Bác sĩ pháp y - Kỳ 3: Đấu trí

16/01/2008 00:17 GMT+7

Tìm sự thật đã khó, bảo vệ sự thật lại càng khó; các bác sĩ pháp y chính trực đã phải đánh đổi bằng công sức, trí tuệ và cả tiền túi...

Y văn "vắc-xin"

Tháng 5.2007, tại TP.HCM xảy ra 4 ca trẻ sau khi tiêm vắc-xin có biểu hiện bất thường, có trường hợp dẫn đến tử vong. Cùng lúc đó, tại một số tỉnh cũng xảy ra những trường hợp tương tự. 

Sự trùng hợp, cộng với việc dư luận dấy lên một làn sóng lo ngại về việc sử dụng vắc-xin. Một số loại vắc-xin đã phải tạm ngưng sử dụng. Một số thân thân nạn nhân đòi kiện bệnh viện và đòi bồi thường... Nhưng khi các bác sĩ pháp y vào cuộc thì một phần sự thật không hoàn toàn như dư luận bức xúc.

Ca mới nhất xảy ra vào tháng 11.2007. Một bệnh nhi chết sau khi tiêm vắc-xin 12 giờ. buổi sáng bé còn bình thường, nhưng sau khi tiêm vắc-xin về thì có biểu hiện sốt, được mẹ cho uống thuốc hạ sốt nhưng đến tối thì bé tử vong. Mọi người, hầu như ai cũng nghĩ nguyên nhân do vắc- xin. Sáng sớm hôm sau, bác sĩ pháp y được trưng cầu để giải phẫu tử thi. "Khám nghiệm kỹ bên ngoài, chúng tôi nhận định nguyên nhân cái chết không phải do sốc thuốc. Nhưng muốn kết luận được thì phải giải phẫu, làm vi thể một cách chi li. Cuối cùng, kết quả đúng như nhận định: trẻ có bệnh lý tim phổi bẩm sinh và tử vong không phải do vắc-xin. Đây là một dạng bệnh lý hiếm gặp ở trẻ sơ sinh" - bác sĩ Phan Văn Hiếu, nói. 


Chuẩn bị tài tiệu trước khi tham gia tố tụng - ảnh:M.Đ - L.N

Nhưng trường hợp bé sơ sinh tử vong sau khi chích vắc-xin viêm gan B hồi tháng 5.2007 mới thực sự là ca hiếm nhất ở Việt Nam. Ngay sau khi chích được 5 phút, bé có biểu hiện tím tái, thở nhanh, sau đó thở hước và ngưng thở. Sau 30 phút hồi sức cấp cứu không hiệu quả, bé tử vong. Trong làn sóng dư luận lo ngại về chất lượng vắc-xin và trước bức xúc của thân nhân nạn nhân, bác sĩ pháp y được trưng cầu để xác định chính xác nguyên nhân tử vong. Sau khi khám nghiệm kỹ bên ngoài và giải phẫu khám nghiệm bên trong, nguyên nhân gây tử vong do các tác động cơ học và phản ứng phòng vệ vắc-xin bị loại trừ. Vậy thì do đâu nạn nhân tử vong? Kiểm tra thật kỹ thêm một lần, bác sĩ Hiếu quyết định giải phẫu bệnh lý tim và phổi, vì có những dấu hiệu tim bị sung huyết nặng. Toàn bộ tim nạn nhân được cố định trong formalin mang về để cắt phẫu và đọc vi thể. Khi giải phẫu đại thể, nhiều biểu hiện như động mạch vành trái bị huyết tắc một đoạn dài khoảng 2 cm, các nhánh nhỏ bị thuyên tắc rải rác... nghiêng về giả thuyết nạn nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Đến khi đọc vi thể thì giả thuyết được khẳng định chắc chắn: nhồi máu cơ tim cấp do huyết tắc động mạch vành trái. "Có thể trẻ đã bị nhồi máu từ khi còn trong bụng mẹ!" - bác sĩ Hiếu nhận định.

