Bản báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài: Chỉ tham khảo, không dựa vào đó để ra quyết định đầu tư

10/09/2007 10:44 GMT+7

(TNO) Từ 14h đến 16h chiều nay (10/9), Báo Thanh Niên phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc và một số chuyên gia chứng khoán với chủ đề "Góc nhìn về những bản báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài và trong nước đối với TTCK Việt Nam".

Khách mời của buổi giao lưu có: Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Công ty CK Biển Việt.

Nội dung của buổi giao lưu trực tuyến này xoay quanh việc nhà đầu tư nên sử dụng các kết quả nghiên cứu về thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức tài chính quốc tế như Merrill Lynch, HSBC, Citibank... như thế nào? Đằng sau các bản báo cáo này là gì? Vì sao vào thời điểm hiện tại, các công ty chứng khoán trong nước liên tục đưa ra các bản nhận định, đánh giá về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam? Các bản báo cáo, đánh giá của các công ty chứng khoán trong nước khác gì so với các bản báo cáo của các tổ chức tài chính như Merrill Lynch, HSBC... Dưới đây là toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến.

* Báo cáo của tổ chức tài chính như Merill về TTCK Việt Nam khác như thế nào với các báo cáo của các công ty CK trong nước? (nguyen van vu, 27 tuổi, Nam, vinh long, nhan vien)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Theo tôi mỗi tổ chức đều có quyền đưa ra các bản đánh giá, nhận định về TTCK. Tuy nhiên, cách tiếp cận các dữ liệu phân tích giữa các tổ chức đầu tư trong nước và các tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ khác nhau.

Mặt khác, quy trình phân tích, đánh giá cũng như các tham số xác lập mô hình ở mỗi tổ chức đều có sự khác nhau. Về cơ bản cách tiếp cận dữ liệu của các tổ chức phân tích trong nước thường cập nhật và có độ chính xác cao hơn. Ngoài ra, các dữ liệu phân tích bổ sung cũng chính xác hơn. Trong khi đó dữ liệu thu thập của các tổ chức phân tích đầu tư nước ngoài thường chậm và trong một số trường hợp là không chuẩn xác.

Tôi có thể ví dụ: như trường hợp bản báo cáo của HSBC đưa ra trước đây chỉ do 3 nhân viên từ Hồng Kông tới Việt Nam thu thập trong vòng một tuần tại một số tổ chức nên kết quả sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết về mặt số liệu, tính cập nhật. Chưa nói đến trường hợp có thể nhầm lẫn số liệu trong quá trình tính toán.

Trường hợp báo cáo của Merill Lynch (ML) cũng có những điểm tương đối khác biệt với đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế khác. Ví dụ: Vào tháng 2/2006, ML đưa ra bản đánh giá khá lạc quan về TTCK Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư có thể đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam sau đó chờ cơ hội tăng giá "mua một chiếc xe máy sau đó sẽ thành xe BMW". Mới đây, vào tháng 7/2007, ML lại đưa ra những đánh giá hơi ngược chiều so với các tổ chức khác. Họ cho rằng cơ hội đầu tư vào Việt Nam vào thời điểm hiện nay là không tốt và cần chuyển hướng vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trên thực tế số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng trong hơn một tháng qua và tỷ trọng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài vẫn lớn hơn lượng bán ra, mặc dù TTCK Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của TTCK toàn cầu trong đó có trào lưu rút vốn khỏi TTCK Châu Á.

Ông Nguyễn Quốc Phong (phải) - Phó tổng biên tập báo Thanh Niên tặng hoa cho ông Nguyễn Sơn. Ảnh Trường Sơn

* Được biết công ty CK Biển Việt cũng từng có 1 bản báo cáo về thị trường được đánh giá khá cao, tập trung chủ yếu vào CBV-index, vậy chỉ số CBV phục vụ cho những đối tượng nào là chính? (Nguyễn Thị Diễm, 22 tuổi, Nữ, Q.Bình Thạnh TPHCM, Kế toán)

- Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Công ty CK Biển Việt: Chỉ số CBV index được lập ra với hai mục đích chính:

1. Như một hàn thử biểu đo "nhiệt độ" TTCK niêm yết toàn quốc. Thay vì phải quan sát cùng một lúc chỉ số của hai sàn giao dịch CK niêm yết của Hà Nội và TP.HCM, nhà đầu tư chỉ cần quan sát chỉ số CBV index và biết được ngay tình hình tổng quan của TTCK niêm yết toàn quốc.

