Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi người dân phản đối hành động của quân đội Myanmar

01/02/2021 13:58 GMT+7

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền cho biết lãnh đạo Aung San Suu Kyi của đảng này đã kêu gọi người dân không chấp nhận và biểu tình phản đối động thái của quân đội.

"Các hành động của quân đội là hành động đưa đất nước trở lại dưới chế độ độc tài", bà Aung San Suu Kyi nói trong một tuyên bố do NLD công bố vào ngày 1.2, theo Reuters.
"Tôi kêu gọi mọi người không chấp nhận điều này, hãy đứng lên biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội", lãnh đạo Aung San Suu Kyi được dẫn lời nói trong tuyên bố.

Chính biến tại Myanmar: Vì sao quân đội thách thức kết quả bầu cử?

NLD lưu ý tuyên bố của lãnh đạo Aung San Suu Kyi được chuẩn bị trước khi quân đội bắt giữ bà vào ngày 1.2.
Ngay trước đó, quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cho biết họ đã bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của chính phủ, bao gồm Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, với cáo buộc NLD nhờ "gian lận bầu cử" đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11.2020.
Cụ thể, kết quả cuộc bầu cử được công bố là đảng NLD chiếm 83% số ghế ở quốc hội. Hiến pháp dành cho quân đội 25% số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi. Tuy nhiên, quân đội Myanmar cho rằng có gian lận về danh sách cử tri.
“Nếu vấn đề gian lận bầu cử không được giải quyết thì điều này gây cản trở con đường dẫn đến dân chủ và do đó phải được giải quyết theo pháp luật. Vì thế, tình trạng khẩn cấp được ban bố theo điều 417 của hiến pháp năm 2008”, theo tuyên bố của quân đội Myanmar ngày 1.2.
Mỹ cùng các chính phủ trên thế giới phản đối động thái của quân đội Myanmar và kêu gọi khôi phục nền dân chủ ở nước này.

Đất nước Myanmar ra sao từ sau khi đảng của bà Aung San Suu Kyi nắm quyền?

Trước đó, Ủy ban bầu cử Myanmar hôm 28.1 đã bác bỏ cáo buộc của quân đội về gian lận phiếu bầu, khẳng định không có bất kỳ sai sót nào đủ lớn để làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, căng thẳng chính trị leo thang trong tuần qua khi một người phát ngôn của quân đội đưa ra cảnh báo lực lượng vũ trang có thể "hành động" nếu các khiếu nại về gian lận bầu cử không được giải quyết.
Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing hôm 27.1 còn nói với các quân nhân rằng hiến pháp nên được bãi bỏ nếu không được tuân thủ, theo Reuters.
Trong tuyên bố ngày 30.1, quân đội Myanmar lại khẳng định sẽ bảo vệ và tuân thủ hiến pháp năm 2008 và hành động theo đúng luật pháp, cho rằng bình luận Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing về việc bãi bỏ hiến pháp đã bị hiểu sai.
Myanmar là một quốc gia từng do quân đội nắm quyền trong suốt 49 năm sau cuộc đảo chính năm 1962.
Quân đội Myanmar đồng thời tuyên bố sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới sau lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm và sẽ trao lại quyền lực cho người thắng cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.