Ba vấn đề của kích cầu

12/12/2008 23:24 GMT+7

Hiếm có năm nào như năm 2008, Việt Nam chịu tác động liên tiếp của hai cuộc khủng hoảng trên thế giới. Đầu năm là cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu và giá lương thực - thực phẩm, làm cho lạm phát và nhập siêu cao trong năm 2007, bùng phát vào đầu năm nay.

Tình hình trên đã làm cho Việt Nam phải chuyển mục tiêu ưu tiên từ tăng trưởng nhanh sang kiềm chế lạm phát, với 8 nhóm giải pháp, trong đó nổi bật nhất là thắt chặt tiền tệ.

Hai vấn đề nóng nhất vừa hạ nhiệt thì gần cuối năm, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến nhiều mặt và nền kinh tế Việt Nam lại phải chuyển đổi mục tiêu ưu tiên từ chống lạm phát sang ưu tiên ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế, với 5 nhóm giải pháp cấp bách, trong đó nổi bật nhất là kích cầu.

Kích cầu có ba vấn đề quan trọng, đó là tiền đâu, đầu tư vào đâu và đầu tư như thế nào?

Tiền đâu là vấn đề đầu tiên. Trong các cuộc hội thảo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, gói giải pháp tài chính 1 tỉ USD, tương đương với 17.000 tỉ đồng được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, 17.000 tỉ đồng này chỉ bằng gần 2,4% tổng số vốn đầu tư phát triển theo nhu cầu, bằng khoảng 0,94% GDP. Tất nhiên, với sự eo hẹp về tài chính, thì đây là số tiền không nhỏ và chưa có tiền lệ từ trước tới nay. Vì vậy số tiền này chỉ nên coi là nguồn “vốn mồi”  để kéo các nguồn vốn khác đầu tư theo.

Vậy phải huy động được các nguồn vốn khác nhiều hơn so với dự kiến trước đây. Đối với nguồn vốn ngân hàng, ngoài việc hạ lãi suất cho vay hơn nữa (mà Ngân hàng Nhà nước đã khởi động sớm, liên tục và với mức độ khá lớn), cần đẩy mạnh thực hiện nội dung mới là cơ cấu lại nợ, bao gồm cơ cấu lại thời hạn nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao, bảo lãnh tín dụng... Giải ngân nhanh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA, nguồn ngân sách, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn tích lũy tái đầu tư của doanh nghiệp...

Đầu tư vào đâu cần có tiêu chí. Có thể có hai tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất là căn cứ vào khả năng tiêu thụ sản phẩm (cần), chứ không phải căn cứ vào sự chứng minh có đủ điều kiện đầu vào (có thể). Những mặt hàng xuất khẩu đang có trên thị trường; những sản phẩm mà cung - cầu đang mất cân đối, những mặt hàng mà hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc đang ùn ùn kéo vào lấp chỗ trống hoặc lấn chiếm thị phần.

Tiêu chí thứ hai là xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội để vừa tiêu thụ được sản phẩm tồn đọng, vừa tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm (đang là vấn đề nổi cộm), vừa tháo gỡ “nút cổ chai” của nền kinh tế, vừa là sự chuẩn bị cho bước phát triển sau này. Theo tiêu chí này thì điện, giao thông thủy lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở cho người có thu nhập thấp cần được xem xét trước. Ngoài ra, trong một số trường hợp cấp bách (mua lúa, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn...), thì hỗ trợ bù lãi suất.

Đầu tư như thế nào có nhiều nội dung, trong đó đáng lưu ý là đẩy thật nhanh, vì tình hình hiện đang diễn biến phức tạp và rất nhanh. Muốn vậy, cần rà soát các thủ tục. “Quyết liệt hơn nữa việc cải cách các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để giải phóng nhanh nguồn vốn cho xây dựng” như yêu cầu của Thủ tướng.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.