2. Chỉ số CBV index là một công cụ đầu tư chứng khoán cho các các công ty quản lý quỹ. Đầu tư vào chỉ số hay đầu tư vào một danh mục đầu tư bao gồm nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là rất phổ biến.

Ông Nguyễn Quốc Phong (phải) - Phó tổng biên tập báo Thanh Niên tặng hoa cho ông Vũ Đức Nghĩa. Ảnh Trường Sơn

* Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì tiến độ mở room cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện như thế nào? (Trần Thanh Vân, 33 tuổi, Nam, ĐLTV, Điện Lực)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Về lộ trình cam kết trong WTO trong lĩnh vực chứng khoán, VN sẽ cho phép thành lập công ty CK, Công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài và mở chi nhánh các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán nước ngoài tại VN sau 5 năm kể từ khi VN gia nhập WTO. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình phát triển TTCK VN so với lộ trình cam kết, UBCKNN đang trình Chính phủ cho phép các công ty quản lý quỹ nước ngoài được mở chi nhánh tại VN sớm hơn so với lộ trình cam kết.

Đối với đầu tư gián tiếp, theo cam kết WTO và quy định tại Luật Đầu tư lộ trình mở cửa cho phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào: (1) danh mục ngành nghề lĩnh vực kinh doanh không cho phép nước ngoài tham gia; (2) lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; (3) hoặc lĩnh vực không hạn chế.

Hiện nay, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp niêm yết là 49%, trong đó đối với các ngân hàng thương mại là 30%. Đối với các công ty chưa niêm yết trên TTCK tỷ lệ tham gia nước ngoài là 30%. Về lâu dài Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để nâng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK theo như quy định tại Luật Đầu tư. Việc nâng room của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được xử lý trong tổng thể các giải pháp phát triển vĩ mô của thị trường, chứ không chỉ vì mục đích là tăng giá cổ phiếu nhất thời trên thị trường.

* Tai sao cac to chuc tai chinh nuoc ngoai trong mot thoi gian rat ngan lai dua ra danh gia ve TTCK Viet Nam trai nguoc nhau? Muc dich cua ho la gi? Nha dau tu VN nen dua vao nhung danh gia nay khong? (to Viet tai, 46 tuổi, Nam, 28 Tran Van DuTP HCM, Kinh doanh)

- Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Công ty CK Biển Việt: Việc nhà đầu tư nhận được các thông tin trái ngược nhau trên TTCK là một việc rất phổ biến và được coi như là bình thường trên các TTCK phát triển. Ví dụ như ở Mỹ hay Hồng Kông, các nhà đầu tư luôn nhận được các thông tin trái ngược nhau của các tổ chức tài chính đầy uy tín như: Lehman Brothers, Merrill Lynch, hay Morgan Stanley là điều rất bình thường. Nhà đầu tư Việt Nam cần liên tục trau dồi kiến thức và tìm hiểu các kiến thức và công cụ tài chính mới đang được sử dụng rộng rãi trên các TTCK quốc tế.

* Các nhà đầu tư nên sử dụng các kết quả nghiên cứu về thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức tài chính quốc tế như Merrill Lynch, HSBC, Citibank... như thế nào? (Hữu Hưng, 25 tuổi, Nam, Hà Nội, Nhân viên văn phòng)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Nhìn chung, các bản phân tích đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những bức tranh đa dạng, nhiều chiều về TTCK VN. Phần lớn các bản báo cáo này đều do đội ngũ các chuyên gia phân tích có kinh nghiệm trên thị trường vốn quốc tế đánh giá bình luận nên có cơ sở vững chắc về phương pháp luận. Vì vậy, nó có giá trị tham khảo rất lớn đối với không chỉ nhà đầu tư mà còn có giá trị đối với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về phát triển thị trường vốn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK VN các dữ liệu phân tích và môi trường vĩ mô có nhiều điểm khác biệt nên báo cáo phân tích của các tổ chức nước ngoài chỉ nên nghiên cứu mang tính tham khảo, chứ không nên dựa hoàn toàn vào các nhận xét này để đưa ra quyết định đầu tư theo khuyến cáo của họ. Thực tế cho thấy ngay cả bản đánh giá của các chuyên gia HSBC Hồng Kông về TTCK VN cũng không được giám đốc điều hành HSBC Việt Nam đồng thuận vì cách tiếp cận các dữ liệu phân tích chưa thực sự khách quan.

