Bác sĩ Nhật giúp cắt bỏ khối ung thư sớm cứu bệnh nhân Việt

14/07/2017 15:31 GMT+7

Không ít người nghĩ nhỡ mắc căn bệnh ung thư thì rơi vào 'đường cùng', tuy nhiên điều này chưa hẳn đúng mà nó còn tùy thuộc nhiều vào thời gian phát hiện và phương thức điều trị loại bỏ khối u

Cứu được nhờ thời điểm “vàng”

Ngày 13.7, bà Nguyễn Thị Ly (60 tuổi, ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) trở lại Bệnh viện T.Ư Huế để các bác sĩ chuyên ngành tái khám sau ca phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối ung thư dạ dày sớm cách nay gần 3 tuần.

Kết quả, không chỉ bà Ly và người thân mà nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cũng vui mừng khi sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt, vùng thương tổn trong cơ thể hầu như đã lành lặn.

Bác sĩ Kinoshita Koshi cùng đồng nghiệp vừa hướng dẫn vừa thao tác nội soi cắt ung thư dạ dày sớm - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Như Nguyên Phương, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện T.Ư Huế kể: bệnh nhân Ly được nội soi thông thường, tầm soát và phát hiện một thương tổn nhỏ ở vùng hang vị của dạ dày. Ngay sau đó, bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ tiến hành nội soi phóng đại (vùng thương tổn) và nghi ngờ đấy là ung thư sớm… Đúng dịp này, một số bác sĩ chuyên ngành từ Bệnh viện T.Ư Kyoto Miniren, Nhật Bản gồm bác sĩ Kinoshita Koshi, bác sĩ Kamiwatari Shoko, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý đến thăm và tổ chức hội thảo tại Bệnh viện T.Ư Huế nên hai bên phối hợp phẫu thuật, trong đó các bác sĩ phía Nhật Bản giữ vai trò “chủ công”.

Nữ bác sĩ Kamiwatari Shoko và bác sĩ Kinoshita Koshi - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

“Chúng tôi thực hiện kĩ thuật cắt hớt niêm mạc, nội soi qua đường tự nhiên, sau đó lấy thương tổn ra khỏi cơ thể nên bệnh nhân tránh được một cuộc phẫu thuật lớn. Hiện bệnh nhân đã ổn định, không có các biến chứng. Đây là kĩ thuật tiên lượng được rất tốt đối với những bệnh nhân phát hiện ung thư sớm, nếu để muộn thì ung thư sẽ phát triển qua giai đoạn xâm lấn, phức tạp và tiên lượng xấu…”, bác sĩ Phương thông tin.

Các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế theo dõi và tham gia ca phẫu thuật đầu tiên nọi soi cắt bỏ ung thư sớm - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Còn bác sĩ Kinoshita Koshi, người giữ vai trò "chủ công" ca phẫu thuật, chia sẻ: “Tôi khá căng thẳng vì có rất nhiều bác sĩ theo dõi ca mổ. Tuy nhiên, tôi rất vui mừng vì đã thực hiện kỹ thuật an toàn và cắt trọn tổn thương cho bệnh nhân. Tổn thương mà bệnh nhân gặp phải ở Nhật Bản chúng tôi đều được khuyến cáo cần cắt bỏ ở giai đoạn này để loại trừ nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tôi nghĩ rằng chỉ định cắt bỏ tổn thương này có ích cho bệnh nhân”.

Cần có chiến lược vĩ mô

Ung thư dạ dày lâu nay được xem có tỉ lệ người mắc cao hàng đầu trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, việc nội soi điều trị ung thư dạ dày không còn là phương pháp điều trị mới nhưng việc khám sàng lọc, tầm soát phát hiện ung thư dạ dày sớm ở bệnh nhân còn khá nhiều hạn chế, trong đó bao gồm cả áp lực về số lượng bệnh nhân kéo theo áp lực thời gian nội soi phải nhanh dẫn đến khó phát hiện ung thư dạ dày sớm.

Vùng thương tổn trong dạ dày bệnh nhân được xác định qua nội soi - Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Khối ung thư sớm được lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân sau gần 90 phút. Các chuyên gia khẳng định nếu phát hiện và điều trị muộn thương tổn sẽ xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể và tiên lượng rất xấu - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý, chuyên gia điều trị ung thư đang tu nghiệp tại Nhật Bản, nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (nhiễm HP) là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường là những tổn thương nhỏ (2-3 cm) nên cần chú ý quan sát kỹ thì mới có thể bắt đầu nghi ngờ, từ đó sử dụng các kỹ thuật mới như nội soi phóng đại, NBI/FICE kết hợp nhuộm màu bằng indigo carmine… để chẩn đoán. Những thao tác này thường mất thời gian.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ly tỏ ra ít đau đớn và tự tin ngồi dậy sau khi khối u được loại bỏ - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

“Trước tình trạng bệnh ung thư ngày càng phổ biến, trong đó ung thư dạ dày gây tử vong tỉ lệ cao nhất, từ những năm 1980, nước Nhật đã có chính sách can thiệp tầm quốc gia nhằm cải thiện tình hình. Chính sách này bao gồm việc phổ cập tầm soát và cắt bỏ ung thư dạ dày sớm bằng nội soi tiêu hóa, kết hợp với chiến lược tích cực diệt trừ vi khuẩn Helicobacter Pylori bằng các phác đồ phù hợp. Hiện nay tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày ở Nhật đã giảm đi nhiều; tỉ lệ nhiễm HP trong cộng đồng trẻ (dưới 20 tuổi) cũng đã được đẩy lùi xuống dưới 10%”, tiến sĩ Quý chia sẻ.

Còn bác sĩ Kinoshita Koshi cũng bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang ở giai đoạn làm thế nào để phát hiện sớm ung thư dạ dày, và việc điều trị sớm là giai đoạn tiếp theo, cần thêm một thời gian nữa mới phổ cập được… Tôi và các bác sĩ từ Nhật có thể chia sẻ những kinh nghiệm này nhưng có lẽ hệ thống y tế cũng cần phải thay đổi song song để việc bệnh nhân nội soi tầm soát từ khi chưa có triệu chứng được thực hiện nhiều hơn”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.