Bà giáo gần 40 năm thắp hy vọng cho học trò

20/11/2016 18:43 GMT+7

Ở cái tuổi 73, nhiều người chọn cách nghỉ ngơi. Thế nhưng, cô Trần Thị Ngời (Hiệu trưởng Trường dạy trẻ khuyết tật thính giác Hy vọng 1) vẫn tiếp tục gắn bó với nghề dạy học.

Với cô Ngời, công việc tuy bận rộn nhưng mang lại nhiều hạnh phúc.
Học từ học trò
Những năm đầu, cô Ngời là giáo viên dạy học sinh phổ thông ở Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Ngôi trường cô phụ trách giảng dạy nằm cạnh một mái ấm nuôi trẻ khiếm thính.
Cô Hiệu trưởng Trần Thị Ngời, quê ở tỉnh Tây NinhCô Trần Thị Ngời
Tại đây, cô có dịp tiếp xúc và trò chuyện với các em nhỏ khiếm thính. “Khi đó, tôi chưa hề biết về ngôn ngữ ký hiệu nên cố gắng diễn đạt bằng đôi tay cho các em hiểu. Tôi bị khựng lại bởi ánh mắt ngây thơ, sự tò mò của các em. Các em muốn được giao tiếp, chia sẻ cảm xúc vui buồn với mọi người nhưng không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ”, cô Ngời tâm sự.
Sau nhiều lần tiếp xúc với các em khiếm thính, cô nhận thấy rằng, thời điểm đó, giáo viên dạy trẻ khiếm thính chưa có. Các cô trong mái ấm chỉ phụ trách việc trông nom, lo ăn uống cho các trẻ em.
Cô Ngời cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị cho ngày lễ 20/11 sắp tớiCô Ngời cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị cho ngày lễ 20.11
Điều này là động lực để cô chuyển sang công việc dạy học cho trẻ em khiếm thính. Ban đầu, cô Ngời xin về làm việc ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP. HCM). Tại đây, cô bắt đầu học chữ nổi, dạy kỹ năng cho các em qua những công việc sinh hoạt: rửa chén, xếp quần áo… Bên cạnh đó, cô còn tìm hiểu, học hỏi ngôn ngữ ký hiệu.
Những lúc rảnh rỗi, cô chạy xe đạp rong ruổi khắp các con đường thành phố. Trên từng con phố, góc hẻm, cô tìm gặp những người câm điếc và bắt chuyện với họ. Khi tiếp xúc, cô hiểu rằng, nhiều người có mong muốn được học văn hóa nhưng không có trường đào tạo chuyên biệt. Thế là, cô tận dụng căn nhà thuê ở quận 10 mở lớp học nhỏ, mời họ về nhà dạy văn hóa hoàn toàn miễn phí. Thời điểm đó, cô Ngời đảm nhận cùng lúc 2 công việc: vừa dạy học ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và mở lớp học ở nhà.
Sau 5 năm, cô chuyển sang công tác tại Hội Chữ thập đỏ thành phố, đảm nhận công việc tập huấn kinh nghiệm cho cán bộ trong hội. Song song đó, cô vẫn duy trì lớp học tại nhà. Khi số lượng học sinh vượt quá con số 30, cô Ngời được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ thành phố xin giấy phép thành lập trường. Sau đó, cô còn nhận được sự giúp đỡ từ người quen cho mượn địa điểm mở trường dạy học ở ngay trung tâm quận 1. Đây là tiền thân của Trường Khuyết tật Thính giác Hy Vọng 1 (số 1, Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1).
“Những ngày đầu, trực tiếp đứng lớp dạy học sinh, tôi khá lung túng trong việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Tôi chưa phân biệt và nhớ hết các ký hiệu. Tôi nhầm lẫn ký hiệu này với ký hiệu khác. Tôi ra dấu bằng đôi tay chưa đúng nên các em chưa thực sự hiểu. Khi đó, tôi buồn lắm nhưng không bỏ cuộc. Tôi được học trò dạy mình ra dấu, quyết tâm tập luyện các biểu hiện trên bàn tay. Hơn 1 năm, tôi nắm bắt thành thạo và dễ dàng giao tiếp với các em. Từ đó, bọn trẻ hòa đồng, yêu mến tôi”, cô Ngời vui vẻ nói.
