Bà cụ 14 năm bán bắp nướng: Có ngày bán... cho vui vì bị lừa tiền giả

14/01/2021 14:49 GMT+7

14 năm qua ở khu vực ngã tư Phạm Văn Đồng và Tô Ngọc Vân (Thủ Đức, TP.HCM), xe bắp nướng của một cụ già như "lạc lõng" giữa dòng xe qua lại nhưng lại là chốn mưu sinh của người không nơi nương tựa.

Nương tựa lòng tốt của những người cùng cảnh ngộ

“Sáng giờ được hơn 10 trái chưa Ba?”, “Hơn rồi, sáng giờ bà được nhiều người mua ủng hộ lắm”, bà cụ 67 tuổi cười nói.
Đó là bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1953, quê gốc Vĩnh Long) mà người dân ở đây vẫn quen gọi là bà Ba. Theo cha mẹ lên TP.HCM mưu sinh từ lúc nhỏ, và đến nay bà Ba vẫn đều đặn hằng ngày phe phẩy chiếc quạt, nhóm than, nướng từng trái bắp thơm mùi sữa ngọt.
Cứ đúng giữa trưa, người ta lại thấy bà đẩy chiếc xe sắt chở đầy bắp, ngồi lặng lẽ giữa ngã tư nhộp nhịp xe cộ qua lại. Ngày thường bà bán từ 12 giờ trưa đến 11 giờ đêm, dọn hàng xong bà Ba lại còng lưng nhặt ve chai trên đoạn đường về nhà, chủ yếu là gom những lon nước được vứt ra từ các quán ăn gần đó, để kiếm thêm chút tiền thuốc thang.
“Bà bán nguyên năm luôn đó con, nghỉ vài ngày lại sợ khách quen tưởng bà nghỉ luôn, người ta lại chạy đi mua chỗ khác”, bà chia sẻ.
Bà “khởi nghiệp” từ gánh nhỏ, hồi đó một trái bắp nướng chỉ có giá 5.000 đồng. “Dạo đó chưa có xe, bà gánh hàng nhưng đâu gánh nổi, toàn phải kéo gánh trên đường, lâu ngày bị hư phải dùng dây kẽm cột lại. Có mấy hôm trời tối quá, bà dẫm nhầm lên dây kẽm chảy máu chân. Rồi mấy lúc tối nhà người ta đóng cửa, bà phải đẩy hàng lên phía trên có cột đèn đường để thấy đường đứng bán. Người ta thấy thương rồi họ góp tiền mua cho mình cái xe đẩy cho tiện đi lại. Dần rồi cũng khá con ạ!”, bà kể.
Rồi bà lại chép miệng kể, bà ở nhờ nhà một người quen cùng quê, cô đó sống với chồng nhưng chồng bị tai biến, còn vợ bị tiểu đường. Ngày ngày chú phụ bà đẩy xe ra, cuối ngày lại đẩy xe về. Bà không có người thân ở mảnh đất Sài Gòn này nhưng may mắn còn có cô chú giúp đỡ. Tuy họ cũng khó khăn giống bà nhưng lại có tấm lòng hào sảng, dung dị, dần dần ba người nương nhau mà sống.
Tuổi già thường đi theo với bệnh tật, bà Ba cũng không ngoại lệ. Bà kể có lần trời mưa to, bà cố gắng bám lấy cây dù rồi chẳng may bà té bị thương. Khi được đưa đi khám thì bệnh tình của bà mới "lòi" ra, nào là loét dạ dày, máu nhiễm mỡ, nhồi máu cơ tim... Với hoàn cảnh khó khăn, bán buôn mỗi ngày lây lất ít ỏi, tiền thuốc men để điều trị là một con số "khổng lồ" đối với bà.
Bà cụ bán bắp nướng 14 năm ở Sài Gòn

“Phải lạc quan lên mà sống”, bà Ba vui vẻ nói

Có ngày bán... cho vui vì bị lừa tiền giả

Nghe bà kể bà không chồng không con nên một thân một mình bơ vơ giữa thành phố hoa lệ, chúng tôi hỏi Ba có buồn không, bà cười: “Buồn cũng đâu làm được gì đâu con, phải cố vui, phải lạc quan mà sống.”
Bà kể thêm: “Có lần ông kia đến mua mấy trái bắp, ổng đưa 100.000 mà bà chỉ có 80.000 thôi. Ổng bảo bà cứ đưa trước cho ổng 80.000 đi rồi mai quay lại đưa sau. Lúc sau bà nhờ người dân ở đó phát hiện mới biết là bị lừa tiền giả, coi như ngày hôm đó bà bán cho vui vậy”.
Là khách quen của bà Ba, cô Trần Thị Tuyết Băng (sống gần đó) nói: “Dạo trước thấy chiều nào bà cũng ngồi đây bán. Ông xã cô thấy bà bán lâu lắm rồi nên hay mua ủng hộ vài cái, bắp ngon… Mà cô thấy bà tội nghiệp quá, thành ra ngày nào cũng ghé mua cho bà vui.”
Bà cụ bán bắp nướng 14 năm ở Sài Gòn

Cụ bà ngồi bán lạc lõng giữa dòng xe qua lại tấp nập của Sài Gòn.

Dạo gần đây nhiều người giới thiệu và thương tình, bà mới buôn bán khá hơn được đôi chút. Trung bình một ngày bà bán được khoảng 50 trái, mỗi trái bắp bán với giá 10.000 đồng, trừ các chi phí bà lời được 2.000 đồng/trái. Nhiều người biết hoàn cảnh bà nên thường "gởi thêm chút đỉnh" khi mua hàng, nhờ vậy mà bà mới có thể trang trải được phần nào cuộc sống.
“Mùa này mưa dai lắt rắt, người ta mới ghé ủng hộ nhiều. Chứ trời nắng buôn bán ế lắm con ạ!” bà chia sẻ thêm.
Bà cụ bán bắp nướng 14 năm ở Sài Gòn

Những trái bắp nóng thơm mùi sữa ngọt

Nhiều năm trôi qua, bà Ba vẫn sống bình dị với nghề. Tuy đã trú ngụ tại mảnh đất nắng ấm phương Nam này mấy chục năm nhưng bà vẫn phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày kiếm miếng cơm, manh áo, lo liệu thuốc men.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.