Kết quả được đưa ra Hội đồng y khoa xem xét trước khi công bố, không ít đồng nghiệp tỏ vẻ nghi ngờ vì "chưa bao giờ nghe trẻ sơ sinh bị nhồi máu cơ tim cấp". Nhưng trước những bằng chứng khoa học bác sĩ pháp y đưa ra, Hội đồng y khoa bị thuyết phục. Không dừng lại đó, bác sĩ Hiếu tiếp tục tìm tòi tài liệu nghiên cứu và chứng minh đó là ca trẻ sơ sinh nhồi máu cơ tim cấp đầu tiên ở Việt Nam. Khi công bố kết quả này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cử chuyên gia đến gặp ông để thẩm định lại. "Suốt hơn 2 giờ họ hỏi rất kỹ, kiểm tra lại từng chi tiết của ca bệnh và sau đó công nhận kết quả của chúng tôi là chính xác" - bác sĩ Hiếu nhớ lại. Nhưng có một điều ông không kể cho đoàn chuyên gia WHO là để có kết quả trên, ông đã vay tiền bạn bè đi mua 2 bộ tài liệu hết hơn 6 triệu đồng, đem về nghiên cứu và cho đến hôm nay nợ vẫn chưa trả hết.

"Đáo tụng đình"

 Khi được trưng cầu giải phẫu tử thi, việc đưa ra kết luận về nguyên nhân cái chết chưa phải là công đoạn cuối cùng của bác sĩ pháp y. Không ít trường hợp sau đó bác sĩ pháp y còn phải "đáo tụng đình" khi Hội đồng xét xử triệu tập, để trả lời về kết quả giám định pháp y đưa ra. Ở đó, bác sĩ pháp y không chỉ giải thích, mà đôi khi còn tranh luận với các luật sư về tính hợp pháp của kết quả giám định...

Bác sĩ Hiếu bảo mỗi cuộc tranh luận tại tòa của bác sĩ pháp y đều là một cuộc đấu trí căng thẳng, nhưng căng thẳng mấy cũng không bằng đấu trí với đồng nghiệp, mà đồng nghiệp đó lại chính là những bậc thầy trong y khoa. Chuyện xảy ra vào đầu năm 2007. Một bệnh nhân từ tỉnh T. lên mổ ruột thừa ở bệnh viện B. của thành phố và tử vong sau khi mổ. Để xác định nguyên nhân tử vong, một Hội đồng y khoa gồm các giáo sư bác sĩ nổi tiếng được thành lập. Qua xem xét toàn bộ hồ sơ bệnh án, hội đồng xác định nguyên nhân chết không do lỗi của bệnh viện.

Mọi chuyện tưởng sẽ qua, nào ngờ người nhà bệnh nhân khiếu nại, kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường. Vậy là bác sĩ pháp y được trưng cầu giám định. Toàn bộ hồ sơ bệnh án được chuyển đến pháp y để nghiên cứu. Kết quả thật bất ngờ: bệnh nhân tử vong có một phần từ nguyên nhân chủ quan của bác sĩ. Hôm công bố kết quả giám định, một mình bác sĩ Hiếu đối diện với cả Hội đồng y khoa và ban lãnh đạo bệnh viện B., trong đó có cả những người thầy đáng kính của ông. Nhiều ý kiến quyết liệt phản đối nhưng cũng không bác bỏ được kết quả giám định qua phân tích, chứng minh dựa trên những cơ sở khoa học từ chính hồ sơ bệnh án... "Kết thúc buổi tranh luận, chính người phản đối quyết liệt nhất lại là người siết tay tôi chặt nhất. Tôi hiểu đó chính là sự khích lệ của những người đi trước" - bác sĩ Hiếu nhớ lại. 

Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa kết thúc. Thẩm phán tòa án quận X. thụ lý vụ việc cho biết hiện lãnh đạo bệnh viện B. đã chính thức trưng cầu giám định pháp y Trung ương. Đem điều này trao đổi với bác sĩ Hiếu, ông khẽ cười và bảo đó là chuyện bình thường. 

Minh Đức - Lê Nga

Bài 1: Đêm đi mổ xác 
Bác sĩ pháp y - Bài 2: Phơi bày sự thật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.