Bài toán khó khi đô thị sắp 'chết chìm'

03/10/2019 08:00 GMT+7

Mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu và hoạt động xây dựng ồ ạt đang khiến các thành phố ở Đông Nam Á bị ngập lụt ngày càng nghiêm trọng.

Trong số 10 thành phố trên thế giới có nguy cơ cao nhất bị nhận chìm dưới mực nước biển, có 4 đô thị ở Đông Nam Á, theo báo cáo mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc. Thủ đô Jakarta (Indonesia) đứng đầu danh sách, Manila (Philippines) xếp thứ hai, TP.HCM đứng thứ ba và Bangkok (Thái Lan) xếp thứ năm.

Những đô thị đang chìm

Hiện 40% trong số 30 triệu dân tại vùng đô thị Jabotabek, bao gồm thủ đô Jakarta và 2 huyện của 3 tỉnh lân cận, đang sống dưới mực nước biển, theo IPCC. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì phía đông Jakarta với tốc độ sụt lún trung bình 15 cm/năm sẽ bị nhận chìm trong biển nước vào năm 2050. Còn Manila có tỷ lệ sụt lún 10 cm/năm và đa phần là do sử dụng mạch nước ngầm ồ ạt.
Ngoài ra, báo cáo của Hội đồng Cải cách quốc gia Thái Lan và Ngân hàng Thế giới cảnh báo thủ đô Bangkok, được mệnh danh là “Venice của phương Đông”, sẽ bị nhận chìm vào năm 2030, theo tờ Bangkok Post.
Theo IPCC, tiến trình đô thị hóa ồ ạt, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, cùng với mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu khiến các thành phố ở Đông Nam Á bị quá tải, ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa. Các chuyên gia cho biết trọng lượng của các tòa nhà cao tầng ở Đông Nam Á khiến mặt đất ngày càng bị lún thấp so với mực nước biển. Một nguyên nhân khác nữa là tự ý khai thác mạch nước ngầm để sinh hoạt.

Chật vật tìm lời giải

Nhiều nước Đông Nam Á đang tìm hiểu mô hình của Hà Lan, vốn nổi tiếng với hệ thống đê điều chống lũ hiệu quả. Hiện kỹ sư Hà Lan đang hỗ trợ chính quyền Jakarta thực hiện dự án xây đê biển (giai đoạn 2014 - 2025) với chi phí 42 tỉ USD (gần 975.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo đê biển có điểm yếu là nguy cơ bị vỡ và nước biển đổ dồn sang khu vực khác. Lúc này, di dời dân được xem là một lựa chọn khả dĩ.
Hồi tháng 8, chính phủ Indonesia công bố kế hoạch dời thủ đô sang tỉnh Đông Kalimantan vào năm 2024, theo tờ The Jakarta Post. Khoảng 1,5 triệu nhân viên chính phủ Indonesia cùng gia đình sẽ phải di dời, nhưng giải pháp này được đánh giá là tốn kém chi phí.
Một biện pháp khác là trồng lại rừng đước vốn từng bị tàn phá trong quá trình đô thị hóa ở Đông Nam Á. Nghiên cứu của Đại học Southampton (Anh) chỉ ra rằng cây đước giúp giảm xói mòn và ngăn chặn dòng nước lũ.
Ngoài những giải pháp kể trên, chuyên gia John Englander, Giám đốc Viện Nghiên cứu mực nước biển quốc tế, cho rằng chính phủ các nước trước mắt nên ngay lập tức nâng cấp hệ thống thoát nước, siết chặt quy định về xây dựng, khoanh vùng khu vực có nguy cơ bị ngập lụt cao nhất.
Chẳng hạn, chính phủ Singapore hồi tháng 8 tuyên bố chi ngân sách 400 triệu SGD (khoảng 6.700 tỉ đồng) để nâng cấp hệ thống thoát nước trong vòng 2 năm tới, theo tờ The Straits Times. Riêng Trung tâm nghiên cứu khí hậu do chính phủ mới thành lập sẽ nhận ngân sách 10 triệu SGD để nghiên cứu giải pháp ứng phó mực nước biển tăng.
Ở Philippines, chính phủ đã trích ngân sách 23,5 tỉ peso (khoảng 10.492 tỉ đồng) cho dự án chống ngập, bao gồm mở rộng hệ thống cống thoát nước. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ với tốc độ đô thị hóa cùng nhiều yếu tố khác nên tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa ở thủ đô Manila vẫn tiếp diễn, theo tờ The Philippine Star.
Trong nghiên cứu được công bố hồi tháng 5, Giáo sư Jonathan Bamber thuộc Đại học Bristol (Mỹ) dự đoán biến đổi khí hậu có thể khiến mực nước biển tăng 2 m vào năm 2100, theo BBC. Nếu điều này xảy ra thì thế giới sẽ mất đi 1,8 triệu km2 đất, bằng diện tích Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh cộng lại, đe dọa đời sống của 187 triệu người dân, theo ông Bamber.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.