Apple đối diện nguy cơ bị cấm bán iPhone XS, AirdPods và Apple Watch

27/08/2019 15:28 GMT+7

Sự cạnh tranh giữa các gã khổng lồ bán dẫn đang dần khiến họ trở nên xấu xí trong mắt người dùng, tệ hơn đôi khi chúng có thể ngăn cản bạn mua các thiết bị yêu thích từ họ.

Vừa qua, GlobalFoundries đã kiện hãng gia công TSMC của Đài Loan với cáo buộc vi phạm 16 bằng sáng chế gắn liền với hoạt động sản xuất chip của họ, bao gồm cả các kết nối bán dẫn và thiết kế FinFET phổ biến được dùng trong các bộ vi xử lý mới.
Đồng thời, hàng loạt vụ kiện của công ty này trình lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng nhắm đến 20 công ty công nghệ lớn khác đang vi phạm sáng chế của hãng, trong đó có rất nhiều tên tuổi lớn. Cụ thể, GlobalFoundries cáo buộc Apple, ASUS, Google, Lenovo, NVIDIA, OnePlus và Qualcomm cùng một số công ty khác đã “chà đạp” lên công nghệ của hãng, dù đó chủ yếu là các cáo buộc nhắm đến TSMC.
Tuy nhiên, hậu quả của vụ việc có thể sẽ hết sức nghiêm trọng. Trong khiếu nại gửi lên ITC, GlobalFoundries đã yêu cầu cấm nhập khẩu nhiều thiết bị của Apple, trong đó có chip di động Apple A-Series cùng các thiết bị phổ biến khác như iPhone XS, AirPods, Apple Watch 4 và Apple TV 4K.
Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh card màn hình (GPU) của Nvidia và trọng tâm là dòng GeForce RTX mới ra trên tiến trình 12nm cũng nằm trong đích ngắm của lệnh cấm. Nếu GlobalFoundries thắng kiện, các công ty này có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng bán các mặt hàng này, ít nhất cho đến khi họ tìm được các kênh sản xuất thay thế cho TSMC.
Khởi xướng vụ kiện, GlobalFoundries đã nhấn mạnh nhiều về chủ nghĩa dân tộc - yếu tố góp phần thúc đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Trong đó, họ nhấn mạnh rằng mục đích của vụ kiện là “bảo vệ” các khoản đầu tư vào ngành sản xuất chip của Mỹ và châu Âu, trong khi mô tả TSMC là một phần của nguy cơ dịch chuyển sang châu Á. GlobalFoundries cũng tuyên bố, một khi luật pháp được thực thi sẽ đảm bảo “sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành” cho các khách hàng của mình.
Theo nhận định của báo New York Times, thực tế sự vụ có thể phức tạp hơn. Mặc dù đúng TSMC là một thế lực thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip khi chiếm gần một nửa sản lượng gia công chip trên toàn cầu, nhưng GlobalFoundries đã từ bỏ việc phát triển chip ở quy trình 7nm và các quy trình nhỏ hơn. Nói cách khác, họ đã nhượng lại phân khúc đó cho các đối thủ như TSMC bằng việc tuyên bố rằng mình không có đủ ngân sách hàng tỉ USD để theo đuổi các tiến trình này.
Do vậy, không rõ GlobalFoundries có dùng chính thành công (nếu có) từ cuộc chiến pháp lý với TSMC để khởi động lại nỗ lực tiếp cận tiến trình 7nmm trở xuống hay không? Bởi như vô số cuộc chiến về quyền sở hữu trí tuệ khác, đây là một nguồn thu nhập béo bở mà các hãng khó có thể bỏ qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.