Kho báu cổ dưới chân đền Jerusalem

15/09/2013 10:50 GMT+7

Một kho báu gồm các đồng tiền vàng cổ và trang sức hiếm đã được tìm thấy gần điểm giao nhau của 4 tôn giáo chính trên thế giới tại Jerusalem.


Một phần của kho báu, chiếc mề đay vàng đường kính 10 cm - Ảnh: Times of Israel 

Các nhà khảo cổ học đã khai quật một kho báu 1.400 năm tuổi gồm tiền vàng và nữ trang, trong đó “đinh” nhất là chiếc mề đay khắc hình các biểu tượng của Do Thái giáo, tại quần thể Temple Mount. Đây là vùng đất thánh, nơi khởi nguồn đạo Do Thái, Thiên Chúa, La Mã và Hồi giáo. Trưởng nhóm dự án Eilat Mazar của Đại học Hebrew phấn khích cho biết đây là phát hiện để đời, nhất là khi tìm được chiếc mề đay có bề ngang 10 cm. Trên bề mặt vàng là hình ảnh của cây đàn 7 nhánh, sừng cừu đực và mẩu giấy Torah. Phần còn lại của kho tàng là 36 đồng tiền vàng và đồ trang sức bạc, cũng được đào thấy cách bức tường phía nam của Temple Mount khoảng 46 m.

Cách đây vài tháng, Mazar cũng đã công bố một phát hiện quan trọng, đó là mảnh gốm có khắc chữ cách đây khoảng 1000 năm trước Công nguyên, vào kỷ nguyên của vua David và Solomon. Phát hiện mới nhất, được gọi là “kho tàng Ophel”, có niên đại gần hơn trong bề dày lịch sử Jerusalem. Những món đồ này được chôn ở hai nơi, trong đống đổ nát của một cấu trúc công cộng từ cuối thời Byzantine, khoảng năm 600. Chiếc mề đay được tìm thấy ở phần sụt của nền cấu trúc, bên cạnh 1 chiếc nhỏ hơn, 2 mặt dây chuyền, 1 sợi dây vàng và 1 cái móc bạc. Tất cả những món đồ này được cho là để trang trí cho một cuộn giấy Torah.

Những đồng tiền được tìm thấy ở một nơi khác. “36 đồng tiền vàng nhiều khả năng có nguồn gốc từ những thời kỳ trị vì khác nhau của các hoàng đế Byzantine, kéo dài từ giữa thế kỷ thứ 4 đến đầu thế kỷ thứ 7”, theo chuyên gia Lior Sandberg của Đại học Hebrew. Cùng với các đồng tiền vàng, nhóm khảo cổ học tìm thấy 1 đôi hoa tai lớn bằng vàng, lăng kính 6 cạnh bạc mạ vàng, và 1 thỏi bạc. Những phần còn lại của vải vóc được trộn lẫn bên trong kho báu, cho thấy những vật này từng được cất giấu bên trong một chiếc túi vải. Trả lời phỏng vấn tờ Times of Israel, tiến sĩ Mazar hân hoan nói: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều vàng đến thế trong đời mình”.

Mazar và đồng sự đã nỗ lực ráp các mảnh của câu đố khảo cổ học và dựng thành một câu chuyện để giải thích tại sao kho báu này bị bỏ lại Jerusalem suốt bao thế kỷ. Họ phỏng đoán rằng chúng đã bị vứt đó khi người Ba Tư tấn công Jerusalem vào năm 614. Sau khi quân đoàn Ba Tư đánh bại các nhà trị vì Byzantine Thiên Chúa giáo, nhiều người Do Thái quay về thành phố.

Tuy nhiên, trong 15 năm sau đó, quyền lực xứ Ba Tư nhạt nhòa dần, người Byzantine Thiên Chúa giáo khôi phục sự ảnh hưởng, và người Do Thái lại bị trục xuất khỏi đất thánh. Bà Mazar cho hay những người Do Thái cất giấu kho báu trên có thể là nạn nhân của tình trạng chuyển đổi quyền lực chính trị. 

Phi Yến

>> Phát hiện nhiều cổ vật nghi từ hai con tàu đắm
>> Mất ăn, mất ngủ vì cổ vật
>> Tinh hoa cổ vật Phật giáo
>> Triển lãm ‘Tinh hoa cổ vật Phật giáo’
>> Tranh giành, lặn tìm cổ vật trên tàu cổ đắm ở Quảng Ngãi
>> Phát hiện thêm nhiều cổ vật quanh con tàu đắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.