Bán cá... tử thần

24/04/2009 00:27 GMT+7

Bất chấp khuyến cáo, nghiêm cấm của cơ quan chức năng về độc hại của cá nóc, các cơ sở chế biến ở Kiên Giang vẫn lén lút làm món cá khô chết người này tung ra thị trường.

Ngày 22.4 ông Lê Thanh Liêm, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cung cấp thông tin. đáng chú ý: từ đầu tháng 2 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện thu giữ hơn 35 tấn cá nóc gồm cá nóc tươi và khô. Mới đây nhất ngày 21.4, khi kiểm tra đột xuất 4 xe tải biển số 68H-6455, 68H-5505, 54S-3145, 68H-1686, Công an huyện Châu Thành và Cảnh sát môi trường tỉnh Kiên Giang đã phát hiện 18 tấn cá nóc xanh lưng gù - loài cá cực độc trong họ cá nóc - trộn lẫn với các loại cá khác. Bước đầu 4 tài xế khai nhận 18 tấn cá nóc này lấy từ cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) vận chuyển tới các tỉnh thành khác giao cho khách. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, phạt hành chính trên 20 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số cá độc. Theo cơ quan chức năng đây là vụ vận chuyển cá nóc lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh. 

Trước đó, ngày 26.2, khi kiểm tra điểm chế biến cá khô ở đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Rạch Giá, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện trên 200 kg khô cá nóc đang phơi cùng với các loại khô cá khác. Chủ cơ sở là ông Nguyễn Văn Đời thừa nhận cứ cách một ngày ông Đời cung ứng cho các nơi khoảng 200 kg cá nóc. Vụ việc chưa lắng đọng thì ngày 4.3, qua tin báo của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra Cơ sở chế biến thủy sản Vĩnh Trang (xã Mỹ Lâm, Hòn Đất) phát hiện cơ sở này đang giữ 1.635 kg cá nóc, trong đó có 500 kg cá nóc khô.  Việc phát hiện 2 điểm bán khô cá nóc trên chỉ là nhỏ lẻ so với lô hàng “7 tấn cá nóc" của ông Nguyễn Khắc Huy (thường trú P.Rạch Sỏi, TP Rạch Giá). Ông Huy là chủ cơ sở chuyên thu mua hải sản nên không lạ gì loài cá độc này. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Huy khai nhận từ ngày 23 – 24.3, ông đã thu gom 12 tấn cá nóc tươi từ các tàu đánh cá đem về sơ chế bán lại cho các đại lý và cơ sở chế biến khô. Trước khi bị tịch thu, ông Huy đã tung ra thị trường hơn 4 tấn cá nóc phơi khô. 

Vì sao các cơ sở chế biến cá lại lao vào chế biến khô cá nóc dù biết đó là cá độc? Về vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm cho biết, gần đây Kiên Giang rộ mùa cá nóc (mùa sinh sản của cá nóc) nên các chủ tàu đánh bắt được nhiều. Họ đã hám lợi không hủy bỏ mà lén lút bán cho các điểm chế biến khô cá nóc. Việc chế biến cá nóc không những tràn lan trong dân mà còn xuất hiện ở một số cơ sở chế biến thủy sản nên khó mà quản lý xuể. Theo ông Liêm khi phát hiện bán cá nóc (kể cả cá khô và cá tươi) đoàn kiểm tra đều tịch thu tiêu hủy tại chỗ và tiến hành xử phạt các chủ chế biến, trữ cá nóc. Tuy nhiên, mức phạt chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng, quá thấp so với lợi nhuận, nên người ta vẫn bất chấp. Ông Liêm nói: “Nếu tình hình này còn tiếp diễn chúng tôi sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh có hình thức xử phạt nặng hơn”. 

Theo Bộ Y tế, vùng biển Việt Nam đã phát hiện được 4 họ, 12 giống và 66 loài cá nóc, phần lớn có chứa độc tố. Độc tố cá nóc có nhiều trong trứng cá, gan, mật, máu, tụỵ, mang, da, cơ bụng... Riêng trứng cá nóc tập trung nhiều độc tố nhất, vì vậy, con cái độc hơn con đực, nhất là vào mùa cá đẻ trứng (từ tháng 3 đến tháng 7). Độc tố cá nóc rất bền vững, đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm đi một nửa. Mỗi người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là có thể tử vong. Thường sau khi ăn cá nóc độc từ 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân bị tê môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đôi lúc, có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ... Nạn nhân có thể chết sau 1,5 - 8 giờ.

Thanh Dũng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.