* Thưa ông Sơn, xin cho biết thời điểm này có nên đầu tư vào TTCK VN hay không, và đầu tư như thế nào là có hiệu quả nếu như nhà đầu tư là người lao động? (nguyễn văn vũ, 27 tuổi, Nam, vũng liêm, vĩnh long, nhân viên)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Rất khó để có thể đưa ra lời khuyên bạn nên đầu tư vào thời điểm này hay không. Tuy nhiên, các dữ liệu phân tích trên thị trường cho thấy: môi trường kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; mức chỉ số VN-Index 900 điểm, hệ số P/E và bản báo cáo hoạt động tài chính của các công ty niêm yết trong 8 tháng qua cho thấy đây là thời điểm mà nhà đầu tư có thể đầu tư thích hợp.

Còn đầu tư vào công ty nào, đầu cơ ngắn hạn hay dài hạn là phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của từng nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư không chuyên nghiệp (người lao động), theo tôi, nên đầu tư thông qua các định chế quỹ đầu tư hoặc tài khoản ủy thác (quản lý danh mục đầu tư) sẽ giảm thiểu được các rủi ro.

* Các bản báo cáo và nhận định của các công ty chứng khoán trong nước về thị trường chứng khoán được làm như thế nào? Nó có thực sự là minh bạch? (Hữu Hưng, 25 tuổi, Nam, Hà Nội, Nhân viên văn phòng)

- Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Công ty CK Biển Việt: Các bản báo cáo của các tổ chức tài chính trong nước được làm dựa trên những thông tin và kiến thức tài chính và chứng khoán tốt nhất có thể có được của các tổ chức tài chính trong nước. Cụ thể ở đây là công ty chứng khoán. Tuy ban đầu chúng ta chưa được trang bị nhiều các công cụ và kiến thức tài chính chuyên sâu để các bản báo cáo của các tổ chức tài chính trong nước đạt bằng tiêu chuẩn của các bản báo cáo TTCK toàn cầu được lập ra hàng năm bởi các tổ chức uy tín nhất như Merrill Lynch, CitiGroup hay Morgan Stanley. Nhưng với lợi thế về truy cập thông tin và sự ham học hỏi, nắm bắt kiến thức tài chính rất nhanh, trong một thời gian không xa, các tổ chức tài chính trong nước sẽ có được những bản báo cáo TTCK Việt Nam không hề thua kém mà còn có thể vượt trội hơn so với các bản báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài về TTCK Việt Nam.

* Tôi có thể lấy thông tin của các kết quả nghiên cứu về TTCK Việt Nam của các tổ chức tài chính quốc tế ở địa chỉ nào? (trần nam việt, 28 tuổi, Nam, Duy Xuyên - Quảng Nam, kế toán)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Cách tiếp cận các bản phân tích, đánh giá phổ thông nhất là truy cập vào các trang web của các tổ chức tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, một số bản phân tích, đánh giá của các tổ chức quốc tế không cung cấp miễn phí cho khách hàng thông qua việc post lên mạng mà cung cấp thông qua tổ chức tư vấn có thu tiền đối với khách hàng của mình. Theo tôi biết hiện nay có rất nhiều tổ chức tài chính Việt Nam mua thông tin từ các tổ chức tài chính quốc tế sau đó cũng cấp lại miễn phí cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, những bản cung cấp này thường chậm hơn so với thời điểm đánh giá đưa ra.

