Ba mẹ có nghĩ: Dạy con là việc khó nhất trên đời?

Người ta thường nói rất nhiều về chuyện dạy con . Con ngoan thì bảo bố mẹ dạy con tốt, không ngoan thì nói rất đau: “Đồ mất dạy!”.Thế nhưng, với tôi, trên đời này, không có gì khó hơn việc dạy con.

Hồi cu Ben nhà tôi còn nhỏ, một lần ông anh họ tôi đến chơi, cu Ben chỉ nhìn bác rồi gật đầu nở một nụ cười thân mật. Không ngờ ba mẹ cu Ben bị ông bác họ xạc cho một trận: “Chú thím dạy con cho đàng hoàng, bác đến mà giương mắt lên nhìn lại còn cười”. Vợ tôi nghe la hoảng lắm, nhưng tôi thì bảo: “Đó là cách chào thân mật nhất, em không muốn nó như con anh, thấy chú thì vòng tay lại: “Cháu chào chú” nhưng mắt thì nhìn đi nơi khác. Em chúa ghét đãi bôi”.
Vợ tôi cấu tôi, ý bảo đừng nói nữa. Nhưng cái tính tôi đã nói thì nói cho hết...
Có một lần, ra Tết, gặp, sếp tôi lúc đó trách: “Tết nhất ông không gọi điện chúc tôi một câu, không ông nhắn cái tin cũng được chớ sao im thế?”. Vì sếp đã nói ra, tức là quý mình mà nói, nên tôi mạnh dạn: “Em nói thật anh khoản ấy em kém lắm. Em cứ nghĩ công việc anh giao em làm tốt là lời chúc thiết thực nhất rồi. Còn lời hoa mỹ thì nhiều nhưng nói ra ngượng lắm!”.
Không ngờ sếp tôi bảo: “Tết sang năm ông nhắn tin cũng được!”.Ý sếp bảo, lời nói khách khí đôi khi cũng cần cho cuộc sống.Ông thiếu gì lời chúc, vắng mình tôi có sao đâu. Tôi hiểu, đây là lời khuyên chân tình.
Năm sau đó, tôi soạn một lời chúc ngắn, không có cánh nhưng chân thật, nhắn vào máy sếp. Không ngờ sau đó ông bảo: “Tôi cám ơn ông về lời chúc hôm Tết nghen!”
Ở cơ quan, tôi thường tổ chức tiệc tùng mừng sinh nhật, mừng các ngày kỷ niệm gì đó của anh em, nhưng cũng chỉ nói được một câu: “Chúc mừng sinh nhật!” là hết, không nói thêm được.
Sinh nhật hay ngày gì đó liên quan đến tôi, ai mua hoa hoặc tặng cái gì đó tượng trưng, tôi đều rất ngượng. Mới đây, tôi mới bị đau vì rạn cái xương sườn, nhưng vẫn đi làm, anh em biết chuyện hỏi han, tôi cũng ngượng. Lạ thế!
Hồi đầu đi dạy, xong mỗi chuyên đề, lớp mua một bó hoa, cử đại diện lên nói lời cám ơn và tặng hoa, tôi ngượng lắm.Bảo cả đời thầy đâu cầm bó hoa, giờ cầm đi giữa đường, ngượng chết, thầy tặng lại các em. Cả lớp nhao nhao: “Thầy ơi, thầy cầm đi thầy, cầm về đi thầy!”.Tôi cầm bó hoa, gặp ai cũng...ngượng.
Tôi là người chỉ nhiệt tình nhất khi ai đó gặp khó khăn. Hanh thông không sao nhưng lúc sa cơ lỡ vận họ thường tìm đến tôi, vợ tôi nói vui: Anh giống cái thùng rác chứa tâm sự của người thất bại.
Thế nên, ai nói chuyện dạy con thế nào tôi đều không tham gia được. Tôi thấy tôi chưa bao giờ nói với con nên thế này, phải thế kia...mà chỉ biến mọi chuyện thành chuyện kể, nhiều nhất là trong bữa ăn, mà bữa ăn gia đình là thứ mà nhà tôi giữ được đều đặn mấy chục năm nay, để cả nhà bình luận.
Cu Ben ảnh hưởng tính tôi nên cũng hơi trầm... Bé Chôm Chôm được phong là bộ trưởng ngoại giao của gia đình nhưng cũng chỉ thể hiện tình cảm bằng hành động là chính.
