Bài học từ công trường

13/03/2011 16:58 GMT+7

Nhắc đến phong trào Đoàn thanh niên trong những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ trước Đổi mới, người ta nhớ đến nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Mão với công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.

Cơ duyên đưa ông đến với hoạt động Đoàn cũng thật ngẫu nhiên. Khi chiến tranh biên giới xảy ra, đang làm Trưởng ty Thủy lợi (Quảng Ninh), ông Vũ Mão nhận nhiệm vụ tăng cường xây dựng biên giới trong vai trò Bí thư Huyện ủy Tiên Yên. Đại hội Đoàn tỉnh Quảng Ninh tổ chức mà chưa bầu được bí thư, ông lại được giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh đoàn. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV, ông được bầu làm bí thư và một năm sau đó được bầu làm bí thư thứ nhất.


Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão (trái) thăm điểm tựa biên giới Lạng Sơn mùa đông năm 1982

Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống người dân vô cùng khó khăn, lương thực thực phẩm thiếu thốn. Với vai trò trách nhiệm bí thư thứ nhất, ông cùng các đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn suy nghĩ rất nhiều để tìm hướng đi cho phong trào thanh niên cả nước. Điều quan tâm đầu tiên của ông vẫn là coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cuộc vận động “Đi tìm địa chỉ đỏ” trong thanh thiếu niên rất sôi động; tiếp đến là cuộc “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, cuộc “Hành quân theo chân Bác” đã thấm đẫm tính nhân văn, tạo niềm tin trong lớp trẻ; rồi đến phong trào Thanh niên xung phong trong thời kỳ mới với những phương thức mới đã làm nức lòng hàng vạn bạn trẻ lên đường tới những nơi khó khăn nhất. Mặc dù nhiều phong trào ra đời, song trong ông Vũ Mão vẫn trăn trở để làm sao tìm ra được mũi xung kích, mũi nhọn cho phong trào nhằm khơi dậy phong trào thanh niên cả nước. Cơ hội đã đến khi công trường trọng điểm quốc gia xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà mở ra.


Ông Vũ Mão luôn quan tâm đến công tác Đoàn và phong trào TN - Ảnh do nhân vật cung cấp

Hằng tuần, hằng tháng Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão thường xuyên lên công trường dự giao ban, góp phần giải quyết những vướng mắc, động viên thanh niên công nhân hăng say lao động. Sự tiếp sức của thanh niên cả nước đã góp phần giải quyết những khó khăn trên công trường. Cuộc sống thiếu thốn, bữa ăn không đủ no, ấy vậy mà phong trào thi đua, rồi lời ca tiếng hát vẫn cứ sôi nổi. Các đoàn ca khúc chính trị khắp cả nước đều lên công trường phục vụ. Điều mừng nhất là tiến độ trên công trường và chất lượng công trình được đảm bảo.

Theo ông Vũ Mão, bài học năm xưa của công trường thanh niên cộng sản thủy điện Sông Đà đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự. Đó là bài học cần phải có những “quả đấm thép” trong phong trào; thanh niên phải chủ động xin cơ chế, thậm chí đòi cơ chế. Tham gia xây dựng kinh tế của đất nước chính là cơ hội tạo vị thế cho thanh niên trong xã hội.

Sau khi rời T.Ư Đoàn, ông Vũ Mão chuyển sang công tác ở Quốc hội được hơn 20 năm cho tới khi nghỉ hưu. Những gì còn ấp ủ khi làm công tác thanh niên, ông luôn mang theo. Việc ban hành Luật Thanh niên, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của ông.

Với tấm lòng chân thành của người đi trước, ông Vũ Mão luôn trao đổi với các thế hệ cán bộ Đoàn về tình hình thanh niên, về việc nghiên cứu triển khai Luật Thanh niên, tạo cơ chế cụ thể cho công tác thanh niên... Ông tâm sự: “Tôi thấy mình có trách nhiệm với Đoàn, không phải chờ các đồng chí lãnh đạo Đoàn và Hội hỏi, tôi vẫn luôn chủ động chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu. Tôi còn chủ động đề xuất với Đảng những vấn đề cần quan tâm tới phong trào thanh niên”.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.