Ông Nguyễn Sơn (phải) - đang trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Trường Sơn

* Các báo cáo của tổ chức tài chính trong và ngoài nước trong thời gian qua là rất nhiều trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) đi xuống là ý gì? Đó có phải là đòn tâm lý hay không? (Nhiều bạn đọc)

- Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Công ty CK Biển Việt: Các bản báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài khác với các bản báo cáo của các tổ chức tài chính trong nước ở những điểm sau đây:

1. Các tổ chức tài chính nước ngoài khi đưa ra bản báo cáo thường đứng trên quan điểm các công ty quản lý quỹ lớn. Họ thường có một danh mục đầu tư toàn cầu, bao gồm các thị trường chứng khoán của những nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, và các nước Tây u; thị trường chứng khoán của những nền kinh tế mới nổi, đại diện tiêu biểu là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin và Nga (và TTCK Việt Nam được đánh giá là một thị trường chứng khoán mới nổi - emerging market). Chính vì vậy, danh mục đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế là rất rộng, trải dài trên nhiều quốc gia. Trong khi đó, các tổ chức tài chính trong nước làm bản báo cáo trên quan điểm giới hạn trong một quốc gia là Việt Nam.

2. Các tổ chức tài chính nước ngoài thường tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng từ trên xuống. Tức là họ nhìn tổng thể nền kinh tế vĩ mô và vị trí của Việt Nam đối với thị trường chứng khoán toàn cầu và sau đó đi sâu vào các ngành kinh tế chính, cuối cùng mới là các công ty cụ thể để đầu tư.

Với hạn chế về thông tin nên các tổ chức quốc tế khi làm bản báo cáo có nhiều khó khăn hơn so với các tổ chức tài chính trong nước (có thể tiếp cận được những thông tin tài chính của từng công ty cụ thể trên thị trường chứng khoán, ví dụ như các bản báo cáo tài chính của các công ty niêm yết lẫn các công ty OTC). Với lợi thế về thông tin, bản báo cáo của các tổ chức tài chính trong nước có thể tiếp cận theo hướng từ dưới lên hoặc từ trên xuống.

3. Mặc dù các tổ chức tài chính trong nước lúc đầu còn thiếu nhiều công cụ và kiến thức về tài chính để lập ra các bản báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam theo chuẩn quốc tế. Nhưng Việt Nam ta với truyền thống là một dân tộc thông minh và hiếu học nên nhanh chóng tiếp nhận các kiến thức và tư tưởng mới của thị trường tài chính quốc tế vào Việt Nam. Về lâu dài, chắc chắn rằng các bản báo cáo của các tổ chức tài chính trong nước sẽ không hề thua kém so với các tổ chức tài chính nước ngoài về phương diện chuyên sâu.

Việc các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đưa ra rất nhiều các bản báo cáo gần đây thể hiện sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của TTCK VN về cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Đấy không phải là một đòn tâm lý mà là một "văn hóa chung" của các TTCK phát triển trên thế giới khi thông tin tới nhà đầu tư từ rất nhiều chiều. Nhà đầu tư lúc đó phải có một kiến thức vững vàng để quyết định lựa chọn thông tin trong quá trình đầu tư. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu rộng của các tổ chức tài chính nước ngoài đối với Việt Nam.

TTCK VN thuộc nhóm thị trường CK mới nổi. Nhưng có rất nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các TTCK mới nổi khác trên thế giới.  4 điểm nổi trội nhất được liệt kê sau đây:

1. Việt Nam có một nền kinh tế và chính trị rất ổn định và phát triển bền vững đặc biệt là gần đây nhất khi dự trữ ngoại tệ quốc gia lên tới 22 tỉ USD, tương đương với gần 90% tổng giá trị thị trường của TTCK niêm yết. Với dự trữ ngoại tệ quốc gia lớn như vậy là một điểm tựa vững chắc cho TTCK. Trong năm 2007, tuy xuất khẩu thấp hơn so với nhập khẩu, nhưng đối với Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới thì Việt Nam xuất siêu.

2. TTCK Việt Nam có một danh mục rất đa dạng bao gồm các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, khác với các thị trường chứng khoán mới nổi khác trên thế giới có đặc tính là danh mục các công ty rất hẹp và thường là các công ty thuộc ngành nguyên vật liệu thô. Do vậy khi nhu cầu nguyên vật liệu thô trên thế giới giảm sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới các thị trường CK mới nổi này. Nhưng TTCK Việt Nam thì khác hẳn, phần lớn các công ty có tổng giá trị thị trường lớn nhất trên TTCK niêm yết là các công ty tài chính, dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp, vận tải. Đó là một ưu điểm nổi trội của TTCK  Việt Nam so với các TTCK mới nổi khác trên thế giới.

