Được thành lập năm 2014, Liên minh kinh tế Á - Âu bao gồm các thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Armenia là thành viên đặc biệt bởi giữa Armenia và Azerbaijan có cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với vùng Nagorno-Karabakh và ở Armenia có căn cứ quân sự của Nga, Armenia lại còn tham gia một liên minh quân sự ở khu vực do Nga dẫn đầu.
Trong năm 2023 này, mối quan hệ giữa Armenia và Nga xấu đi rõ rệt do Armenia không hài lòng về việc Nga không hậu thuẫn đủ mức cho Armenia bảo vệ vùng Nagorno-Karabakh trong xung đột quân sự với Azerbaijan, khiến cho Armenia bị mất quyền kiểm soát và quản lý vùng này về tay Azerbaijan. Nga không hài lòng về việc Armenia quyết định tham gia Tòa án hình sự quốc tế sau khi tòa án này phát lệnh truy bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ở phía Armenia, vị thủ tướng kia là người đã phê phán Nga nặng lời nhất, công khai đề cập việc đóng cửa căn cứ quân sự của Nga ở Armenia, rút Armenia ra khỏi liên minh quân sự với Nga và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và cả quân sự và an ninh với Mỹ, EU và NATO.
Bây giờ, chính ông Pashinyan lại tới Nga và gặp ông Putin. Người này tới Nga vì Armenia đến lượt đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên của Liên minh kinh tế Á - Âu, nhưng cũng còn vì, nếu như không phải trước hết, Armenia vẫn phải tranh thủ Nga, dựa cậy vào Nga, vì có thể dùng quan hệ với Mỹ, EU và NATO để chơi con bài đối trọng nhưng chưa thể "thoát Nga". Armenia cần có hòa ước với Azerbaijan và ý thức được rằng rồi đây vẫn là Nga chứ không phải đối tác bên ngoài nào khác đóng vai trò quyết định nhất đối với trật tự chính trị an ninh và ổn định ở khu vực xung quanh Armenia. Tình cảnh hiện tại của Armenia là vương không muốn nhưng bỏ không được trong quan hệ với Nga.
Tổng thống Putin tự nhận từng ngây thơ về phương Tây; nói Nga không có lý do, lợi ích để chống NATO
Bình luận (0)