Assange bị biệt giam như thế nào?

12/12/2010 09:46 GMT+7

Nhà sáng lập tổ chức WikiLeaks, Julian Assange đang phải trải qua những ngày đặc biệt trong cuộc đời khi lần đầu tiên kể từ thời niên thiếu, ông không được tiếp xúc với máy tính.

Hãng tin Reuters dẫn lời một trong những luật sư của ông, bà Jennifer Robinson cho biết việc ông Julian bị giam riêng biệt trong nhà tù Wandsworth (London) là vì sự an toàn của bản thân ông.

Sau khi bị tòa từ chối cho tại ngoại, vào ngày 14-12, ông Julian sẽ xuất hiện tại tòa lần thứ hai để trả lời thẩm vấn của các công tố viên liên quan tới cáo buộc cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục hai phụ nữ Thụy Điển.

Luật sư Robinson phàn nàn rằng ông Assange không biết làm gì để giải trí trong tù và bị gây khó dễ khi muốn gọi điện thoại ra ngoài. Ông cũng bị hạn chế gặp luật sư và dù bị theo dõi nghiêm ngặt nhưng có thời gian riêng tư hơn các tù nhân khác. Ông không biết làm gì đành giết thời gian bằng việc xem tivi.

Ông Julian cũng không được phép có máy tính trong phòng giam. Nhưng nhóm luật sư đã yêu cầu cho thân chủ mình có máy tính vì theo bà Robinson, các luật sư đang chuẩn bị tài liệu để kháng cáo vào phiên tòa sắp tới và ông Julian gặp khó khăn khi viết bằng tay.

Bà Robinson cũng thông báo tinh thần ông Julian rất tốt nhưng rất tức giận trước cáo buộc WikiLeaks đứng đằng sau vụ tấn công vào các công ty kinh doanh thẻ tín dụng sau khi các công ty từ chối thực hiện giao dịch với WikiLeaks.

Bà Robinson cũng phán đoán các công tố viên Mỹ cho biết đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để có thể dẫn độ Julian về Mỹ xử tội gián điệp, và nhận định các cáo buộc của Mỹ “sắp được đưa ra”. Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về các thông tin do luật sư ông Julian đưa ra. Đến nay, quan điểm của nhóm luật sư là bất kỳ quyết định khởi tố nào theo luật gián điệp của Mỹ đều vi hiến và yêu cầu sử dụng Tu chính án lần thứ 1 để bảo vệ tất cả tổ chức truyền thông.

Dù ông Julian đang đếm thời gian trong bốn bức tường biệt lập, trang web WikiLeaks vẫn tiếp tục tung thêm tài liệu mật liên quan tới lĩnh vực đối ngoại của Mỹ. Lần này là nói về tranh cãi giữa Tòa thánh Vatican và Ireland xung quanh vụ điều tra lạm dụng trẻ em của các mục sư tại Dublin.

Theo đó, Vatican đã từ chối hợp tác trong một vụ điều tra các linh mục ở Dublin lạm dụng tình dục trẻ em vì các yêu cầu không được thực hiện thông qua các kênh chính thức. Mật điện khác cho biết tập đoàn mỏ khổng lồ BHP Billiton đã vận động Chính phủ Úc để không thông qua đề xuất kinh doanh 19,5 tỉ USD giữa đối thủ Rio Tinto và Chinalco của Trung Quốc. Mật điện cho biết thỏa thuận sụp đổ đã khiến thủ tướng Úc khi đó là Kevin Rudd đối mặt với “một Trung Quốc không vui”.

Openleaks - đối thủ của WikiLeaks

Ngày 12-12, website “đối thủ” của WikiLeaks ra mắt tại tên miền openleaks.org và do một số nhân vật chính từng làm việc trong dự án WikiLeaks thành lập. Những người này tách ra để phản đối cách điều hành gây tranh cãi của người sáng lập Julian Assange.

Theo website tin tức của Thụy Điển DN.se, Openleaks cũng sẽ tập trung vào việc truyền tải các thông tin nhạy cảm từ các chính phủ, tập đoàn, tổ chức và các nhóm tôn giáo. “Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là xây dựng môi trường mạnh mẽ, minh bạch để hỗ trợ những “người thổi còi” (những người lên tiếng về các việc làm sai trái trong xã hội) cả về mặt công nghệ và chính trị, song song đó khuyến khích những lực lượng khác bắt đầu thực hiện các dự án tương tự” - nguồn tin giấu tên tại Openleaks nói.

Như vậy, các tổ chức khác sẽ tiếp cận được những tài liệu mà Openleaks có và sẽ chịu trách nhiệm đăng tải thông tin đó. Mục đích là để Openleaks trở thành lực lượng trung lập, không theo lịch trình chính trị, trừ việc cung cấp thông tin cho truyền thông, công chúng, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức công đoàn và thương mại và các nhóm tham gia xã hội khác.

“Tất cả quyền kiểm soát biên tập và trách nhiệm đều thuộc về các tổ chức xuất bản. Chúng tôi chỉ có vai trò người đưa tin giữa “người thổi còi” và tổ chức mà “người thổi còi” đang muốn hợp tác”. Bằng việc làm này, có vẻ như Openleaks đã “khôn ngoan” nhằm tránh cơn giận dữ từ các chính phủ nhiều quốc gia mà WikiLeaks đang hứng chịu.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.