Nếu đàm phán thành công với AVG về vấn đề bản quyền truyền hình (BQTH), coi như Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF đã “ghi” được bàn thắng đầu tiên đầu mùa giải mới.
Va chạm giữa các đài với AVG
Dư luận chắc chắn biết rất rõ, trước mùa giải 2011 vào cuối năm ngoái, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã gây chấn động bằng một bản hợp đồng có thời hạn “kỳ lạ” chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá nước nhà: Trong 20 năm (từ năm 2011 đến năm 2030), AVG là đơn vị duy nhất được quyền sở hữu và khai thác BQTH các giải thi đấu của VFF với số tiền của năm đầu tiên là 6 tỉ đồng (trên thực tế chỉ là 4,5 tỉ đồng vì còn trừ thuế VAT) và lũy tiến mỗi năm.
Mua được BQTH những giải đấu hấp dẫn nhất VN, AVG lập tức tuyên bố sẽ miễn phí cho các đài truyền hình lớn nhỏ trong nước. Bước sang năm thứ hai - mùa giải 2012, hành động tưởng như rất fair play ấy được AVG nhắc lại, nhưng theo chúng tôi được biết, AVG miễn phí kèm… điều kiện: Các đài không chỉ tiếp sóng trận đấu do AVG phân phối mà còn phải phát luôn cả logo AVG lẫn toàn bộ khung quảng cáo mà AVG đã bán được cho các doanh nghiệp. Với VTV - đài quảng bá lớn nhất nước, AVG đã đưa ra một yêu cầu rất trái khoáy là ở mỗi vòng đấu, AVG được chọn trước 6 trận, trận còn lại mới đến tay VTV. Tất nhiên, không đơn vị truyền hình nào có thể chấp nhận những sự “hào phóng” này. Và hậu quả lập tức xuất hiện, vòng sơ loại Cúp quốc gia 2012 ngày 18.12 vừa qua, nhiều trận đã không đến được với người xem bởi nhiều đài hoàn toàn đứng ngoài cuộc.
Liệu V-League hay giải hạng nhất sắp khởi tranh có bị chịu chung số phận như Cúp quốc gia nếu các đài cùng lên tiếng tẩy chay AVG?
VPF vào cuộc
Tiên lượng được sự việc, tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất Công ty VPF vào giữa tháng 12, bầu Kiên - Phó chủ tịch HĐQT VPF đã chính thức tuyên bố: VPF sẽ đàm phán lại cùng AVG để đạt giá trị hợp đồng cao hơn với khoảng thời gian phù hợp hơn (tối đa chỉ 3 năm thay vì 20 năm). Trong hợp đồng, tổng khoản tiền mà AVG trả cho VFF trong 20 năm là gần 338 tỉ đồng, nhưng theo HĐQT VPF khoản tiền này quá “bèo” so với tiềm năng bóng đá VN, bởi khai thác thương quyền bóng đá sẽ đem lại cho AVG số lãi khổng lồ, gấp nhiều lần khoản 338 tỉ nói trên.
Ông Lưu Quang Lãm, Phó tổng giám đốc Công ty VPF phụ trách truyền thông, khẳng định với Báo Thanh Niên vào hôm qua: “Trong tuần này, chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với AVG để tháo gỡ những khó khăn đang mắc phải. Chúng tôi vẫn cố gắng tôn trọng bản hợp đồng đã ký nhưng cũng sẽ đặt ra phương án tốt nhất trong việc chia sẻ quyền khai thác thương mại và BQTH một cách phù hợp, nhằm đảm bảo lợi ích các bên có liên quan. Bài toán kinh tế không phải là điều quan trọng nhất, mà VPF thực sự mong muốn các giải đấu được quảng bá rộng rãi hết mức có thể trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua phát thanh, truyền hình… Có khán giả xem là một tiêu chí khẳng định sự thành công của giải. Chúng tôi sẽ xem xét lại hợp đồng là AVG được độc quyền dạng nào để đàm phán lại. Nếu điều khoản ghi rõ là AVG chỉ độc quyền phân phối lại trận đấu cho các đài có nhu cầu thì việc AVG không phát sóng sạch vấp phải sự phản ứng là điều dễ hiểu”.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, một điều khoản trong bản hợp đồng được ký với VFF ghi rõ: AVG là đơn vị đại diện duy nhất của VFF tuyên truyền rộng rãi cho hệ thống các giải bóng đá do VFF tổ chức. Nếu các đài thẳng thừng nói không với AVG, có thể coi AVG đã vi phạm hợp đồng lắm chứ!
Lan Phương
Bình luận (0)