Mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng  ảnh: NGUYỄN TÚ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết chiều cùng ngày vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,9 đến 15,9 độ vĩ bắc; 110,6 đến 111,6 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Nam - Bình Định khoảng 250 km về phía đông đông bắc, với sức gió mạnh nhất mạnh cấp 6 - cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8 - cấp 9. Trong 24 giờ tới, ATNĐ hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh thêm. Chiều nay 25.9, tâm ATNĐ cách bờ biển Quảng Ngãi - Bình Định khoảng 320 km về phía đông đông bắc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ kết hợp hoạt động của đới gió đông bắc nên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, giật cấp 8 - cấp 9, biển động mạnh. Ngoài ra, chịu ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa giông mạnh, cần đề phòng lốc xoáy.

Trên đất liền, trong 2 ngày qua ở các tỉnh từ nam Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được ở các tỉnh Kon Tum và Đắk Nông 80 - 100 mm; các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi phổ biến từ 200 - 300 mm; một số nơi trên 400 mm như Mỹ Chánh (Quảng Trị) 458 mm, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 422 mm... Mưa như trút nước khiến lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Đắk Nông đang lên nhanh, ở mức báo động 1 - báo động 2, có nơi trên báo động 2.

Trong khi đó, theo bản tin lũ khẩn cấp tại ĐBSCL, lũ hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và ở mức cao, phổ biến ở mức trên báo động 1 đến dưới mức báo động 3. Dự báo những ngày tới do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức cao. Đến ngày 28.9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,7m (trên báo động 3 khoảng 0,2m), trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,05m (trên báo động 3 khoảng 0,05m), trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2m (trên báo động 2 khoảng 0,2m), tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3. Sau đó, lũ sông Cửu Long còn tiếp tục lên, các địa phương cần chủ động phòng chống lũ lớn.

Hỗ trợ các hộ dân bị vỡ đê

Sáng  24.9, UBND thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) tổ chức họp khẩn xung quanh vụ vỡ đê làm mất trắng 200 ha lúa vụ 3 hơn 60 ngày tuổi; đồng thời đề ra các biện pháp gia cố các tuyến đê, di dời dân ra ngoài vùng nguy hiểm...

Ông Nguyễn Hồng Tráng, Phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự, cho biết đã đề xuất hỗ trợ 3,5 tỉ đồng giúp các hộ dân bị thiệt hại do vỡ đê, nhưng tỉnh chỉ duyệt mức hỗ trợ 2 triệu đồng/công. Ông Tráng tỏ ra lo ngại lũ lên nhanh nhưng rút chậm, nước sẽ ngấm vào chân đê đe dọa sạt lở, trong khi đó đỉnh lũ năm nay vẫn chưa thể lường trước. Nếu nước lên thêm 5 tấc nữa sẽ tràn vào các tuyến đê bao. “Các ban ngành phải trực tác chiến lũ, tuần tra các tuyến đê 24/24, tổng huy động trong dân, các lực lượng, đoàn thể cùng tham gia phòng lũ. Tôi yêu cầu các trường nào thấy không an toàn thì đóng cửa cho học sinh nghỉ học. Các xã phường khuyến cáo người dân kê kích nhà, buộc chằng nhà chống mưa bão; các hộ nuôi cá tôm bao lưới quanh ao, bè nuôi đề phòng lũ dâng nhanh”, ông Tráng nói.   

Chiều cùng ngày ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đi kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu ở kinh Tứ Thường (P.An Lạc, thị xã Hồng Ngự); kinh Sa Rài (xã Tân Hội Cơ, H.Tân Hồng). Ông Phát khẳng định sau khi thị sát sẽ báo cáo về T.Ư đề nghị hỗ trợ kinh phí chống lũ.

Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh, đến chiều 23.9, có 2 trẻ em tại huyện Cao Lãnh và Lai Vung chết đuối; 286 ha lúa thu đông ở H.Châu Thành, thị xã Hồng Ngự bị mất trắng; hơn 28.000m2 đất bị sạt lở, 90 hộ dân phải di dời khẩn cấp...

 Thanh Dũng

 

Quảng Trị: Hơn 2.000 ha lúa bị ngập úng

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến trưa 24.9, trên địa bàn đã có 2.100 ha lúa vụ hè thu, 175 ha rau màu, 1,6 ha nuôi cá nước ngọt bị ngập sâu. (Nguyễn Phúc)

Thừa Thiên - Huế: Nhiều tuyến đường bị chia cắt

Tại Thừa Thiên - Huế, các xã Phong Hòa, Phong Bình (H.Phong Điền, hạ nguồn sông Ô Lâu) bị ngập nặng, có nơi ngập đến 0,8m. Nhiều tuyến đường giao thông bị nước lũ chia cắt như tuyến xã Phong Mỹ đi Vân Trình, các tuyến tỉnh lộ 6, tỉnh lộ 4, quốc lộ 49B, Trạch Phổ - Vân Trình - Ưu Điềm - Vĩnh An... Phòng Giáo dục H.Phong Điền quyết định cho học sinh hai trường THCS Phong Bình và trường Tiểu học Vĩnh Hòa nghỉ học từ chiều 23.9 và ngày 24.9. Mưa ngập cũng khiến toàn bộ 1.031 học sinh trường THPT Trần Văn Kỷ (xã Phong Bình) nghỉ học chiều 23.9 và ngày 24.9. (Gia Tân)

Quảng Ngãi: Cứu tàu cá cùng 20 ngư dân

Ngày 24.9, Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi lai dắt tàu cá bị nạn QNg - 95478 cập cảng Sa Kỳ vào 9 giờ cùng ngày. Trước đó, tàu cá này hành nghề câu mực khơi cùng 20 lao động trên đường chạy vào bờ để tránh áp thấp nhiệt đới thì bị nước tràn vào. Thuyền trưởng phát tín hiệu cấp cứu vào lúc 2 giờ 20 ngày 24.9. (Nguyễn Tú)

Quang Duẩn - Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.