Bác sĩ ơi: Hở van tim 1/4 có đáng lo?

27/05/2016 15:33 GMT+7

Nhiều người khi khám sức khỏe định kỳ rất lo lắng khi thấy kết quả siêu âm tim ghi hở van tim hai lá 1/4, với mức độ này liệu có nguy hiểm?

Chị T.M.D ngụ Q.8 (TP.HCM), sau khi kiểm tra sức khỏe, đến khâu siêu âm tim cho ra kết quả hở van tim hai lá 1/4, chị D. vô cùng hoang mang, lo lắng, nghĩ mình mắc bệnh nặng phải thay van tim. Không riêng gì chị D., anh Đ.V.B, ở Q.Thủ Đức cũng hốt hoảng khi kết quả siêu âm tim cho thấy anh bị hở van hai lá 1/4. Vậy hở van tim hai lá 1/4 nguy hiểm như thế nào?
Chớ lo khi hở van tim 1/4
Theo Ths-BS Vũ Hoàng Vũ - Phó trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM, van tim là hệ thống van nằm giữa các buồng tim hoặc giữa tim và các mạch máu lớn. Các van sẽ đóng mở nhịp nhàng đúng thời điểm để giúp máu lưu thông trong tim tối ưu. Hở van tim nghĩa là van tim đóng không kín (bình thường thì đóng kín) làm cho luồng máu đi qua khe hở và gây rối loạn dòng chảy trong tim, từ đó gây tăng áp lực trong buồng tim, tim to và suy tim.

Quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim có bốn mức: hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì không phải lo lắng nhiều vì đó là chuyện bình thường, chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi; đa số các trường hợp, hở van tim 1/4 không ảnh hưởng đến dòng chảy trong tim, không gây tim to và không gây bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, trường hợp hở van tim 1/4 còn gọi là hở sinh lý vì không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người bệnh. Ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim...
Nguyên nhân gây hở van tim thường là: do bẩm sinh, tức là sinh ra đã bị hở; do thoái hóa van tim theo tuổi tác; do tự phát, tức tự nhiên bị hở van tim; do nhồi máu cơ tim…
Nếu hở van tim nhẹ, bệnh nhân thường sẽ không có triệu chứng. Nếu hở van tim nặng sẽ gây triệu chứng, điển hình như khó thở, tức ngực. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác đi kèm như hồi hộp, ho khan, phù chân. Khó thở có thể xuất hiện khi gắng sức hoặc khi hoạt động nhiều, khi nằm đầu thấp.
Siêu âm tim có khi nào bị sai ?
Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Vũ cho biết kết quả siêu âm tim phụ thuộc vào người thực hiện. Nếu người siêu âm có kinh nghiệm thì kết quả sẽ chính xác hơn người không có kinh nghiệm. Trang thiết bị cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả siêu âm tim. Với máy móc tốt, độ nhạy cao, độ phân giải cao sẽ nhìn rõ hơn, chính xác hơn so với máy cũ, máy có độ phân giải thấp.

tin liên quan

Nguyên nhân và cách phòng bệnh tim
Trung bình cứ 4 phụ nữ thì có 1 người chết vì bệnh tim, nhưng ngạc nhiên là nó không được quan tâm đúng mức, theo Healthgrades.

Ngoài ra, cần lưu ý van tim không phải lúc nào cũng cố định. Có lúc hở một chút, có lúc lại hết hở vì van tim là những cái lá rất mỏng, khi thắt lại với nhau thì kín, nhưng có khi vì một lý do nào đó hơi hở một chút nhưng sau đó lại trở về bình thường. Vì thế mới có chuyện bệnh nhân thắc mắc chỗ này siêu âm bảo hở, chỗ khác lại bảo không hở. Thực tế có khi van tim hết hở thật chứ không phải do bác sĩ siêu âm sai.
Hậu quả của hở van tim
Nhiều người cứ nghe chẩn đoán hở van tim là sợ mà không biết như thế nào là bình thường, như thế nào là nguy hiểm. Để giải tỏa nỗi lo này, theo bác sĩ Vũ, khi biết mình bị hở van tim (thường là qua siêu âm tim), bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng hở van tim này là nặng hay nhẹ, hay chỉ là hở van tim sinh lý như đã nói ở trên. Nếu hở van tim 1/4, không gây tim to, không gây khó thở thì hoàn toàn có thể yên tâm vì đây là hở van tim sinh lý. Còn khi hở van tim 1/4 mà có kèm tim to và khó thở thì cần được kiểm tra và khám kỹ hơn.

tin liên quan

Tại sao ngồi nhiều gây hại cho tim?
Nhiều nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra mối tương quan giữa thời gian ngồi (xem TV, làm việc, sử dụng máy tính, lái xe, ăn uống) với nguy cơ gia tăng đáng kể bệnh tim mạch.

Trường hợp hở van tim nặng sẽ làm tim to và cuối cùng là suy tim. Khi hở nặng, việc điều trị sẽ là thay van tim hoặc sửa van tim kèm với chế độ dùng thuốc. Nếu không được điều trị, tình trạng suy tim do hở van tim sẽ ngày càng nặng dần. Ban đầu, bệnh nhân chỉ cảm giác khó thở khi gắng sức nhiều, sau đó khó thở khi gắng sức nhẹ và sau cùng là khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Giai đoạn sau cùng là suy tim.
Làm gì khi bị hở van tim 1/4 ?
Khi được chẩn đoán hở van tim 1/4, chớ quá lo lắng. Tuy nhiên, để giữ sức khỏe tốt, bệnh nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh, theo dõi sức khỏe tim mạch thường xuyên, mức hở van nhẹ có thể giữ được trong nhiều năm và chậm tiến triển thành nặng hơn.
Cụ thể như: kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn, hạn chế ăn ít muối, ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành vì bệnh mạch vành ảnh hưởng tới cơ tim, đưa đến tăng mức độ hở van tim. Không uống cà phê vì cà phê sẽ làm nặng thêm rối loạn nhịp tim. Không uống rượu, bởi tương tự cà phê, rượu cũng làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, uống rượu nhiều có thể gây bệnh cơ tim, ảnh hưởng đến tình trạng hở van. Thêm vào đó, cần tránh tăng cân vì tăng cân quá mức có thể trở thành gánh nặng cho tim khi co bóp. Tập thể dục mỗi ngày. Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.