ASEAN rộng lộ trình phát triển

11/10/2013 03:55 GMT+7

Sự thống nhất nội khối và quan tâm nhiều mặt từ các cường quốc bên ngoài thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh đã mở ra cơ hội phát triển mạnh cho ASEAN .

 ASEAN rộng lộ trình phát triển
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á - Ảnh: Thục Minh

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị liên quan diễn ra trong 2 ngày tại Brunei kết thúc hôm qua 10.10. Điểm lại những kết quả đạt được trong năm qua, Quốc vương nước chủ nhà Hassanal Bolkiah nói rằng mục tiêu đạt được Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 có những “tiến triển lớn” và có thể tự tin được. Nhưng xa hơn, ASEAN đã và đang là tâm điểm hợp tác mà nhiều cường quốc kinh tế và quân sự muốn can dự và hợp tác mọi mặt.

Riêng rẽ từng quốc gia gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ trong các cuộc họp song phương với ASEAN ngày 9.10 đã đề xuất nhiều kế hoạch hợp tác mới, cũng như cam kết thúc đẩy quyết liệt các hợp tác đã có. Trong ngày 10.10, Thượng đỉnh ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 8 (còn có thêm Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ) càng thể hiện rõ vai trò và vị thế của ASEAN. “EAS ngày nay là nơi tập trung 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 8 trong số 20 nền kinh tế lớn mới nổi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại cuộc họp này.

Bên cạnh đó, các nguyên thủ EAS cũng nhìn nhận đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo - mà ASEAN đóng vai trò chủ đạo - để bàn và quyết định về các vấn đề chiến lược, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh và phát triển ở khu vực, thông cáo hội nghị cho biết.

Hội nghị nhất trí đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để hoàn thiện trong năm 2015. Ngoài cam kết đẩy mạnh hợp tác về an ninh quân sự, các lãnh đạo EAS đưa ra tuyên bố về an ninh lương thực. Ấn Độ tại hội nghị này đã tỏ ra hết sức hào hứng hợp tác với ASEAN bằng việc ký kết một loạt thỏa thuận đầu tư và dịch vụ cũng như trao đổi văn hóa. Sự tham gia hợp tác và ủng hộ của các đối tác ngoài khối cũng là điều kiện khách quan tốt đẹp để ASEAN xây dựng tầm nhìn chiến lược cho quá trình phát triển của khối trong những thập niên tiếp sau năm 2015 mà các lãnh đạo ASEAN đề ra hôm 9.10.

Vấn đề biển Đông

Sau một năm bị giẫm chân trong việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC), năm 2013, tiến trình này có tiến triển bằng việc Trung Quốc chấp nhận “tham vấn chính thức” hồi giữa tháng 9. Không khó để nhận ra sự né tránh của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiến trình này khi Thủ tướng Lý Khắc Cường trong các cuộc họp vừa qua đều nhắc đi nhắc lại rằng nước này sẽ tham gia xây dựng COC “trên nguyên tắc đồng thuận”.

Tuy nhiên, “thành công lớn nhất của ASEAN trong năm 2013 là tạo được sự thống nhất không chỉ giữa các nước có tranh chấp mà cả các nước không có tranh chấp về vấn đề biển Đông và COC”, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói với Thanh Niên bên lề hội nghị. Bộ trưởng giải thích việc thảo luận COC với Trung Quốc trong năm 2012 đã không thực hiện được dù đó là thời điểm hai bên kỷ niệm 10 năm ký kết Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) và Việt Nam trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc đã cố gắng hết sức. Nhưng năm 2013, “tất cả các nước ASEAN và các đối tác của khối tại hội nghị này đều nêu ý kiến cần có càng sớm càng tốt COC, để bảo đảm hòa bình, tạo dựng lòng tin và ngăn chặn những hành động sai trái xảy ra trên biển”. “Đó là áp lực” mà bên nào muốn nấn ná cũng khó, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói. Ông cũng nói động tác “tham vấn” hồi tháng 9 chỉ là “bước dạo đầu”, ASEAN và Trung Quốc cần phải đàm phán thẳng thắn để sớm có COC như mong đợi và đòi hỏi trong hợp tác khu vực.

Hợp tác Việt - Mỹ

Trong ngày 10.10, bên lề hội nghị, hai Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và John Kerry đã ký tắt Hiệp định 123, trong đó Mỹ sẽ cung cấp công nghệ và nhiên liệu hạt nhân cho để phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân mà Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng.  Đây là kết quả từ việc hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện hồi tháng 7 năm nay.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó, Ngoại trưởng Kerry phát biểu: “Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước chúng ta. Rõ ràng, hợp tác hạt nhân là rất đáng kể”. Theo AFP, sau khi được ký kết chính thức bởi lãnh đạo hai nước, Hiệp định 123 sẽ mất 90 ngày để Thượng viện Mỹ xem xét trước khi có hiệu lực.

Trong ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gặp song phương Thủ tướng Úc Tony Abbott, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Bên cạnh bàn thảo các cơ hội hợp tác kinh tế, vấn đề hợp tác an ninh là một nội dung quan trọng của các cuộc gặp. Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 khép lại nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên năm 2013 của Brunei và trao ghế Chủ tịch ASEAN năm 2014 cho Myanmar.

Thục Minh
(từ Brunei)

>> Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc
>> Trung Quốc đề xuất 7 gói hợp tác với ASEAN
>> Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ
>> Kim ngạch thương mại Trung Quốc và ASEAN lên 1.000 tỉ USD vào năm 2020
>> Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị ASEAN
>> Thượng đỉnh ASEAN hướng tầm nhìn sau 2015 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.