Bãi biển của ai?

02/08/2010 01:28 GMT+7

Câu trả lời chắc chắn là: bãi biển không phải của người dân. Bằng chứng là nếu đi dọc bờ biển Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu... hay tận cả Phú Quốc, có thể dễ dàng thấy rằng các resort, khách sạn đang vây kín mặt tiền biển.

Phân lô bãi biển

Ở biển nhưng không thấy được biển, đó là thực trạng đáng buồn của người dân sống ven biển Phú Quốc, Mũi Né, Ninh Thuận, Quảng Nam...

Rất nhiều nơi người dân sống ven bờ biển không tìm đâu ra lối xuống biển để tắm. Và ngay cả khi tìm được đường xuống biển thì họ cũng không thể tắm vì bãi biển cũng đã thuộc về các doanh nghiệp. Nghịch lý khó tin này đang diễn ra khắp nơi, đây là vấn đề bức xúc lớn của người dân mà Thanh Niên đã nhiều lần lên tiếng.

Phế bỏ thế mạnh

“Sức hấp dẫn chủ yếu của du lịch các nước vùng nhiệt đới như VN chính là bãi biển. Bởi vậy, sản phẩm du lịch của VN nên được xây dựng xung quanh yếu tố chủ lực là bãi biển. Đó là vấn đề sống còn”, chuyên gia du lịch người Đức Paul Stoll, cha đẻ dự án Con đường di sản miền Trung, nói.

Paul Stoll là người có nhiều năm gắn bó với du lịch biển VN, hiện nay là Giám đốc Công ty quản lý khách sạn Celadon International. Tham khảo chương trình tour của các công ty lữ hành ở VN cũng cho thấy, hầu hết các tour đều kết nối với biển.

Còn theo một khảo sát của cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng - ông Boris Fabres - thì ở VN, 80% du khách chọn biển làm điểm đến và khoảng 70% điểm đến của VN là biển; dự kiến năm 2010 có khoảng 30 triệu khách tới biển, gần 20% trong số này là khách nước ngoài. Với 3.260 km đường bờ biển, 125 bãi tắm lớn nhỏ, chừng 2.270 đảo ven bờ, 44 vũng - vịnh nhỏ, 1.120 rạn san hô, 252.500 ha rừng ngập mặn và các thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam, không cần bàn cãi, du lịch biển VN chính là thế mạnh và có nhiều tiềm năng phát triển. Thế nhưng, thế mạnh đó đang bị chúng ta tự phế bỏ với cung cách khai thác như hiện nay. 

Theo ông Lương Văn Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận, hiện nay khái niệm “cộng đồng” trong các khu du lịch biển vẫn chưa ngã ngũ. Ở các huyện, thành phố có biển của Bình Thuận đều có quy hoạch bãi biển cho cộng đồng; nhưng mô hình thực hiện chưa rõ ràng, dịch vụ chưa hoàn chỉnh và rất thiếu kinh phí từ phía Nhà nước. Hiện nay, suốt chiều dài 192 km bờ biển của Bình Thuận chỗ nào cũng đã được giao cho các nhà đầu tư, tức là đất đã có chủ. Hay nói đơn giản là đất ven biển đã được “bán hết”.

Dự án “bủa vây”

Với những gì nêu trên, rất dễ hiểu khi “đất đai ven bờ biển trở thành địa chỉ của các nhà đầu cơ. Ngoài ra, đến nay vẫn chưa có một chiến lược phát triển bãi biển phù hợp nào của các cơ quan chức năng”, Paul Stoll nói thêm. Chẳng hạn, kể từ khi con đường dọc biển từ Đà Nẵng đi Hội An hoàn thành, cũng là lúc ven biển mọc lên những bờ tường của hàng chục dự án sân golf, resort, nhà hàng, khách sạn... Để triển khai các dự án này, hàng trăm hộ dân gắn bó nhiều đời với nghề biển phải di dời để giao đất ven bờ và bãi biển cho nhà đầu tư. Đất đai ở các xã vùng biển thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam) là vấn đề nóng bỏng trong nhiều năm qua khi người dân liên tục phản đối vì không đường ra biển. Họ phải vất vả đi hàng cây số mới có đường ra, trong khi không ít dự án chỉ có thể triển khai tới hạng mục... xây bờ tường rồi “treo” đó.

Hiện trạng trên còn xảy ra ở huyện đảo Phú Quốc. Mới đây, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Kiên Giang và Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đề nghị UBND tỉnh thu hồi 29 dự án chậm triển khai ở đảo du lịch này. Bãi biển Phú Quốc, địa chỉ nóng đầu tư cả trước đây và hiện nay, đang trở nên chật chội hơn với hàng trăm dự án bất động sản du lịch. Đoạn thị trấn Dương Đông, phía biển gần chợ đêm và Dinh Cậu, các dự án du lịch cũng đang bủa vây bãi biển.

Đặc biệt, khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) hiện có hàng trăm resort thu hút một lượng khách mỗi năm lên đến trên hai triệu lượt người. Riêng phường Hàm Tiến có trên 40 resort, nếu tính cả Mũi Né và phía nam TP Phan Thiết thì có đến hơn 100 resort. Resort dày ken nhau, khóa kín mặt biển. Có những resort chỉ có mặt tiền không đầy hai chục mét với chưa đầy hai chục phòng. Nếu đi dọc ven biển Phan Thiết hiện nay, kiếm không ra một thước đất trống.