3. Việc đưa chứng khoán OTC tập trung tại Trung tâm giao dịch CK thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm thông tin và hỗ trợ cho các tổ chức trong và ngoài nước hiểu rõ hơn và có nhiều thông tin hơn về thị trường này. Đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, việc tìm hiểu và minh bạch về thông tin của các công ty trên các sàn giao dịch là rất quan trọng. TTCK Việt Nam sẽ ngày càng trở nên minh bạch và rõ ràng với các tổ chức tài chính quốc tế.

4. Việt Nam là một dân tộc thông minh và rất hiếu học. Dân trí và kiến thức chứng khoán là một nền tảng rất quan trọng trong quá trình phát triển TTCK. Với ưu điểm đó, TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ rất phát triển và ngày càng vượt trội hơn so với TTCK các nước khác.

Ông Vũ Đức Nghĩa (trái) - đang trả lời trực tuyến các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Trường Sơn

* Thưa ông Vũ Đức Nghĩa, cá nhân ông kỳ vọng vào TTCK cuối năm nay thế nào? Xin cảm ơn ông! (phuong, 27 tuổi, Nam, nghia tan, cau giay, ha noi, tu do)

- Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CK Biển Việt: Với 4 điểm chính như đã vừa trình bày với bạn đọc, TTCK Việt Nam là một TTCK mới nổi của thế giới, với những ưu điểm nổi trội hơn rất nhiều so với các TTCK mới nổi khác, cá nhân tôi rất tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng đặt nhiều kỳ vọng và đầu tư ngày càng nhiều vào TTCK Việt Nam. Về trung và dài hạn, tôi tin rằng TTCK nước ta sẽ phát triển bền vững và lâu dài.

* Hiện tại thì tình hình TTCK Viet Nam có chiều hướng giảm xuống so với ''thời kỳ hoàng kim'' cách đây 1, 2 năm. Nhìn chung thì đó là biểu hiện ''đi xuống'' nhưng theo 1 số ý kiến khác thì đó lại là biểu hiện của sự điều chỉnh về chiều sâu của TTCK hay nói cách khác là về sự hiểu biết và đầu tư một cách chín chắn và am hiểu hơn của các nhà đầu tư chứ không còn a dua theo phòng trào như truớc đây nữa. Xin cho biết ý kiến của chuyên gia về nhận xét này? Và với tình hình TTCK hiện tại thì liệu trong tương lai TTCK sẽ có chiều hướng phát triển như thế nào? Xin cho biết có những chính sách hay biện pháp cụ thể nào của chính phủ và các bộ ngành liên quan để thúc đẩy TTCK đi lên trong tình hình "rớt giá" hiện nay? (mai văn vinh, 20 tuổi, Nam, 332/104e,dương quảng hàm,f.5,gò vấp, sv)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Đúng như nhận định của bạn, sau quá trình tăng trường "nóng" vào cuối năm 2006 và những tháng đầu năm 2007, TTCK VN đã có những điều chỉnh sâu để trở về "quỹ đạo" hợp lý của nó. Đây cũng là thời điểm nhà đầu tư có thể nhìn nhận, đánh giá về cách thức đầu tư của mình, không thể đầu tư chứng khoán một cách đơn giản là bỏ tiền vào mua cổ phiếu của bất cứ công ty nào mà không quan tâm đến báo cáo tài chính, quản trị công ty, chiến lược kinh doanh... để rồi chờ cơ hội tăng giá trong tương lai. Sự điều chỉnh của thị trường dẫn đến sự thua lỗ của một số đông các nhà đầu tư mới sẽ là bài học kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán.

Nhận định về TTCK từ nay đến cuối năm, theo tôi có rất nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cơ hội đối với nhà đầu tư trên TTCK: đó là tăng trưởng kinh tế ổn định, các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, lượng cung hàng cho thị trường tốt và nhiều cổ phiếu tiềm năng của các doanh nghiệp nhà nước IPO ra thị trường, dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh vào VN...