Chuyện này gia đình mình hiểu, nhưng người khác thì khó, gặp người khó tính, họ bảo nhà tôi...khinh người.Đành chịu.
Hồi cu Ben mới nhập học, thầy nào cũng lo lắng vì sợ cu Ben đầy đủ hơn bạn khác một ít sẽ sinh ra... ăn chơi. Tôi cười.
Học năm thứ hai, mấy thầy lại bảo, nó học báo chí mà anh không cho nó uống chút bia, cà phê cà pháo thì ra làm báo sao được?
Tôi đâu có cấm. Nhưng ép cũng không được, mỗi khi nó rất lấy làm lạ vì người ta phải uống bia, cà phê cà pháo, mất thời gian? Tính nó thế mà!
Lại bảo, cu Ben làm cán sự lớp mà trầm quá. Tôi bảo, có điều kiện thầy giao việc cho nó tự chủ, xem nó làm thế nào.
Bây giờ thì chính mấy thầy đó phàn nàn, nó đi văn nghệ, lên nhảy tứng lừng lựng trên sân khấu, kích động, kích động, không được!
Tôi hỏi: Nhưng mà nhảy có đúng, hát có hay không? Thầy bảo: hay thì có hay nhưng nhảy nhiều quá, làm bọn ở dưới nhảy theo cả đám như bọn điên.
Tôi hạ một câu: “Để cho chúng nó thể hiện bản năng của mình. Văn nghệ vốn là thứ mà con người sinh ra để bộc lộ bản năng. Còn cái kiểu thuê áo quần dân tộc, người thì trắng lốp mà múa điệu Pa cô, tôi ngượng lắm! Hay lần văn nghệ sau ông tổ chức liên hoan hip hop đi, cho chúng nó nhảy cho đã”.Ông thầy há miệng nhìn như tôi là người hành tinh khác đến.
Lại thầy nói, bọn lớp nó đá bóng máu me, lần nào cũng cãi nhau suýt đập lộn.Tôi bảo có ai tham gia nữa không, hay chỉ mình nó? Thầy bảo: Bọn nó kích động đến mức thầy H. cũng xắn tay áo nhảy vào.
Tôi tưng tửng: Thế là thành công rồi. Chơi thì chơi cho hết mình.Ăn thua cũng là điều hay!
Sinh viên năm 2, được giải thưởng cuộc thi “Mơ ước của tôi”, nhận 15 triệu về, cu cậu đưa cho mẹ cái rụp, bảo con cầm một ít chiêu đãi bạn, không chịu cầm.
Kiểm tra trong thẻ, 6 tháng chỉ thấy rút hai trăm nghìn, hỏi sao rút tiền ít, bảo, con chỉ mua xăng chứ có làm gì đâu?
Không có nh con trai nào suốt 4 năm sinh viên tự nấu cơm hàng ngày để ăn, hi hữu lắm mới ăn cơm bụi.
Anh ta không đàn đúm, cà phê, rượu trà thì anh ta làm gì nhỉ?
Chủ trương của anh ta: Học ngoại ngữ, mỗi ngày 50 trang sách, viết blog và...chơi game. Chơi trò chơi điện tử thì...hơi tốn thời gian, nhưng hồi học phổ thông, cậu hơi vất vả với môn Hóa, nhờ người dạy kèm 1 tháng, thầy dạy kèm phát hiện ra và nói với mẹ cậu: Cái anh này mà không chơi game thì anh ta không làm gì được. Kết quả là vừa chơi game vừa học, thi Hóa 9 điểm.
Vậy thì phải dạy con sao nhỉ?
Có một hôm cả nhà nói chuyện về anh trai, tôi bảo, anh Ben chưa có người yêu đó thôi, có người yêu rồi thì...gay đó.Lúc đó người yêu rủ đi cà phê cà pháo chả lẽ không đi? Đi rồi quen, không chừng con phải chi viện cho anh thêm tiền tiêu vặt.
Con gái đồng tình: Thiệt đó ba!
Nói xong thì hỏi: Thế hồi trước mẹ cũng rủ ba đi cà phê à?
Cười: Mẹ con thì ngược lại, rất ghét lê la quán xá. Có vẻ như là giống... anh Ben!
Dạy con, quả là nan giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.