Bà huyện với thầy đề

13/06/2005 21:47 GMT+7

Thập niên 80 thế kỷ 20 có một vở cải lương hài rất được khán giả yêu thích, đài truyền hình hầu như phát sóng liên tục mỗi tháng. Đó là Ngao sò ốc hến, do NSND Năm Châu chuyển thể từ một vở chèo và NSND Ba Vân đạo diễn. Trong vở này, mỗi nhân vật đều để lại dấu ấn sâu đậm, kể cả nhân vật phụ. Đặc biệt, khán giả không thể quên hình ảnh thầy đề "dê cụ" và bà huyện dữ dằn đi bắt ghen Thị Hến do NSƯT Nam Hùng và Tô Kim Hồng thủ vai.

Ngoài đời, "thầy đề" và "bà huyện" là đôi vợ chồng hiền lành tâm đầu ý hợp. Trên sân khấu, "bà huyện" Tô Kim Hồng dữ dằn là thế nhưng ngoài đời, chị lại... nhát như thỏ đế. Từ nhỏ, chị theo cha, nhạc sĩ nổi tiếng Ba Kim Anh đi khắp đoàn. Cùng đi, lại có bà mẹ vốn là cô giáo, nên chuyện học hành không thể xao lãng. Có lẽ chính vì sự pha trộn giữa hai dòng máu nghệ sĩ - sư phạm như thế nên từ khi chính thức bước lên sân khấu năm 15 tuổi cho đến khi lấy chồng năm 37 tuổi, chị hoàn toàn khép kín trong mái ấm của mình. Đến nỗi, ký hợp đồng với các đoàn cũng phải nhờ cha ký giúp. Rồi khi lấy chồng, chị lại giao hết cho chồng.

 

Trong gia đình họ không hề có tiếng cãi cọ, trách hờn. Nghệ sĩ Nam Hùng khi lập gia đình với Tô Kim Hồng có gia cảnh rất nghèo, cố gắng vay mượn để mua một căn nhà nhỏ chưa đầy 25m2  mà hàng xóm phải cho từng cánh cửa để gắn vào. Khó khăn là thế, nhưng thay vì lo tích cóp như người ta, thì anh lại tất tả làm từ thiện, nào gây quỹ giúp nghệ sĩ già, neo đơn, nào vận động giúp Bệnh viện An Bình... Mười mấy năm gánh vác công việc của Ban Ái hữu, 20 năm chèo chống một gia đình với cha mẹ vợ đã ngoài 90 tuổi đau ốm liên miên. Tấm lòng tận tụy ấy đã khiến người vợ cảm động. Tô Kim Hồng nói: "Tôi thương ảnh từ tấm lòng đó, mới chấp nhận lấy ảnh, dù có nghèo thế nào đi nữa cũng thấy hạnh phúc". Còn Nam Hùng thì nói về vợ: "Hồng rất dịu dàng, lễ độ, không đua đòi, và cũng có tấm lòng thương người, nếu không, dễ gì tôi đi làm từ thiện được. Tôi biết mình chưa đem lại sự sung sướng cho vợ, nhưng cô ấy hạnh phúc vì niềm vui của những người mà tôi đã giúp đỡ". Thậm chí, chị còn thức cả đêm phụ với anh làm sổ sách, giấy tờ, nụ cười của chị làm anh tan hết bao mệt nhọc, lo toan.

 

Chị còn một biệt tài nữa mà anh phải khâm phục và giúp hai người thêm gắn bó. Nam Hùng vốn yêu cây cảnh, trong căn nhà ọp ẹp anh vẫn dành chỗ cho những chậu lan, từng dự thi được nhiều huy chương vàng, và mỗi khi đi hát xa anh thường sưu tầm những gốc cây về đẽo gọt thành những tượng gỗ rất đẹp. Một lần anh dẫn chị đi chơi, chị tò mò xem người ta tỉa cành, ghép cây, rồi về nhà... thử nghiệm. Anh hét lên: "Trời ơi, em làm cây của anh cụt đầu hết trơn!". Những chậu kiểng trụi lủi, rồi chết queo... Nhưng chị vẫn không nản. Cho đến lúc ông chồng phát hiện vợ mình ghép cần thăng với quất cho ra những trái tròn lắc lỉu, anh tròn mắt... Thế là, chị trở thành chuyên gia về kiểng, còn anh chỉ giỏi về lan, nên anh phải xuống nước: "Em, em, ghép giùm anh cây này đi!". "Bà huyện" có dịp lên mặt với "thầy đề"! Tô Kim Hồng cười: "Nhờ hoa kiểng mà chúng tôi thư giãn, chịu đựng nổi lúc khó khăn. Ảnh đi đâu về là bỏ hết sự đời, ra ngồi nói chuyện với cây. Có bữa, nghe ảnh lầm bầm: Mày ngu quá, tao nuôi mày mấy năm trời mà cứ trơ trơ, bây giờ tao phải đày mày mới được. Thì ra ảnh nói chuyện với cây lan". Nhìn lên một góc ban-công, những chiếc lá xanh vẫn xòe ra mượt mà như mối tình nghệ sĩ nghèo mà xanh mãi với thời gian.

 

Bây giờ, gia cảnh Nam Hùng và Tô Kim Hồng vẫn rất khó khăn. Căn nhà 24m2  quá  nhỏ cho hai vợ chồng và cha mẹ, cả hai đứa cháu côi cút nương nhờ, nên anh chị vay mượn tiền mua miếng đất ở Bình Chánh rộng hơn. Ai ngờ, chủ đầu tư không xin giấy phép nên chính quyền địa phương không cho cất nhà. Thế là mấy năm nay anh chị phải thuê nhà để ở, mà cha mẹ lại bị tai biến mạch máu não nằm liệt một chỗ, cứ vài tháng dọn đi, vất vả và tốn kém vô cùng. Nghệ sĩ bây giờ không có nơi hát thường xuyên, anh chị phải tự đứng ra bán phở, lại thua lỗ, nợ nần thêm mấy chục triệu đồng. Anh nói: "Tiền bạc không còn, đã đành, nhưng sợ nhất là ông bà có thể qua đời bất cứ lúc nào, không có nơi làm đám. Tôi đang xin chính quyền cho phép cất đỡ cái nhà lá trên miếng đất ấy, bao giờ có lệnh giải tỏa thì dỡ ra dễ dàng". Hiện giờ anh vẫn đang chờ hồi âm... Trong lúc đó, anh lại đi lo cho người khác. Lại dùng uy tín của mình để vận động, giúp đỡ hết bệnh viện này tới nhà dưỡng lão nọ. Tô Kim Hồng nhắc lại lời chồng thường nói: "Rồi sẽ vượt qua em à. Đừng lo nghĩ nhiều, có anh lo hết". Đôi vai ấy lại đưa ra cho người khác tựa vào...

 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.