Về các giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường từ nay đến cuối năm, cơ quan quản lý đang tập trung vào nhóm các giải pháp sau: xem xét giãn tiến độ IPO cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa theo lộ trình thích hợp; khuyến cáo các doanh nghiệp huy động vốn gắn liền với hiệu quả sử dụng vốn, tránh phát hành tràn lan gây lãng phí sử dụng vốn; sử dụng nguồn thặng dư vốn để mua lại cổ phiếu quỹ nhằm hạn chế sự xuống giá cổ phiếu để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho công chúng đầu tư; hoàn thiện hệ thống công nghệ để triển khai giao dịch từ xa đối với SGDCK, TTGDCK; hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách để hỗ trợ thị trường. Tháo gỡ rào cản để thu hút và kiểm soát các dòng vốn đầu tư nước ngoài; xem xét, kiến nghị về các rào cản hạn chế cấp tín dụng đối với hoạt động đầu tư CK của các ngân hàng thương mại trên cơ sở áp dụng các hạn mức khác nhau đối với tiêu chí hoạt động của các ngân hàng khác nhau...

* Tôi rất thích bản đánh giá thị trường CK 6 tháng đầu năm vừa qua của Biển Việt. Nhưng có ý kiến cho rằng Biển Việt công bố chỉ số CBV Index sẽ làm cho nhà đầu tư bối rối, bởi từ trước tới nay nhà đầu tư đã quen với VnIndex và HaSTC Index thôi. Ông nghĩ sao về ý kiến này? (Huy Sáu, 37 tuổi, Nam, Đống Đa - Hà Nội, NB)

- Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CK Biển Việt: Chỉ số VN Index và HaSTC Index là hai chỉ số TTCK chuẩn mực của Việt Nam. Việc ra đời chỉ số CBV index chỉ nhằm tạo thêm một cách nhìn về TTCK Việt Nam, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính có thể nắm bắt tình hình TTCK VN dưới nhiều góc độ: mức độ vốn với các chỉ số CBV index (chỉ số của các công ty Blue-chips), CBV Midcap (chỉ số của các công ty có quy mô vốn trung bình), CBV SmallCap (chỉ số của các công ty có quy mô vốn nhỏ), và góc độ ngành như các chỉ số CBV ngành theo chuẩn quốc tế ICB, và cuối cùng là góc độ về giá: như các chỉ số CBV-Giá trị và CBV-Tăng trưởng. Phục vụ nhà đầu tư là tôn chỉ của hệ thống chỉ số CBV Index cũng như tôn chỉ của Hội đồng chỉ số CBV Index.

Các khách mời đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Trường Sơn

* Thời gian qua, một số tổ chức tài chính đã đưa ra các bản báo cáo về TTCK VN, trong đó có bản báo cáo tốt, có bản báo cáo "xấu" về tình hình TTCK VN. Với chức năng P. Trưởng ban phụ trách Ban phát triên TTCK-UBCKNN, xin ông lý giải tình trạng này như thế nào, có phải họ muốn "tung hỏa mù" đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Hiện nay, VN-index đang có xu hướng hồi phục, vậy theo ông TTCK VN sẽ hồi phục đến mức nào? Sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhưng thông tin từ các tồ chức tài chính hay không? (Nguyễn Việt Cường, 25 tuổi, Nam, 235 Nguyễn Văn Cừ, Q1, Tp HCM, Cán bộ)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Theo tôi không có bản báo cáo nào là "tốt hoặc xấu", hoặc dụng ý đưa ra của các tổ chức tài chính quốc tế để "làm giá" như một số đánh giá của nhà đầu tư. Vấn đề ở đây là do cách tiếp cận các dữ liệu để phân tích và phương pháp phân tích của tổ chức đầu tư quốc tế nhiều khi khác với cách phân tích của các tổ chức trong nước. Trên thực tế vẫn có hiện tượng hoạt động đầu tư đi ngược lại với các khuyến nghị của bản phân tích. Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi đặt ra khi diễn biến đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường đi ngược lại với bản khuyến nghị. Để kết luận vấn đề này thật khó khi mà TTCK VN có những thời điểm dùng các chỉ tiêu phân tích thì không nên mua vào nhưng người ta vẫn mua vào và có lãi.