Điều trăn trở của bà giáo già
Ngoài việc dạy văn hóa, cô Ngời còn tập cho các trẻ em khiếm thính phân biệt được tiếng động, âm nhạc, tiếng nói… Những buổi học phục hồi chức năng, cô dành thời gian quan sát, cử chỉ của các em. Từ đó, cô tìm ra được các học trò có năng khiếu chơi được nhạc cụ và hỗ trợ dạy các em.
Bức tranh vẽ báo tường và lời chúc của học sinh nhân ngày 20/11 sắp tớiBức tranh vẽ báo tường và lời chúc của học sinh nhân ngày 20.11 
Cô còn đăng ký tham gia các lớp tập huấn chuyên môn ở nước ngoài, để áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh. Tại Trường Khuyết tật Thính giác Hy vọng 1, các em học sinh được học văn hóa ở trình độ cấp mẫu giáo, tiểu học và trung học cở sở. Gần 40 năm gắn bó với công việc dạy trẻ khiếm thính, điều mà cô Ngời trăn trở là làm sao có được trường phổ thông chuyên biệt dành cho các học sinh khiếm thính, giúp các em tiếp tục học lên cấp 3 và bước vào cánh cửa đại học.
Để có thể giúp đỡ nhiều em khiếm thính có điều kiện đến trường, cô Ngời mở thêm trường, tìm kiếm và thuyết phục các giáo viên có tâm huyết hỗ trợ đứng lớp giảng dạy. Cô tận tình chỉ dẫn từng giáo viên phương pháp dạy phù hợp. Mỗi giáo viên sẽ có sổ tay riêng, quan sát và ghi chép lại sự tiến bộ của các học sinh. Những lúc ốm đau, cô Ngời nhận được tình cảm thăm hỏi từ học trò cũ. Cô và trò cùng ôn lại những câu chuyện vui buồn. Tâm huyết với nghề sư phạm, điều quý giá nhất mà cô Ngời nhận được là nhìn thấy học trò sau khi ra trường có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Cô Trần Thị Tuyết (giáo viên tại Trường Khuyết tật Thính giác Hy vọng 1) nói về cô Ngời: “Ban đầu, tôi không học chuyên môn về sư phạm. Dịp tình cờ, tôi được quan sát cách cô Ngời tiếp xúc, chỉ dạy tận tình với các em khiếm thính. Từ đó, tôi được cô truyền cảm hứng và gắn bó với công việc dạy trẻ đặc biệt. Tôi học tập ở cô Ngời phương pháp giảng dạy học trò. Đến nay, tôi đã có cơ hội làm việc với cô hơn 27 năm. Cô là một người thầy rất tốt, thương học trò, quan tâm sâu sát đến đồng nghiệp”.
Anh Mai Trần Đỉnh Hội (cựu sinh viên trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng), anh là học sinh cũ của cô Ngời tại Trường Khuyết tật Thính giác Hy vọng 1, chia sẻ suy nghĩ về người cô của mình: “Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, mình được cô Ngời mời về công tác tại trường. Mình phụ giúp cô đảm nhận công việc văn phòng và tạo động lực cho các em học sinh ở trường cố gắng học tập tốt. Với mình, cô Ngời là người tận tâm với học sinh. Cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn dành thời gian quan tâm cuộc sống của học sinh. Mặc dù, cô dạy rất nhiều học trò nhưng cô vẫn nhiệt tình chỉ dẫn từng bạn. Mình chúc cô sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục truyền lửa nghề, mang lại niềm vui cho nhiều học sinh ở trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.