Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông: Phát huy giá trị, phát triển bền vững

27/07/2020 10:21 GMT+7

Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu - là cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng).
CVĐC toàn cầu UNESCO là danh hiệu dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một công viên địa chất toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
 Hang C7 có chiều dài 1.067m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á - Ảnh: CVĐC Đắk Nông

Hang C7 có chiều dài 1.067m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á - Ảnh: CVĐC Đắk Nông

CVĐC Đắk Nông được UBND tỉnh Đắk Nông thành lập ngày 31.12.2015, có diện tích 4.760km², trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'long và TX.Gia Nghĩa). Theo thông tin từ Ban quản lý CVĐC Đắk Nông, lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á. CVĐC Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động có tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước... Đây còn là vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Ban quản lý CVĐC Đắk Nông cho biết, việc được công nhận là CVĐC toàn cầu không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông mà còn là vinh dự, tự hào lớn cho Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế. Ngoài những lợi ích cụ thể về kinh tế còn là những lợi ích tổng thể. Đó là các loại hình di sản được nhìn nhận, bảo tồn và phát huy giá trị một cách cân bằng và hài hòa với các hoạt động kinh tế; các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học được chú trọng; việc phát huy, ứng dụng giá trị di sản vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; mở ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập của người dân; tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư từ phía nhà nước, tư nhân lẫn nước ngoài… Cũng giống như các danh hiệu di sản thế giới khác, trở thành CVĐC toàn cầu cũng đồng nghĩa rằng các loại hình di sản ở khu vực đó từ nay đã không chỉ còn là di sản của địa phương hoặc của quốc gia đó mà đã trở thành di sản chung của toàn nhân loại và của các thế hệ mai sau.
Hệ thống hang động độc đáo tại CVĐC toàn cầu Đắk Nông - Ảnh: CVĐC Đắk Nông

Hệ thống hang động độc đáo tại CVĐC toàn cầu Đắk Nông

Ảnh: CVĐC Đắk Nông

Có thể nói, việc được công nhận CVĐC toàn cầu đối với CVĐC Đắk Nông có ý nghĩa không chỉ là một danh hiệu, mà còn là một mô hình phát triển bền vững. CVĐC toàn cầu UNESCO chứa đựng, liên kết trong mình các di sản: địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học... Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức cộng đồng, CVĐC toàn cầu đề ra một mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững, đặc biệt là thúc đẩy du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch.
Hiện nay, Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC Đắk Nông. Cùng với đó, tỉnh đầu tư hoàn thiện các hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm tham quan du lịch; tập trung đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã sản xuất, bảo tồn nghề truyền thống đảm bảo theo chất lượng, tiêu chuẩn, cung ứng sản phẩm cho khách du lịch đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu du lịch Đắk Nông.
Cảnh hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao - Ảnh: Phan Lê

Cảnh hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao

Ảnh: Phan Lê

UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đang đưa ra các giải pháp quản lý, quy hoạch và đầu tư nhằm khai thác hiệu quả CVĐC toàn cầu Đắk Nông. Tỉnh đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn để xây dựng kế hoạch quản lý công viên địa chất theo các yêu cầu của Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Đây là yêu cầu bắt buộc của Mạng lưới đối với CVĐC thành viên, do đó cần tham khảo ý kiến của chuyên gia UNESCO để đảm bảo công tác quản lý đạt hiệu quả cao. Về công tác quy hoạch, tỉnh đang cho tích hợp quy hoạch CVĐC vào quy hoạch chung của tỉnh. Bên cạnh đó, CVĐC Đắk Nông đang tiến hành xây dựng đề án khoanh vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong vùng CVĐC. Đây là cơ sở bước đầu để khoanh định các giá trị di sản cũng như đề xuất các điểm, mô hình phát triển du lịch.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư bước đầu làm cơ sở hình thành 44 điểm theo 3 tuyến du lịch để bước đầu vận hành CVĐC. Thời gian tới, sau khi đã hoàn chỉnh đề án khoanh vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong vùng CVĐC, tỉnh sẽ mời gọi đầu tư vào các khu điểm du lịch trọng điểm cũng như đầu tư phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương nói chung và CVĐC nói riêng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.