 

Hàng rào lưới thép của một dự án chắn ngang bãi biển ở Ninh Thuận - Ảnh: T.Nhân

Ở tỉnh lân cận là Ninh Thuận, tình hình cũng không khá hơn. Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ (TP Phan Rang - Tháp Chàm) dài hơn 5 km, vốn nổi tiếng là một trong những bãi tắm đẹp nhất khu vực miền Trung. Cách đây hơn 10 năm, khi triển khai quy hoạch phát triển đô thị ven biển, phần lớn diện tích đất mặt tiền dọc theo bãi biển này được tỉnh Ninh Thuận phân lô, giao cho nhà đầu tư xây dựng khu du lịch, khách sạn. Hàng cây phi lao xanh tốt sát bờ biển dần biến mất, thay vào đó là các tòa nhà bê tông cốt thép.

Lấy đâu ra chỗ tắm?

Ông Dương Văn, cán bộ hưu trí ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, bức xúc: “Sau khi các khu du lịch mọc lên, người dân và du khách đi trên đường ven biển nhưng không nhìn thấy biển. Họ rào chắn tứ phía, có nơi kéo cả lưới B40 xuống tận bãi tắm, trông rất phản cảm”.

Một lãnh đạo tiền nhiệm của Sở Xây dựng Ninh Thuận giải thích, về phát triển đô thị biển mỗi địa phương có cách quy hoạch riêng, không ai giống ai. Quan điểm trước đây của tỉnh, quy hoạch phát triển đô thị biển nhằm phát triển kinh tế, chưa chú trọng đến cảnh quan mặt tiền biển. Hiện tỉnh Ninh Thuận đang thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch dải ven biển của tỉnh và quy hoạch chung xây dựng TP Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2025; tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, biển sẽ là mặt tiền của TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Đối với Bình Thuận, lý giải vì sao có quá nhiều resort quy mô rất nhỏ nằm chen nhau ở Mũi Né, ông Lương Văn Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh nói: Do luật trước đây quy định rõ, dự án trên 2 ha phải trình Chính phủ phê duyệt. Thời điểm đó (trước năm 1995) thủ tục cấp phép đầu tư cho những dự án lớn rất phức tạp. Do vậy tỉnh đã cấp nhiều dự án dưới 2 ha. “Đây là... yếu tố lịch sử”, ông Hải giải thích.

Trong một cuộc họp đầu tháng 7 rồi, một Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thừa nhận: “Không phải không có những sai lầm trong vấn đề quy hoạch bãi biển Mũi Né trước đây”. Để có sự thừa nhận về những sai lầm ấy, Bình Thuận phải mất một thời gian khá dài mới ngộ ra. Nhưng điều quan trọng là hiện nay, những sai lầm trong quy hoạch ở Mũi Né khó có thể điều chỉnh được. Sai lầm của Mũi Né là điển hình của sai lầm chung trong quy hoạch bãi biển hiện nay ở VN.

Hệ quả, suốt chiều dài hàng chục cây số bờ biển của Phan Thiết đều đã có chủ là những nhà đầu tư đến từ khắp nơi. Người dân không dễ gì vào được các bãi tắm ven bờ. Nghiệt ngã thay, dù là địa phương “giàu có” về bãi biển, nhưng hiện tại Phan Thiết với gần 300.000 dân chỉ còn một bãi tắm công cộng duy nhất là bãi Đồi Dương chật hẹp.

Người dân bức xúc

“Chúng tôi đã nói nhiều lần rồi, chỗ nào từ xa xưa là đường đi thì để đường cho dân chúng tôi đi; nhưng họ không nghe mà bán hết cả đường đi của dân cho các khu du lịch. Việc làm kè bảo vệ bờ biển mạnh ai nấy làm. Bây giờ ngay cả khu miếu Hàm Tiến của dân làng chúng tôi cũng bị đe dọa xóa sổ trước nạn xâm thực biển. Bao đời sinh sống tại đây mà giờ không có đường xuống biển, bức xúc lắm chứ nhưng chúng tôi nói có ai nghe đâu”.

(Ông Mai Um, 75 tuổi - Ban quản lý đình làng Hàm Tiến, TP Phan Thiết)

“Cả khu phố 1, P.Hàm Tiến chúng tôi còn khoảng 60 hộ dân với hơn 120 thúng chai, tối ra biển sáng vào bờ kiếm sống qua ngày. Nhưng hiện chúng tôi chỉ còn 12 mét ngang bờ biển sát với khu du lịch Hòa Bình, chỉ nhích thúng sang hai bên là bị bảo vệ của khu du lịch xua đuổi ngay. Có nhà chỉ qua khỏi con đường là xuống biển, nhưng phải đi vòng mấy cây số mới có đường xuống biển”.

(Anh Trương Lê Quang - dân chài, P.Hàm Tiến, TP Phan Thiết)

Trần Tâm - Quế Hà - T.Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.