Chữ “tri điền” ở đây hàm nghĩa khá sâu, bởi “hiểu đất” không chỉ là hiểu đồng ruộng, mà còn là hiểu tất cả những gì trong tự nhiên liên quan tới đất ruộng và những giống cây trồng trên ruộng. Họ thực sự là những “bác học nông dân”. Sự tích lũy kinh nghiệm, sự nhạy cảm với thiên nhiên và với tất cả những gì liên quan tới chân ruộng, khả năng quyết đoán sau khi đã tìm hiểu và cân nhắc là những tố chất đặc biệt của những “lão nông tri điền”.
Có thể với thời gian và những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, độ tuổi của những “lão nông” sẽ ngày càng ít hơn, trẻ tuổi đã tài cao, đã thành “đại lão”, nhưng dù tuổi cao hay tuổi còn trẻ, thì khả năng tích lũy kinh nghiệm với cường độ cao vẫn là đặc điểm của những chuyên gia “chân đất” này. Đọc bài viết về ông Hai Chung - người nông dân kiệt xuất, tôi cũng như mọi người đều vô cùng khâm phục người nông dân quê Tiền Giang này.
Nhưng tôi còn có cảm giác, ông Hai Chung sở dĩ đạt những thành công lớn lao đến vậy trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu chính từ… tình yêu của ông. Đúng như ai đó đã viết trong cuốn sổ lưu niệm tại nhà ông: “Ông có tình yêu mãnh liệt với cây lúa”. Đúng là phải bắt đầu từ tình yêu, người ta mới có khát khao, có nhiệt huyết với công việc, và có tình yêu mới có những đam mê cháy bỏng và những tỉ tê tìm hiểu với đối tượng mà mình yêu. Với ông Hai Chung, “người tình” của ông là cây lúa. Ông đã yêu cây lúa bằng một tình yêu lớn lao và sâu sắc mà rất ít người bình thường có được. Vì yêu, mới tìm và mới hiểu. Quá trình tìm hiểu đó là quá trình của một nhà khoa học nghiên cứu đối tượng mình theo đuổi. Có thể ông Hai Chung đã “theo đuổi” những giống lúa tốt rất nhiều năm rồi trước khi ông được GS Võ Tòng Xuân trao cho “8 hột lúa giống IR36”, để từ đó ông nhân lên thành giống lúa kháng rầy tuyệt diệu.
Do có một số năm sống với bà con nông dân Nam Bộ trong chiến tranh, tôi nhận thấy người nông dân Nam Bộ rất nhạy cảm với thị trường, và họ biết nhanh chóng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Đó chính là ưu thế để bây giờ Nam Bộ trở thành trung tâm xuất khẩu lúa của cả nước. Với người nông dân Nam Bộ, nhất là với những “lão nông tri điền” ở đó, thì sự tích lũy kinh nghiệm làm nông luôn sóng đôi với sự nhạy cảm nắm bắt những cái mới trong kỹ thuật nông nghiệp và những đòi hỏi của thị trường.
Thanh Thảo
Bình luận (0)