Bãi đá cổ ở Bình Phước

05/06/2013 09:53 GMT+7

Sở VHTT&DL tỉnh Bình Phước đang tổ chức nghiên cứu bãi đá cổ được đồng bào dân tộc S’Tiêng gọi là Bãi Tiên nằm trên địa bàn xã Lộc An (huyện Lộc Ninh, Bình Phước).

Sở VHTT&DL tỉnh Bình Phước đang tổ chức nghiên cứu bãi đá cổ được đồng bào dân tộc S’Tiêng gọi là Bãi Tiên nằm trên địa bàn xã Lộc An (huyện Lộc Ninh, Bình Phước).

 

Từ lúc còn nhỏ tôi đã thấy ngôi mộ rồi. Nghe ông bà kể lại, đây là ngôi mộ có từ đời ông cố, ông sơ. Trước đây ngôi mộ có hình thù giống Kim tự tháp, được đắp bằng những phiến đá ong rất công phu, tỉ mỉ. Đến nay thì không còn nguyên hiện trạng như xưa nữa

Già làng Điểu Khê

Khoảng năm 2008, bãi đá cổ được cơ quan chức năng phát hiện là một quần thể đá ong được sắp đặt theo hình thù lạ mắt. Tuy nhiên, bãi đá cổ này được đồng bào dân tộc S’Tiêng đã biết từ trước đó rất lâu và họ gọi là Bãi Tiên, hay mộ già làng Rlem.

Truyền thuyết

Bãi đá cổ có cấu trúc gồm hai vòng đá ong, vòng bên ngoài hình tròn có đường kính 9m và vòng bên trong hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 4,5m. Xung quanh bãi đá, có rất nhiều tảng đá ong nằm rải rác khắp nơi. Tiếp xúc với chúng tôi, già làng Điểu Khê (SN 1936, xã Lộc An) kể lại: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã thấy ngôi mộ rồi. Nghe ông bà kể lại, đây là ngôi mộ có từ đời ông cố, ông sơ. Trước đây ngôi mộ có hình thù giống Kim tự tháp, được đắp bằng những phiến đá ong rất công phu, tỉ mỉ. Đến nay thì không còn nguyên hiện trạng như xưa nữa”. Cũng theo già làng Điểu Khê, trước đây khu vực này cảnh quan rất xinh đẹp với cây cối mọc xum xuê, với nhiều loài hoa rừng khoe sắc nên người dân gọi là Bãi Tiên

Theo đồng bào dân tộc S’Tiêng ở huyện Lộc Ninh, bãi đá cổ gắn liền với truyền thuyết về già làng Rlem ở Sóc Bù Gio Tó (nằm phía Đông Bắc xã Lộc An). Cách đây rất lâu đời, già làng Rlem đã đưa con cháu đến vùng này để khai hoang. Trong một lần phát rừng làm nương rẫy, ông Rlem chặt phải cây tơm tằn (tiếng S’Tiêng)- một loài cây độc nên đã bị bệnh. Vào một ngày tổ chức lễ hội phá bàu, già làng Rlem đã đến khu vực Bãi Tiên làm lễ cúng thần, nhưng khi tới nơi thì bệnh tình tái phát và qua đời. Trong lúc người dân làm lễ mai táng cho già làng Rlem thì trời đất trở nên tối đen và lạnh lẽo vô cùng khiến những người dự lễ và đồ vật đều hóa đá, tạo ra cảnh quan như ngày nay.

Bãi đá cổ ở Bình Phước
Bãi đá cổ - Ảnh: Thống Nhất

Đang được nghiên cứu

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Bảo tàng Bình Phước cho biết: “Bãi Tiên hay ngôi mộ cổ là một trong những địa điểm mang tính chất khảo cổ học và dân tộc học. Hiện tại chưa thể xác định được niên đại của bãi đá. Tuy nhiên, việc bãi đá cổ đã đi vào văn hóa, truyền thuyết của đồng bào dân tộc bản địa cho thấy nó đã có từ lâu đời. Cũng theo ông Tùng, với sự sắp xếp của các khối đá, nếu bỏ qua các tình tiết mang tính thần bí thì nơi đây là địa điểm để tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, chẳng hạn như lễ hội phá bàu, lễ cúng lúa mới…

Bãi đá cổ ở Bình Phước
Già làng Điểu Khê - Ảnh: Thống Nhất

Theo tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm khảo cổ học, thuộc Viện KHXH&NV tại TP.HCM, cấu trúc sắp xếp của các khối đá có sự liên hệ mật thiết đến nét văn hóa của người Việt cổ, do đó cần được tổ chức nghiên cứu một cách thấu đáo. Còn ông Nguyễn Quang Toản, giám đốc Sở VHTT & DL Bình Phước cho biết, sau khi phát hiện bãi đá cổ đã được báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTT& DL. Đến nay, đã có một số nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu tại khu khảo cổ này. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, cần có sự nghiên cứu một cách đầy đủ, được hội đồng khoa học thẩm định và việc này đang được gấp rút thực hiện.

Thống Nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.