* Thực tế cho thấy các nhà đầu tư hiện nay chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố tâm lý gây ra bởi các luồng thông tin, đặc biệt là các bản báo cáo của các tổ chức tài chính có uy tín trên thế giới vừa qua về những lo ngại trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên những sai sót trong các bản báo cáo này mới là điều đáng nói. Vậy UBCK NN và các cơ quan quản lý có giải pháp nào để kiểm soát độ chính xác và tính minh bạch của các bản báo cáo này không trước khi nó được công bố rộng rãi? (Tú, 20 tuổi, Nữ, Q1 TPHCM, sinh viên)

- Ông Nguyễn Sơn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Đúng như nhận xét của bạn, các bản số liệu phân tích và công bố của các tổ chức tài chính quốc tế nhiều lúc cũng đưa ra số liệu không chuẩn xác. Ví dụ bản phân tích của IMF và HSBC đưa ra trong thời gian qua cũng có sự nhầm lẫn trong việc tính toán các chỉ tiêu EPS, P/E (do sai sót của nhân viên tính toán). Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, mặc dù sau đó đã có số liệu cải chính.

Về phía góc độ cơ quan quản lý chúng tôi khuyến cáo các SGDCK, TTGDCK và Cty CK trong nước tính toán và công bố các chỉ tiêu tài chính để nhà đầu tư có cơ hội tham khảo, so sánh. Trường hợp đặc biệt bộ phận nghiên cứu và phân tích thị trường của UBCKNN sẽ có liên hệ để trao đổi với các tổ chức quốc tế để có cách đánh giá nhận định khách quan hơn. Trước đây, khi nhận được bản đánh giá từ IMF, UBCKNN đã có những trao đổi với công luận để hiểu rõ thêm về những đánh giá nhận xét này, giúp cho nhà đầu tư có cách nhìn nhận đa dạng, nhiều chiều.

* Thưa ông Vũ Đức Nghĩa, bản báo cáo mới nhất của CBV nghiên cứu và đánh giá TTCK Việt Nam sau khi có các bản báo cáo của HSBC và Merril Lynch dựa trên cơ sở gì? Tại sao bản báo của CBV lại ra ngay sau khi có hai bản báo cáo trên? (phuong, 27 tuổi, Nam, nghia tan, cau giay, ha noi, tu do)

- Ông Vũ Đức Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CK Biển Việt: Theo các bảng xếp hạng của những tạp chí tài chính uy tín hàng đầu thế giới, top 10 các nhóm nghiên cứu TTCK toàn cầu và khu vực có: Lehman Brothers, Citigroup, Merrill Lynch, Morgan Stanley, UBS, Bear Stern... HSBC là một trong những ngân hàng toàn cầu uy tín nhất, nhưng nhóm nghiên cứu TTCK của HSBC, theo các bảng xếp hạng, thì không mạnh bằng các nhóm nghiên cứu thuộc top 10 nêu trên. Và các bản báo cáo của các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới như Merrill Lynch và Citigroup về TTCK Việt Nam thường được lập bởi các nhóm nghiên cứu khu vực và thường có những hạn chế thông tin về chiều sâu TTCK Việt Nam.

Cùng với các công ty chứng khoán uy tín và ra đời trước, CBV - Chứng khoán Biển Việt muốn kết hợp cùng với các bạn bè đồng nghiệp tạo dựng một thị trường của các bản báo cáo nội về TTCK Việt Nam, cạnh tranh cùng các bản báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài, nhằm cung cấp tới các nhà đầu tư nhiều thông tin đa phương đa chiều hơn nữa, giúp họ hiểu sâu, rộng hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thanhnien Online
(thực hiện)

Chương trình được tài trợ bởi:

Sacombank tiếp tục tăng lãi suất huy động USD

Từ ngày 10.9, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động USD lần thứ 2 trong năm 2007, đối với các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Theo đó, lãi suất huy động USD tăng thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn huy động từ 1-7 tháng; 0,15%/năm đối với các kỳ hạn từ 8-9 tháng và 0,1%/năm đối với các kỳ hạn còn lại.

Hiện nay, nguồn vốn huy động USD tại Sacombank đạt 304 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với đầu năm 2007. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng USD tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 20% so với đầu năm 2007.

Kết quả 8 tháng đầu năm 2007: Lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 854 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 72% kế hoạch năm 2007. Tổng tài sản đạt khoảng 45.255 tỷ đồng, tăng 82% so với đầu năm; nguồn vốn huy động gần 37.680 tỷ đồng; và tổng dư nợ cho vay đạt 22.119 tỷ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.