Nguyễn Cao Lâm (19 tuổi), trú Q.Tân Bình, TP.HCM có gương mặt trầm tư, ít nói. Nhưng sau khi ba đột ngột mất vì Covid-19 năm 2021, ngay sau ca trực đêm bảo vệ ở chỗ làm - Lâm bỗng chốc trở thành người mạnh mẽ nhất trong gia đình, là chỗ dựa cho mẹ và em.
Đến bây giờ cũng không thể tin
Lâm kể ba từng là tài xế, sau đó bị bệnh ở mắt nên chuyển qua làm nhân viên bảo vệ. Trước ngày mất, ba chỉ bị mệt nhẹ, mẹ vẫn mua thuốc và đồ ăn để ba mang đi đến chỗ làm và dặn "nếu công ty phong tỏa, ba cứ đóng tiền cơm cùng với anh em để nấu cơm ăn tại chỗ rồi làm việc". Thế nhưng Lâm không tin nổi, chỉ sau một đêm, Lâm bỗng trở thành người mồ côi cha.
"Tối hôm trước, trước khi ba đi làm, em vẫn có ba. Nhưng sáng hôm sau, người ta nói ba đã mất. Mất vì Covid-19. Em không được nhìn mặt ba lần cuối. Ba cũng không có một đám tang như một người bình thường khi qua đời", Lâm kể.
Lâm còn một người em trai kém mình 9 tuổi. Từ ngày ba mất, căn nhà trọ ở P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM càng đìu hiu lạnh lẽo. Lâm sốc, mẹ sốc, mẹ cắt hết mái tóc dài để tang ba. Em của Lâm, sau này mỗi khi có ai đến nhà trọ hỏi thăm về người cha đã qua đời đều nói rất chững chạc: "Đừng nói tới ba, nỗi đau sâu lắm, tan nát con tim của con". Mẹ của Lâm khóc ròng rã suốt nhiều tháng. Đến tận bây giờ bà vẫn lặng lẽ khóc, bất cứ khi nào nhớ về người chồng vất vả, vắn số của mình.
Nhưng, nước mắt không thể duy trì được sự sống. Lâm và mẹ đã từng bước gượng dậy.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn bảo trợ 25 trẻ mồ côi: ‘Tình yêu đẻ ra tình yêu’
Mẹ làm đủ nghề để nuôi các con
Cô Nguyễn Thị Thiên Nga, mẹ của Lâm tần tảo làm nhiều công việc, miễn là lương thiện để có tiền nuôi hai con ăn học. Cô rửa chén thuê, bưng đồ ăn, phụ quán cà phê, phụ ở quán cháo của bạn, gom phế liệu, đi phụ việc xếp hàng lấy số cho bệnh nhân đi khám bệnh… Bạn bè thương mấy mẹ con côi cút, hàng tháng vừa phải lo tiền nhà trọ, sinh hoạt phí, tiền ăn học thì có việc gì cũng kêu cô Nga tới làm, tạo điều kiện cho cô có tiền nuôi con.
Nguyễn Cao Lâm ngoài giờ học cũng tới các quán của những người quen để làm thêm, phụ thêm đưa cho mẹ.
Cô Thiên Nga cho hay ngày chồng mới mất, Lâm - con trai lớn của cô buồn bã, sốc, không thiết tha học hành gì. Lâm nói là tốt nghiệp THPT xong thì học cao đẳng rồi mau chóng kiếm việc, có tiền. Nhưng may mắn, nhờ chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" của Báo Thanh Niên đã được triển khai ngay trong mùa dịch năm 2021, hai anh em Nguyễn Cao Lâm và Nguyễn Cao Sơn đều nhận được sự bảo trợ của các nhà hảo tâm để tiếp tục được đến trường. Em trai Nguyễn Cao Sơn được bảo trợ tới năm 18 tuổi. Còn Nguyễn Cao Lâm sau khi được bảo trợ tới năm 18 tuổi, nay đã vào đại học.
Mới đây, trong lễ ký kết hợp tác về đào tạo và truyền thông của Báo Thanh Niên và 7 trường đại học, trong đó có Trường ĐH Tài chính - Marketing, đại diện Trường ĐH Tài chính - Marketing đã trao học bổng cho Nguyễn Cao Lâm. Đồng thời, các cựu sinh viên của Trường ĐH Tài chính - Marketing biết tới hoàn cảnh của Lâm đã gửi tặng em một phần học bổng 2 triệu đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận xét Nguyễn Cao Lâm là sinh viên ngoan, có học lực khá, hiện đang học ngành tài chính ngân hàng và đang được nhà trường hỗ trợ học bổng mỗi năm học.
Mẹ của Lâm, người phụ nữ có chồng mất vì Covid-19, bộc bạch: "Tôi thật sự không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn Báo Thanh Niên, các nhà bảo trợ, biết ơn trường đại học đã hỗ trợ cho các con tôi suốt thời gian qua. Chồng tôi ngày còn sống luôn nói dù có phải bán thận thì anh ấy cũng bán để có tiền cho các con học hành. Tôi thì chua xót nói với các con trai là 'các con ơi bây giờ ba không bán thận mà đã bán mạng rồi. Các con bây giờ có sự hỗ trợ của mọi người thì ráng học hành, sau còn có thể giúp đỡ được nhiều người khó khăn khác'".
Bình luận (0)