Bài học đau xót về công tác cán bộ

10/12/2017 06:26 GMT+7

Quyết định khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng để làm trong sạch nội bộ.

Trước đó, cũng có Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, nhưng chỉ bị cách chức, khai trừ Đảng, còn đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị vướng vào vòng lao lý. Đảng đã rất nghiêm túc, thể hiện không có bất cứ vùng cấm nào, dù người vi phạm có giữ trọng trách đến đâu.
Cá nhân ông Thăng đau 1 thì Đảng, Nhà nước, tổ chức đau 10 phần. Chúng ta không chỉ mất đi một cán bộ cấp cao mà còn hàng chục, hàng trăm cán bộ, lãnh đạo của ngành dầu khí cũng bị liên đới trách nhiệm. Song, trong vụ việc liên quan đến ông Thăng, tổ chức phải thẳng thắn nhìn lại tại sao vừa được bầu vào Trung ương Đảng, vào Bộ Chính trị lại phải đưa ra và phải khởi tố, bắt tạm giam. Vậy quy trình làm nhân sự, tổ chức cán bộ, bầu bán như thế nào? Đảng phải nghiêm túc nhìn vào và coi đây là một bài học đắt giá.
Chúng ta có cả một hệ thống kiểm tra, giám sát Đảng từ trên xuống dưới; còn có cả thanh tra, kiểm toán... nhưng lại để một loạt sai phạm xảy ra với hàng trăm người dính líu. Lỗ hổng này nếu không bịt lại sớm thì Đảng và pháp luật sẽ bị mất niềm tin. Để đến ngày hôm nay mới xử lý ông Đinh La Thăng cũng là quá muộn, lẽ ra phải làm sớm, làm dứt điểm, kiên quyết ngay từ đầu thì còn hạn chế, khắc phục được một phần thiệt hại.
Qua vụ việc này cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng đạo đức, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ nguy hại tới uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân. Tổng bí thư đã từng nhấn mạnh, xử lý một người để cứu muôn người. Nếu chúng ta cứ bao che, cứ làm nhẹ tội lỗi của cán bộ đảng viên vi phạm, thì dân nhìn vào còn biết tin ai?
Tới đây, tôi nhất trí với quan điểm của Tổng bí thư là việc gì làm được phải làm ngay, làm dứt điểm, chống tham nhũng phải xử lý tới cùng. Tất cả những ai dính líu đến lợi ích nhóm, dùng quyền lực của mình để vơ vét, tham ô, đục khoét ngân khố phải chịu tội trước luật pháp.
Vụ việc liên quan đến ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh và nhiều người khác cho thấy việc kiểm soát quyền lực rất quan trọng. Vụ đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, bị tử hình trong quá khứ cho thấy khi có quyền lực, có điều kiện mà không bị giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì lòng tham nổi lên. Chúng ta phải rút ra bài học rất nhiều trong quản lý giáo dục rèn luyện cán bộ; trao quyền lực lớn phải đi đôi với ràng buộc trách nhiệm, kiểm tra giám sát. Thay đổi, chấn chỉnh lại công tác cán bộ, người làm công tác quản lý cán bộ phải có tấm gương tốt, trình độ cao, trong sáng. Bởi nếu không, trong trăm thứ mất mát, mất của còn làm lại được chứ mất con người, mất cán bộ là mất mát lớn nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.