Đấy không phải là sự xuất sắc của "phong độ nhất thời". Trong 7 trận thắng liên tục vừa qua ở Premier League, có đến 6 trận Arsenal ghi được 3 hoặc 4 bàn. Mikel Arteta đã vượt qua cột mốc thắng 100 trận trong tư cách HLV trưởng Arsenal. Ở cột mốc ấy, ông chính là HLV có tỷ lệ thắng cao nhất trong lịch sử CLB này (59,5%). So cả với những thời kỳ hoàng kim trước đây, Arsenal chưa bao giờ có cả đẳng cấp cao lẫn sự ổn định phong độ tuyệt vời như lúc này. Chỉ sau 29 trận, Arsenal đã có 72 điểm ở Premier League. Khi HLV Arsene Wenger lần đầu đưa Arsenal lên ngôi vô địch, họ được 78 điểm trong nguyên mùa.
Cái cách mà Arsenal liên tục chiến thắng để gần như miễn nhiễm với áp lực nặng nề từ đội nhì bảng Man.City nói lên rằng đấy là kết quả từ một phương pháp huấn luyện theo triết lý. Và ông Arteta - coi như là "học trò xuất sắc" của HLV Pep Guardiola - dĩ nhiên thuộc dạng HLV này. Huấn luyện theo triết lý là cách huấn luyện không đem lại hiệu quả tức thời, không phù hợp với thể thức knock-out và các trận đấu "thượng đỉnh", nhưng một khi đã đạt đến những cột mốc cần thiết cả về thời gian lẫn công sức, thì giá trị lâu dài của nó trong thể thức thi đấu "đường trường" luôn tuyệt vời. Đấy là lý do vì sao Arsenal chỉ đứng thứ 8 ở Premier League trong 2 mùa đầu tiên của HLV Arteta, vươn lên số 5 trong mùa vừa qua, rồi dẫn đầu một cách ổn định trong mùa bóng này.
Khi có bóng, Arsenal chơi theo sơ đồ 3-2-5, với hậu vệ trái Oleksandr Zinchenko di chuyển vào khu giữa sân, hậu vệ phải Ben White bó vào giữa thành trung vệ, cặp tiền vệ trung tâm dâng cao để cùng trung phong và 2 tiền đạo cánh hình thành hàng công 5 người. Suy cho cùng, mỗi đội đều có cách vận hành chiến thuật của riêng mình. Với Arsenal thì cách chơi vừa nêu đã được tập đến mức nhuần nhuyễn. Sân tập Colney ở London được kẻ vạch và đánh dấu mốc để các cầu thủ vận hành thật chính xác sơ đồ, cách chơi chủ đạo của ông Arteta.
Từ sơ đồ, công thức tấn công đến cách vận hành, nguyên tắc chuyền bóng của HLV Arteta đều được tập đến mức tự động hóa, "kiểu Pep". Trên thực tế, tỷ lệ giữ bóng ở 1/3 mặt sân gần cầu môn đối phương của Arsenal chỉ thua Man.City. So với 2 mùa đầu tiên do ông Arteta huấn luyện thì các chỉ số giữ và chuyền bóng của Arsenal đều được cải thiện, nhất là về chất lượng (chuyền bóng tăng 2% nhưng chuyền chính xác tăng 6%). Nguyên tắc tập của Arsenal giống như nguyên tắc luân vũ trong âm nhạc: lặp đi lặp lại một cách tổng thể, xen lẫn với các biến tấu khi đi vào chi tiết.
Thủ quân Martin Odegaard cho biết anh không có ấn tượng với những bài tập của HLV Arteta, nhưng lại đặc biệt ấn tượng với cách giải thích của Arteta, vì sao họ phải tập như vậy. Trong rất nhiều buổi, Arsenal chỉ tập "chay", nghĩa là không có đối thủ. Về mặt nguyên tắc, bạn làm gì chẳng được, đá sao chẳng hay, nếu như không có đối thủ chống đỡ! Nhưng các bài tập trở nên dễ dàng, cầu thủ không phải chịu áp lực gì, và mức độ nhuần nhuyễn tăng cao sau hàng trăm lần tập cùng một kiểu.
Bên cạnh các bài tập không có đối thủ, thì cách tập tấn công trước các hàng thủ đứng thấp cũng khá phổ biến tại London Colney. Tất nhiên, kiểu tập này thường được áp dụng trước từng trận đấu cụ thể, và là tập kín. Arsenal tấn công hiệu quả và thường ghi bàn khá nhiều trước các đối thủ chơi thiên về phòng thủ có lẽ nhờ kiểu tập này. Còn nhiều "tuyệt chiêu" khá hay mà thi thoảng các cầu thủ Arsenal tiết lộ về những gì diễn ra trên sân tập của Arsenal. Nhưng tóm lại, đã hình thành hẳn một "triết lý Arteta", và đấy là nguyên nhân lớn nhất tạo ra một Arsenal ổn định như hiện thời.
Bình luận (0)