Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhà tạm cư xây xong… để nhìn

12/04/2007 16:08 GMT+7

Khu nhà tạm cư 50 căn ở thị trấn Phú Mỹ, Tân Thành và 36 căn ở thị trấn Ngãi Giao, Châu Đức xây dựng xong với tổng chi phí hàng tỷ đồng. Đây là những căn nhà tạm nhằm phục vụ nhu cầu của người dân nằm trong diện bị giải toả trắng để làm các khu công nghiệp (KCN)… Thế nhưng khi những khu tạm cư xây xong thì chỉ thích hợp cho việc… để nhìn.

Ngày 12.11.2004, Ban QLDA huyện Tân Thành (chủ đầu tư) đã làm hợp đồng kinh tế giao nhận thầu xây dựng với Công ty TNHH Vĩnh Trung khu nhà tạm cư 50 căn nằm trên đường 81, thị trấn Phú Mỹ, với tổng giá trị hợp đồng hơn 2 tỷ đồng. Theo hợp đồng thì ngày 14.11.2004 Công ty Vĩnh Trung sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành sau 5 tháng. Khi hòan thành, Ban QLDA huyện đã lập biên bản bàn giao công trình cho UBND thị trấn Phú Mỹ và đưa vào sử dụng.

Thế nhưng điều trớ trêu là khi bàn giao thì không một hộ dân nào đến đây ở, dù là ở tạm thời. Chúng tôi đã có mặt tại công trình và nhận thấy: 50 căn nhà tạm từ mái nhà, vách tường, cửa chính, cửa sổ, thậm chí cả nhà vệ sinh cũng được tôn hoá 100%. Riêng nền nhà được làm bằng xi măng nhưng khi dùng gót giày gõ nhẹ thì từng mảng xi măng bểvụn. Ông Lê Thiên Văn- bảo vệ công trình cho biết: “Công trình xây dựng đã lâu nhưng không có ai đến ở vì… nóng”.

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi ông phải dùng đến bốn cái quạt máy chạy hết công suất nhưng vẫn không xua tan được cái nóng hầm hập trong nhà. Vì sao 49 căn nhà còn lại không một bóng người ở? Ông Lê Đình Luân - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Mỹ tỏ ra rụt rè: “Vấn đề này nhạy cảm, tôi khó trả lời được. Mấy anh nên gặp dân. Tôi chỉ trông coi, quản lý thôi”. Một cán bộ thị trấn Phú Mỹ cũng cho biết: “Ở trong đó như một cái lò quay heo thì ai mà ở được. Rõ ràng, đây là công trình quá lãng phí”. Thậm chí có người dân còn đánh đố “nếu cán bộ ở được là người dân chúng tôi ở được?!”.  

Nhà tạm cư ở thị trấn Phú Mỹ làm bằng tôn không ai đến ở - Ảnh: Nguyễn Long

 

Số phận của 50 căn nhà tạm Phú Mỹ sẽ “trôi” về đâu? Ông Dương Văn Lộc, phó chủ tịch UBND huyện Tân Thành cho biết: “Chúng tôi sẽ xây gạch thay tôn. Nhưng đối với Phú Mỹ hiện nay thì không thiếu nhà tái định cư. Hiện nay chúng tôi chỉ nợ 200 hộ bị giải toả trắng trong khi đó Phú Mỹ đã có hơn 1.000 lô đất tái định cư”. Như vậy, việc xây gạch thay tôn đối với 50 căn nhà tạm là lãng phí? Lúc này ông Lộc nói theo: “Có lẽ chúng tôi sẽ tháo gở vì không cần nhu cầu nữa. Mà cũng không xây tường thay đổi nữa vì đã lãng phí rồi thì không nên để lãng phí nữa”. Theo Quyết định số 1649/QĐ-UB của UBND huyện Tân Thành ký phê duyệt báo cáo đầu tư công trình xây dựng khu nhà tạm cư 50 căn hộ Phú Mỹ với vốn đầu tư là 2.544.589.671 đồng (bao gồm hạ tầng kỹ thuật, san nền, cấp nước…), như vậy bình quân một căn nhà “tôn hoá” kiểu này phải tiêu tốn của Nhà nước trên 50 triệu đồng. Vậy sự lãng phí của những công trình trên trách nhiệm sẽ thuộc về ai? 

Tuy không xây dựng nhà tạm cư kiểu “tôn hoá” như ở Tân Thành, nhưng 36 căn nhà tạm cư xây dựng xấp xỉ 3 tỷ đồng ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức cũng không có nhiều người ở. Trước tình hình đó, ngày 19.6.2006 UBND huyện Châu Đức đã “linh động” làm công văn gửi UBND tỉnh đề nghị cho phép sử dụng khu nhà tạm cư trên cho các giáo viên, CBCNVC đang công tác tại huyện thuê nhằm… tránh để lãng phí! Cho dù UBND tỉnh đã đồng ý cho chuyển khu nhà trên sang quỹ nhà ở cho thuê với mức giá 2.380 đồng/m2/tháng nhưng đến nay số người vào thuê ở chưa đến một nửa. Ông N.Đ giáo viên về hưu bức xúc: “Những căn hộ này chỉ để làm nhà giữ xe và nuôi súc vật thôi chứ ai ở nỗi”. Đến công trình này chúng tôi nhận thấy, 36 căn hộ chỉ có một bể nước sử dụng chung. Mỗi lần đi tắm, nấu cơm hay sinh hoạt khác người dân phải ra hồ xách từng xô nước rất khó khăn, bất tiện. Nhiều hộ phải tự mua ống để chuyển nước vào nhà sử dụng. Mặt sau những căn nhà này nước thải chảy lênh láng vì mùa nắng cống thoát nước nghẹt, mùa mưa tràn lên, ngập ngụa khắp nơi.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.